Mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích và não cho thấy rằng tình trạng này làm các dây thần kinh ở ruột trở nên quá nhạy cảm, trong khi não bộ lại xử lý tín hiệu từ ruột theo cách bất thường. Hiểu rõ về hội chứng ruột kích thích sẽ giúp bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị và lựa chọn phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp và hiệu quả hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Vai trò của trục não ruột
Ruột thường được xem như “bộ não thứ hai” của cơ thể, chứa khoảng 200 - 600 triệu tế bào thần kinh, được phân bố dọc theo hệ tiêu hóa và tạo nên hệ thần kinh ruột (ENS). Hệ thần kinh này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhu động ruột, điều hòa quá trình trao đổi chất qua niêm mạc ruột và tham gia sản xuất các nội tiết tố đường ruột.
Hệ thần kinh ruột không hoạt động riêng lẻ mà có mối liên hệ mật thiết với hệ thần kinh trung ương thông qua con đường, bao gồm hệ thần kinh ngoại vi, trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận và hệ miễn dịch. Mối liên hệ hai chiều giữa hệ thần kinh ruột với hệ thần kinh trung ương được gọi là trục não - ruột.
Các yếu tố như thay đổi tâm lý, tình trạng bệnh có thể làm suy giảm một trong nhiều con đường của trục não - ruột, từ đó gây ra những rối loạn chức năng, như trong các trường hợp:
- Cảm xúc mạnh như phấn khích, sợ hãi hoặc khó chịu có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Nhận được tin tức tồi tệ có thể khiến một người cảm thấy buồn nôn.
Những biểu hiện trên chính là ví dụ cho sự tác động qua lại giữa não và ruột, minh chứng cho vai trò của trục não - ruột trong cơ thể.
Khi cơ thể trải qua căng thẳng hoặc kích thích, não bộ sẽ giải phóng một số hormone vào máu. Những hormone này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến độ nhạy cảm và chức năng của hệ thần kinh tại thành ruột, từ đó dẫn đến các rối loạn tiêu hóa. Điều này lý giải tại sao sức khỏe tâm lý có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ tiêu hóa.
2. Rối loạn tương tác ruột - não là gì?
Rối loạn tương tác ruột - não (DGBI), trước đây được gọi là bệnh lý tiêu hóa chức năng, là một nhóm các bệnh lý phổ biến, đặc trưng bởi các triệu chứng tiêu hóa liên quan đến rối loạn cảm giác nội tạng, rối loạn vận động, thay đổi hệ vi sinh vật, suy giảm chức năng niêm mạc và miễn dịch, cũng như rối loạn trong xử lý tín hiệu thần kinh từ hệ thần kinh trung ương.
2.1 Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán
DGBI có thể ảnh hưởng đến cả đường tiêu hóa trên và dưới, với hội chứng ruột kích thích (IBS) là dạng phổ biến nhất. Bệnh nhân hội chứng ruột kích thích cho thấy mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích và não khi thường biểu hiện tình trạng mẫn cảm nội tạng, cảm giác đau hoặc khó chịu khi gặp các kích thích mà người bình thường không nhận thấy, chẳng hạn như chướng bụng hoặc kích thích nhu động ruột.
Các triệu chứng của DGBI là kết quả của sự kết hợp giữa mẫn cảm nội tạng, rối loạn vận động, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, suy giảm chức năng hàng rào niêm mạc và rối loạn trong quá trình xử lý tín hiệu thần kinh trung ương. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng. Tiêu chuẩn Rome IV được sử dụng để phân loại và xác định bệnh lý này. Xét nghiệm thường được thực hiện nhằm loại trừ các nguyên nhân thực thể khác gây ra triệu chứng tương tự.

2.2 Hướng điều trị
Điều trị DGBI thường bắt đầu bằng các biện pháp điều chỉnh lối sống đối với trường hợp nhẹ và sử dụng thuốc đối với các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng hơn. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống, giảm căng thẳng và áp dụng liệu pháp tâm lý. Thuốc có thể được chỉ định và sử dụng tùy theo tình trạng bệnh, tuy nhiên cần tránh dùng opioid do nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Quản lý tình trạng DGBI đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, kết hợp điều trị triệu chứng và giải quyết yếu tố tâm lý, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân một cách lâu dài.
3. Nghiên cứu về mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích và não bộ
Các nhà khoa học đã và đang tìm hiểu mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích và não bộ cũng như cách thức mà ruột ảnh hưởng đến não bộ. Với ví dụ điển hình là hội chứng ruột kích thích (IBS), hội chứng này thường gặp ở phụ nữ, với tỷ lệ mắc gấp đôi so với nam giới.
Ở hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, các dây thần kinh tại ruột trở nên nhạy cảm một cách bất thường. Não bộ của những bệnh nhân này cũng xử lý các tín hiệu từ ruột theo cách khác so với những người khỏe mạnh. Những kích thích nhẹ như chướng hơi cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy.
Tác động nghiêm trọng nhất của hội chứng này chính là ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Nhiều bệnh nhân cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn và không trọn vẹn, lâu ngày dẫn đến chán nản hoặc trầm cảm. Đây cũng là lý do tại sao các rối loạn tâm lý như lo âu và trầm cảm thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc các rối loạn chức năng tiêu hóa, điển hình như ruột kích thích, táo bón, đầy bụng khó tiêu.
Ngược lại, ở những người mắc các bệnh lý rối loạn thần kinh như lo âu, trầm cảm hoặc tự kỷ, cũng thường xuất hiện các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Những vấn đề này bao gồm chán ăn, rối loạn chuyển hóa, rối loạn chức năng tiêu hóa và tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.

Sự tương tác qua lại giữa não và ruột trong các bệnh lý này cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận điều trị toàn diện, bao gồm cả yếu tố tâm lý và sinh học, nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
4. Các vấn đề về ruột và tác động đến tâm trạng bệnh nhân
Nghiên cứu cho thấy rằng các vấn đề ở đường ruột có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm giác của bệnh nhân thông qua cơ chế của trục não - ruột. Ví dụ, bệnh nhân bị táo bón mãn tính thường cảm thấy chán nản hoặc thậm chí đau đầu. Điều này được lý giải là do tình trạng táo bón khiến hệ thần kinh ruột gửi các tín hiệu bất thường đến não bộ, dẫn đến sự kích hoạt một loạt cảm giác khó chịu khác.
Hệ vi sinh vật đường ruột (hệ khuẩn chí) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của ruột, đồng thời ảnh hưởng đến chức năng não bộ và hành vi vô thức thông qua mối liên hệ của trục não - ruột. Các vi sinh vật này tham gia tổng hợp tryptophan, tiền chất của serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Đáng chú ý, khoảng 90% serotonin trong cơ thể được sản xuất tại ruột.

Ở những bệnh nhân mắc các rối loạn thần kinh như căng thẳng, trầm cảm hoặc tự kỷ, sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột thường xảy ra. Điều này dẫn đến sự suy giảm cả về số lượng lẫn sự đa dạng của các vi khuẩn có lợi, đặc biệt là nhóm Lactobacillus và Bifidobacterium. Tình trạng này đã thúc đẩy ý tưởng bổ sung probiotics nhằm cải thiện chức năng của trục não - ruột. Đây là một hướng điều trị tiềm năng cho các rối loạn lo âu và trầm cảm, với cơ sở là việc tái thiết lập cân bằng hệ khuẩn chí đường ruột để hỗ trợ cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:hopkinsmedicine.org - .hopkinsmedicine.org