Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở các đối tượng lao động chân tay hoặc làm các công việc tạo lực ép trên cổ tay thường xuyên. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, công việc của người bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về hội chứng ống cổ tay và cách điều trị trong bài viết sau.
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng đau, tê bì ở ống cổ tay, có thể cả 1 hoặc thậm chí là cả 2 bên.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là dây thần kinh giữa bị ép khi đi qua cổ tay. Nếu không được điều trị, xử trí sớm có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc phát hiện, có cách chữa hội chứng ống cổ tay sớm góp phần quan trọng trong việc phục hồi chức năng cho người bệnh.
Người bị hội chứng ống cổ tay thường có các biểu hiện như:
- Tê, ngứa ở các ngón tay, đặc biệt là về đêm;
- Cảm giác châm chích ở tay;
- Sưng ngón tay;
- Đau, ngứa ran lan lên cẳng tay, vai;
- Khó cầm nắm, cài khuy áo,...
Những triệu chứng này khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc. Do đó, tìm hiểu hội chứng ống cổ tay và cách trị rất cần thiết.
Đối tượng dễ bị hội chứng ống cổ tay gồm:
- Nhạc công;
- Người lao động chân tay;
- Nhân viên đánh máy....
Tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn nam, do kích thước cổ tay của họ nhỏ hơn nam giới.
2. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Để tìm cách chữa hội chứng ống cổ tay hiệu quả cần phải thăm khám để đánh giá. Chẩn đoán bệnh lý này chủ yếu dựa vào lâm sàng với 2 triệu chứng cơ năng, thực thể. Ngoài ra, bác sĩ còn chỉ định thêm các phương pháp cận lâm sàng khác như:
- Chụp X – quang (nếu có gãy xương, trật khớp...);
- Chụp X – quang cột sống cổ (loại trừ bệnh cột sống);
- Điện cơ đồ - EMG (electromyography);
- Siêu âm đầu dò phẳng tần số cao.
Bên cạnh đó, khi chẩn đoán hội chứng ống cổ tay cũng cần thực hiện chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như:
- Thoái hoá cột sống cổ;
- Thoát vị đĩa đệm;
- Viêm thần kinh ngoại biên;
- Viêm khớp bàn ngón cái;
- Thiểu năng giáp trạng;
- U nang hoạt dịch cổ tay.
Các bệnh lý này cũng có triệu chứng gần giống hội chứng ống cổ tay, do đó cần thực hiện chẩn đoán phân biệt.
3. Cách chữa hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay và cách trị bệnh lý này cũng đa dạng. Tuỳ vào mức độ bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị.
Cách chữa hội chứng ống cổ tay bao gồm:
3.1. Điều trị bảo tồn
Cách chữa hội chứng ống cổ tay này thường áp dụng cho các đối tượng mức độ bệnh nhẹ, gồm các cách như:
- Dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu; Oestrogen (sau mãn kinh); Kháng viêm; Vitamin B6;
- Hạn chế hoạt động của bàn tay: Hội chứng ống cổ tay xảy ra do tác động chèn ép quá mức ở cổ tay. Do đó, với các đối tượng này, để chữa trị cần giới hạn hoạt động gập cổ tay, thậm chí cân nhắc thay đổi công việc.
- Dùng nẹp cổ tay: Với những người bị hội chứng ống cổ tay, cần tránh các cử động lặp lại nhiều ở phần cổ tay. Do đó, cách chữa hội chứng ống cổ tay bằng nẹp cổ tay, giúp hỗ trợ các đối tượng có đặc thù công việc hoạt động ở cổ tay thường xuyên. Bác sĩ có thể dùng các loại nẹp như: Nẹp bột, nẹp vải... để nẹp phần cẳng bàn tay.
- Kháng viêm: Cách chữa hội chứng ống cổ tay bảo tồn bằng tiêm Corticoid cũng được chỉ định. Phương pháp này có thể làm giảm các triệu chứng ở 70% đối tượng. Tuy nhiên, nếu sau lần tiêm đầu tiên mà triệu chứng không cải thiện thì không nên điều trị bằng cách này.
3.2. Điều trị phẫu thuật
Nếu như các cách chữa hội chứng ống cổ tay bằng bảo tồn không có kết quả như:
- Nẹp 2 – 4 tuần, kiêng vận động 1 tháng;
- Đã tiêm Corticoides 2 - 3 lần;
- Teo một phần ngoài cơ gò cái;
- Nghi ngờ có u chèn ép cổ tay;
Lúc này, hội chứng ống cổ tay và cách điều trị là phẫu thuật. Phẫu thuật trong điều trị hội chứng ống cổ tay với mục đích làm giảm áp lực trong ống cổ tay. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay. Ðiều chỉnh các khối can xương hay xương trật để ống cổ tay không bị hẹp và không đè ép vào dây thần kinh giữa.
3.3. Bài tập cho người bị hội chứng ống cổ tay
Tập vật lý trị liệu cũng là một trong những cách chữa hội chứng ống cổ tay giai đoạn nhẹ. Mục đích của các bài tập là giúp tăng tuần hoàn, giảm phù nề, kích thích độ mềm, dẻo của các cơ/ dây chằng/ gân.
Hội chứng ống cổ tay và cách chữa trị bằng các bài tập đơn giản tại nhà. Bạn có thể áp dụng một số bài tập như:
3.3.1. Bài tập tư thế cầu nguyện
Bài tập này khá đơn giản, bạn có thể tập tại nhà hoặc bất cứ đâu, cách làm như sau:
- Bạn để tay giống như đang cầu nguyện;
- Tách các ngón tay xa nhất có thể;
- 2 lòng bàn tay tách ra, các ngón tay giữ lại với nhau;
Bài tập này giúp căng gân ở gan bàn tay, cấu trúc ống cổ tay, giúp giảm chèn ép dây thần kinh giữa, từ đó cải thiện các triệu chứng khó chịu khi bị hội chứng ống cổ tay.
3.3.2. Bài tập lắc tay
Cách chữa hội chứng ống cổ tay bằng cách lắc tay vô cùng đơn giản. Nó giống như bạn vừa rửa tay và lắc để tay khô. Bài tập này bạn có thể tập bất cứ khi nào. Lắc tay giúp các cơ gấp ở bàn tay và dây thần kinh giữa không bị chèn ép. Ngoài ra, bài tập lắc tay còn giúp bạn giảm khó chịu, hay chuột rút ở tay.
3.3.3. Bài tập xòe ngón tay và duỗi cổ tay
Bài tập này bạn có thể tập như sau:
- Đưa 1 cánh tay ra trước mặt;
- Duỗi thẳng khuỷu tay;
- Cổ tay mở rộng để các ngón tay hướng xuống sàn;
- Ngón tay xoè ra;
- Dùng tay còn lại xoa bóp lên cổ tay, bàn tay hướng xuống sàn;
- Giữ tư thế linh hoạt cổ tay, ngón tay khoảng 20s;
- Đổi bên và lặp lại;
Với bài tập này bạn có thể tập 2 – 3 lần mỗi bên và lặp lại nhiều lần.
Có thể thấy rằng, hội chứng ống cổ tay và cách chữa trị khá đa dạng, có cả dùng thuốc, bài tập vật lý trị liệu hay phẫu thuật. Tuy nhiên, để các cách chữa hội chứng ống cổ tay hiệu quả, bạn cần chú ý:
- Khi làm việc cần giữ bàn tay và cẳng tay trên cùng mặt phẳng;
- Không nắm dụng cụ làm việc mạnh;
- Không gõ bàn phím quá mạnh;
- Nên đổi tay linh hoạt;
- Thư giãn mỗi 15 – 10 phút;
- Giữ ấm tay;
- Thư giãn;
- Không gối đầu tay khi ngủ.
Hội chứng ống cổ tay rất thường gặp. Điều đáng nói là bệnh có thể được chẩn đoán sớm, nhanh chóng bằng nhiều biện pháp. Cách chữa hội chứng ống cổ tay cũng đa dạng, khả năng phục hồi tốt. Tuy nhiên, nếu như chậm trễ, hội chứng ống cổ tay có thể dẫn đến teo cơ, hạn chế vận động ở bàn tay. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đi khám để phát hiện hội chứng ống cổ tay và cách điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.