Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hội chứng mệt mỏi là một bệnh lý có mặt trên toàn thế giới. Bệnh lý này cho đến nay vẫn thường bị bỏ sót hoặc ít được chú ý cho đến khi nó trở thành tình trạng mạn tính. Tỷ lệ mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính được báo cáo khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Tỷ lệ hiện mắc trong cộng đồng chiếm 3,6% dân số ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ hiện mắc ở tuổi vị thành niên dao động từ 0,9% ở Vương quốc Anh đến 0,11% ở Hà Lan.
1. Hiểu rõ về hội chứng mệt mỏi
Hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể ảnh hưởng đến 2,5 triệu người Mỹ. Ước tính có khoảng 25 % bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mức độ nặng, tức là ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ phải ở nhà hoặc nằm trên giường. Bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính cần được chăm sóc nhiều hơn các bệnh nhân mắc nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, ngay cả ở Hoa Kỳ, có những vùng nơi người bệnh không nhận được bất kỳ dịch vụ chăm sóc y tế chuyên biệt nào. Cho đến nay, không có một xét nghiệm chuyên biệt nào giúp chẩn đoán xác định bệnh. Trên lâm sàng, cũng không có triệu chứng hay dấu hiệu đặc biệt nào để chẩn đoán chắc chắn. Không có một loại thuốc nào được cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị hội chứng mệt mỏi. Ngược lại, có khoảng 40 loại thuốc được FDA chấp thuận để điều trị HIV / AIDS một căn bệnh của thời đại. Và rõ ràng không có cách đặc trị cho hội chứng mệt mỏi. Đã hơn 80 năm kể từ khi xuất hiện ca hội chứng mệt mỏi mạn tính đầu tiên được ghi nhận ở Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay căn bệnh này vẫn không có cách đặc trị. Ngược lại, khoảng thời gian từ ca nhiễm HIV / AIDS đầu tiên đến khi phát triển phương pháp điều trị với các loại thuốc được Cục Quản lý Dược phẩm Liên bang (FDA) phê duyệt là chưa đầy một thập kỷ.
Hội chứng mệt mỏi là một rối loạn mạn tính, phức tạp, không rõ nguyên nhân, đặc trưng bởi sự xuất hiện của sự mệt mỏi dữ dội, khuyết tật (thể chất và tinh thần). Bệnh nhân bị cản trở các hoạt động hàng ngày, không giảm khi nghỉ ngơi, nặng hơn khi tập thể dục, và thường liên quan đến các biểu hiện toàn thân, nhiều hệ cơ quan.
2. Khó khăn trong việc điều trị hội chứng mệt mỏi
Hội chứng mệt mỏi kéo dài được Cơ quan Y tế Công cộng Hoa Kỳ mô tả vào năm 1934. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân của bệnh một cách rõ ràng. Do đó, bản chất bệnh lý của hội chứng mệt mỏi đã bị bỏ qua và căn bệnh này bị kỳ thị do bị gán nhãn sai là bệnh tâm thần hoặc rối loạn dạng cơ thể. Những nhận thức sai lầm như vậy về căn bệnh này đã dẫn đến việc nghiên cứu không đầy đủ về nó và việc chăm sóc, chữa trị vẫn còn nhiều thiếu sót. Năm 2015, Viện Y học Hoa Kỳ lần đầu tiên đã báo động căn bệnh này ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và cảnh báo chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư nghiên cứu về căn bệnh này và hỗ trợ bệnh nhân rất ít.
Mặc dù nhiều người bị hội chứng mệt mỏi mạn tính vẫn tiếp tục làm việc bất chấp bệnh tật của họ vì lý do kinh tế và uy tín xã hội. Nhưng điều này gây thiệt hại về năng suất làm việc trên toàn cầu khoảng 6.900 triệu euro. Ước tính hàng năm, mỗi bệnh nhân gây tổn thất 15.200 euro. Những con số này cho thấy hội chứng mệt mỏi là gánh nặng kinh tế xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Việc nhận diện sai về hội chứng mệt mỏi đã dẫn đến các phương án xử lý không phù hợp. Đặc điểm của hội chứng mệt mỏi như một bệnh tâm thần kinh đã dẫn đến đơn trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức hay liệu pháp tập thể dục phân loại khiến bị thất bại. Khi một đứa trẻ bị hội chứng mệt mỏi mạn tính, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể bị buộc tội theo luật của các tiểu ban Hoa Kỳ. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ này đã bị cách ly khỏi gia đình dẫn đến mức độ nghiêm trọng của bệnh tật ngày càng nặng.
Một số nhà khoa học chuyên nghiệp đã theo đuổi nghiên cứu bệnh lý này, nhưng sự nghiệp và sinh kế của họ bị đe dọa. Các bác sĩ lâm sàng của một số trường y trên thế giới đã được yêu cầu ngừng khám bệnh nhân hội chứng mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian của bác sĩ và hiệu quả không như mong đợi. Việc điều trị rất cần sự phối hợp của nhiều bác sĩ chuyên khoa. Gia đình, bè bạn và đồng nghiệp cũng không muốn tiếp xúc với người bệnh. Người bệnh không thể hòa nhập với cộng đồng và sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng chính là các rào cản lớn khiến người bệnh khó lòng đạt được kết quả điều trị.
Các bác sĩ hiện đang điều trị hội chứng mệt mỏi khẳng định nó còn “tàn phá” hơn cả HIV/AIDS. Mặc dù HIV/AIDS gây hậu quả nặng nề cho nhân loại nhưng ngày nay, bệnh lý này đã từng bước được chặn đứng. Thành quả có được là nhờ sự quan tâm của chính phủ và hệ thống y tế các nước trước đại dịch của nhân loại. Thế nhưng, qua những vấn nạn mô tả ở trên, hội chứng mệt mỏi vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Ở Hoa Kỳ- quốc gia có nền y tế bậc nhất thế giới, Chính phủ Hoa Kỳ phân bổ chi phí cho việc nghiên cứu hội chứng mệt mỏi mạn tính thấp hơn nhiều so với các bệnh mãn tính khác. Trong khi đó tại Mỹ, ước tính số bệnh nhân bị hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể gấp đôi số người nhiễm HIV/AIDS. Ví dụ, chi phí nghiên cứu ước tính năm 2018 cho mỗi bệnh nhân HIV/AIDS ở Hoa Kỳ là 2.000 đô la. Trong khi chi tiêu cho nghiên cứu hội chứng mệt mỏi mạn tính chỉ chưa đến 6 đô la cho mỗi bệnh nhân. Một sự chênh lệch lên đến 357 lần.
Tóm lại, trong khi ngành y tế gặp nhiều khó khăn về chẩn đoán, điều trị hội chứng mệt mỏi, thì hơn ai hết bạn hãy tự bảo vệ mình trước bệnh lý này. Chế độ ăn uống bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, duy trì lối sống lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là lá chắn tốt giúp cơ thể bạn không bị hội chứng mệt mỏi. Đó cũng là phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.