Hội chứng lú lẫn là một căn bệnh thường gặp ở người già và nhiều người cho rằng tình trạng này chỉ xuất hiện ở người cao tuổi. Tuy nhiên, đây lại là quan điểm hoàn toàn chưa chính xác vì hội chứng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
1.Hội chứng lú lẫn là gì?
Hội chứng lú lẫn với tỷ lệ nhập viện điều trị từ 10-15%, đây là hội chứng mà người mắc không thể suy nghĩ nhanh chóng và rõ ràng như người bình thường. Hội chứng lú lẫn thường gặp trong chuyên khoa tâm thần và một số chuyên khoa khác. Người bị lú lẫn thường không phân biệt được phương hướng, khó ra quyết định, chú ý và ghi nhớ.
Hội chứng lú lẫn có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và đặc biệt thường xuất hiện ở người cao tuổi, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể hạn chế những ảnh hưởng cũng như triệu chứng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
2.Biểu hiện của hội chứng lú lẫn tâm thần?
Những biểu hiện của lú lẫn rất dễ nhận ra, nếu bạn chú ý là có thể biết được tình trạng của người mắc bệnh lú lẫn. Sau đây là một số biểu hiện điển hình của hội chứng này:
- Khi tiếp xúc với người bệnh lú lẫn tâm thần, họ thường khá yên lặng, ánh mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm, nhiều khi tỏ ra rất kinh ngạc nhưng cũng có lúc lại ngơ ngác, đờ đẫn, dửng dưng với mọi thứ.
- Người bệnh lú lẫn thường khó khăn khi giao tiếp với người khác, họ trả lời chậm và khá lơ là trước những câu hỏi. Nhiều trường hợp người bệnh không biết phải trả lời hoặc trả lời không đúng những gì được hỏi,ư.
- Bệnh nhân mắc hội chứng lú lẫn nhiều khi có những hành vi khác với người xung quanh, họ có thể cười khóc, vùng vẫy chống cự hoặc cũng có thể im lặng, đi lại phải có người dìu dắt nhất là lúc lên cầu thang. Cảm xúc của người bệnh lú lẫn rất không ổn định, họ luôn cảm thấy bối rối và không biết bản thân mình là ai.
- Rối loạn tri giác: Người bệnh hay gặp ảo giác và chìm đắm trong đó, tùy vào loại ảo giác mà người bệnh có những biểu hiện ra bên ngoài khác nhau.
- Rối loạn ý thức: Không nhận ra người thân, khái niệm sáng tối bị đảo lộn. Thời điểm người bệnh tỉnh táo thường rất ngắn và hiếm hoi.
Bên cạnh những rối loạn về tâm thần, người bệnh lú lẫn thường có những biểu hiện rối loạn thần kinh và cơ thể như sốt, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp dao động, chân tay run, rối loạn giấc ngủ...
3.Nguyên nhân hình thành hội chứng lú lẫn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bệnh nhân mắc hội chứng lú lẫn, sau đây là một vài nguyên nhân thường gặp gây ra căn bệnh này:
- Chấn thương, chấn động: Nếu người bệnh gặp một chấn động hay chấn thương nào đó ở vùng đầu, rất có thể gặp phải hội chứng lú lẫn. Nó có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau vài ngày bị thương, khiến người bệnh không tỉnh táo, không nhận biết được mọi việc đang xảy ra.
- Mất nước: Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng lú lẫn. Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể người, lượng nước trong cơ thể hằng ngày đào thải ra ngoài qua tuyến mồ hôi, nước tiểu và các chức năng khác của cơ thể, nếu chúng ta không cung cấp đủ lượng nước cần thiết sẽ ảnh hưởng đến lượng điện giải và gây ra nhiều vấn đề cho cơ thể, trong đó có lú lẫn.
Sử dụng một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ cũng sẽ gây ra tình trạng lú lẫn, những triệu chứng này sẽ hết khi ngưng sử dụng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị cũng bị ảnh hưởng nhất định đến hệ thần kinh, chức năng não gây ra hội chứng lú lẫn.
Ngoài những nguyên nhân trên thì sốt cao, nhiễm trùng, ngộ độc rượu, cơ thể thiếu một vài chất như niacin, thiamin, vitamin B12, người bị động kinh, trầm cảm... cũng là căn nguyên gây ra hội chứng lú lẫn.
Với người cao tuổi thì đây là nhóm người có khả năng cao mắc hội chứng lú lẫn do tuổi già các chức năng trong cơ thể thoái hóa, người già không còn được minh mẫn như trước nữa.
4.Hội chứng lú lẫn có điều trị được không?
Hội chứng lú lẫn gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh cũng như người thân trong gia đình. Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và nếu tình trạng lú lẫn sớm được phát hiện thì bệnh nhân sẽ có cơ hội giảm bớt các triệu chứng và không để lại nhiều di chứng nặng nề.
Việc chẩn đoán có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng cũng như tìm ra nguyên nhân gây ra hội chứng lú lẫn. Ngoài việc thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân, bác sĩ cũng sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu
- Đo điện não đồ
- Chụp CT
- Chụp MRI
- Kiểm tra tình trạng tâm thần
Tùy vào nguyên nhân gây ra lú lẫn, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp với bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân lú lẫn do nhiễm trùng sẽ được điều trị nhiễm trùng, bệnh nhân lú lẫn do nguyên nhân sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu bia sẽ được cai nghiện để cải thiện tình trạng. Đối với người bệnh lú lẫn do mất cân bằng dinh dưỡng thì cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nếu bị mất nước cần bổ sung nước hoặc sử dụng oresol để giảm bớt triệu chứng...
Riêng đối với người già mắc bệnh lú lẫn, chúng ta cần hết sức kiên nhẫn với họ. Nếu người bệnh không nhớ những điều cơ bản nhất như tên tuổi, quê quán, người thân thì những người bên cạnh nên nhắc lại thường xuyên và quan tâm chăm sóc người bệnh để hạn chế sự hoang mang, lo lắng, ổn định lại tinh thần người bệnh.
Là một hội chứng thường gặp ở người cao tuổi nhưng hội chứng lú lẫn cũng có thể gặp ở cả những người trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài việc chăm sóc và điều trị, nếu người bệnh lú lẫn xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì những người thân trong gia đình nên đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Thần kinh. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.