Hội chứng ruột kích thích liên quan đến các bệnh lý nào?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính được biết đến với các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, chướng bụng, thay đổi thói quen đại tiện. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa IBS và một số bệnh lý khác. Hiểu biết về mối liên hệ này không chỉ giúp chẩn đoán và điều trị IBS hiệu quả mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?  

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa, không phải là một bệnh lý cụ thể. Các dấu hiệu rối loạn đặc trưng bao gồm đau bụng mãn tính và sự thay đổi trong thói quen đi đại tiện, mà không kèm theo bất kỳ tổn thương cấu trúc hay sinh hóa nào trong hệ tiêu hóa. 

Biểu hiện bệnh đại tràng co thắt đa dạng nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Biểu hiện bệnh đại tràng co thắt đa dạng nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Các triệu chứng thường gặp của IBS bao gồm rối loạn đại tiện như tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi là sự xen kẽ giữa hai tình trạng này, người bệnh cũng có thể trải qua đau bụng, chướng bụng và có thể thấy sự thay đổi về tính chất của phân (có thể có phân nhầy hoặc phân nát). Điều đặc biệt là các triệu chứng này thường giảm bớt hoặc biến mất sau khi đi ngoài. Do tính chất tái phát của các triệu chứng, IBS có thể gây ra sự khó chịu đáng kể và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người trẻ tuổi có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) cao hơn so với người ở 50 trở lên. Tỷ lệ mắc bệnh này ở phụ nữ cũng cao hơn nam giới. Đồng thời, phụ nữ thường xuyên gặp phải triệu chứng IBS thể táo bón nhiều hơn nam giới.

2. Các triệu chứng và dấu hiệu của IBS

Hội chứng ruột kích thích (IBS) thường khởi phát trong giai đoạn thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi 20, với các triệu chứng tái phát không theo một khuôn mẫu nhất định. Mặc dù có thể bắt đầu ở người lớn, nhưng trường hợp này ít thường xuyên hơn. Thông thường, các triệu chứng của IBS không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh, và thường được kích hoạt bởi yếu tố thức ăn hoặc stress. 

Các triệu chứng chính bao gồm đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng dưới. Đau có thể âm ỉ hoặc dạng cơn và liên quan trực tiếp đến quá trình đại tiện. Đau bụng có thể tăng khi IBS gây ra tiêu chảy và giảm khi gây táo bón. Tính chất phân cũng thay đổi, có thể lỏng hoặc cứng, và độ đau thường liên quan đến các hoạt động của ruột. Các triệu chứng khác như khó khăn trong việc đại tiện, cảm giác mót rặn, hoặc phân nhầy máu cũng có thể xuất hiện, cùng với cảm giác căng hoặc chướng bụng.

Bệnh nhân IBS cũng thường gặp các vấn đề về tiêu hóa và có thể kèm theo các triệu chứng không liên quan đến đường ruột như mệt mỏi, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ và đau đầu kéo dài. Vậy hội chứng ruột kích thích liên quan đến các bệnh lý nào?  

3. Hội chứng ruột kích thích liên quan đến các bệnh lý nào?    

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa phức tạp mà nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố thể chất và tinh thần có thể liên quan đến việc phát triển của tình trạng này. Các yếu tố này bao gồm sự thay đổi nhu động ruột, tăng nhạy cảm của nội tạng, tình trạng viêm ruột, các trường hợp nhiễm trùng tiêu hóa, thay đổi trong hệ vi khuẩn ruột, sự phát triển quá mức của vi khuẩn, nhạy cảm với thực phẩm, di truyền và stress tâm lý. 

Căng thẳng và trầm cảm không chỉ là hậu quả của hội chứng ruột kích thích mà còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Căng thẳng và trầm cảm không chỉ là hậu quả của hội chứng ruột kích thích mà còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.

Do đó, những người mắc hội chứng ruột kích thích thường gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa và cả những vấn đề ngoài tiêu hóa khác. Vậy hội chứng ruột kích thích liên quan các bệnh lý nào?

3.1 Các tình trạng phối hợp  

Hội chứng ruột kích thích (IBS) không chỉ là một vấn đề tiêu hóa đơn lẻ mà còn có liên quan mật thiết với nhiều tình trạng sức khỏe khác. Các bệnh liên quan bao gồm đau cơ xơ, hội chứng mệt mỏi mãn tính (còn được biết đến như bệnh không dung nạp gắng sức toàn thân), bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), chứng khó tiêu chức năng, đau ngực không do tim, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và các rối loạn khác.

Người mắc IBS thường có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cao hơn người bình thường do giảm áp lực của cơ thắt dưới thực quản, dẫn đến trào ngược axit dạ dày lên thực quản và thậm chí là vùng hầu họng. Các triệu chứng chính thường gặp bao gồm cảm giác nóng rát ở thượng vị, ợ hơi, ợ nóng và trong một số trường hợp kéo dài có thể gây ra viêm họng mạn tính hoặc tái phát.

Chứng khó tiêu chức năng được chẩn đoán dựa trên một hoặc nhiều các tiêu chuẩn sau: cảm giác khó chịu sau ăn, cảm giác no sớm, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị. Điều quan trọng là các triệu chứng không có bằng chứng về bệnh cấu trúc (bao gồm cả nội soi trên) có khả năng giải thích được.

3.2 Các bệnh lý không phải ở tiêu hoá

  • Đau ngực không do tim: Đau ngực do trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể rất giống với cơn đau thắt ngực, thường được mô tả là cảm giác chèn ép hoặc nóng rát sau xương ức và có thể lan ra lưng, cổ, hàm hoặc cánh tay. Đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, có thể tự khỏi hoặc giảm nhẹ khi sử dụng thuốc kháng axit. Đau thường xuất hiện sau khi ăn, có thể làm bệnh nhân tỉnh giấc và cũng có thể trở nên trầm trọng hơn do stress.
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Đây là một tình trạng mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và tham gia các hoạt động hàng ngày. Mệt mỏi mãn tính không chỉ là hậu quả của IBS mà còn do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác bao gồm cả stress và các vấn đề sức khỏe khác.

3.3 Các rối loạn về tâm lý

Hội chứng ruột kích thích (IBS) có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tình trạng stress và trầm cảm:

  • Tình trạng stress: Hội chứng ruột kích thích (IBS) liên quan mật thiết đến hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương đối với các cơ thắt ở đại tràng. Người bệnh IBS thường xuyên cảm thấy lo lắng và căng thẳng quá mức, tạo nên một vòng lặp bệnh lý khó kiểm soát, gây khó khăn trong việc điều trị IBS.
  • Trầm cảm: Tình trạng này thường xuất hiện ở những người mắc IBS kéo dài mà không được điều trị hiệu quả. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa liên tục, cơn đau dai dẳng và mệt mỏi không rõ nguyên nhân, cùng với việc phải thường xuyên tới các cơ sở y tế, có thể khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng và dẫn đến trầm cảm.

4. Hội chứng ruột kích thích có thực sự nguy hiểm?  

Hội chứng ruột kích thích (IBS) không phải là một bệnh lý nguy hiểm và thường gặp ở dạng nhẹ. Người mắc IBS chủ yếu trải qua các triệu chứng như đau bụng tái phát và rối loạn đại tiện, trong khi những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất là khá hiếm gặp.

Trong một số trường hợp, IBS có thể tự thuyên giảm mà không cần dùng thuốc, chỉ với sự điều chỉnh về chế độ ăn uống là đủ. Tuy nhiên, dù IBS không phải là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng chúng ta không nên xem thường. Việc không điều trị kịp thời có thể khiến triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, gây ra những tác động xấu đến các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa. Do đó, việc liên hệ bác sĩ để được khám và tư vấn là rất cần thiết để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác trong đường tiêu hóa và xác nhận rằng đây thực sự là IBS – một tình trạng lành tính. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe