Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư nhưng nó có khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch. Hóa trị làm tổn thương tủy xương, dẫn đến tủy giảm khả năng sản xuất đủ hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bài viết sau sẽ phân tích rõ sự ảnh hưởng của hóa trị lên cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch.
1.Hóa trị ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào?
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư có khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch. Các loại thuốc hóa trị nhắm vào các tế bào sinh trưởng nhanh, đó là các tế bào ung thư - nhưng đó cũng có thể là các tế bào sinh trưởng thường trong máu, tủy xương, miệng, đường ruột, mũi, móng tay, âm đạo và tóc. Vì vậy, hóa trị cũng ảnh hưởng đến chúng.
Các tế bào ung thư bị phá hủy bằng hóa trị vì chúng không thể tự hồi phục. Các tế bào khỏe mạnh thường có thể tự hồi phục sau khi kết thúc điều trị bằng hóa trị. (Một ngoại lệ đáng chú ý là các tế bào thần kinh ở tay và / hoặc bàn chân của bạn, có thể bị tổn thương vĩnh viễn bởi một số loại thuốc hóa trị - tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên).
Vì thuốc hóa trị làm tổn thương tủy xương, dẫn đến tủy giảm khả năng sản xuất đủ hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Thông thường, tác động lớn nhất là trên các tế bào bạch cầu. Khi bạn không có đủ tế bào bạch cầu, cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
Mặc dù hầu hết các loại thuốc hóa trị có thể có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, nhưng mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, Ví dụ như:
- Những loại thuốc mà bạn đang dùng và kết hợp với nhau - dùng hai hoặc ba loại cùng một lúc có nhiều khả năng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hơn là một;
- Liều lượng và tần suất sử dụng thuốc;
- Thời gian điều trị kéo dài bao lâu;
- Tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn;
- Điều kiện y tế.
Một số loại thuốc hóa trị được dùng bằng đường uống, dưới dạng thuốc viên, trong khi những loại khác được tiêm qua tĩnh mạch - ở ngực, cánh tay hoặc bàn tay. Nếu bạn đang điều trị tiêm tĩnh mạch, hãy yêu cầu được tiêm ở phía đối diện của cơ thể từ nơi bạn đã phẫu thuật. Vị trí tiêm gây ra một số nguy cơ nhiễm trùng và phẫu thuật ung thư vú thường loại bỏ các hạch bạch huyết, bạn chắc chắn muốn giảm thiểu nguy cơ đó ở phía bị ảnh hưởng của cơ thể. (Nếu bạn bị ung thư ở cả hai vú, hãy chọn bên cơ thể đã phẫu thuật ít rộng hơn hoặc loại bỏ ít hạch bạch huyết hơn, nếu có thể.)
Thời gian của các chương trình hóa trị liệu rất khác nhau. Thông thường, bạn sẽ dùng thuốc trong một ngày đến vài ngày, đợi một vài tuần để cơ thể có thời gian phục hồi và sau đó bắt đầu lại chu kỳ. Điều trị bằng hóa trị có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Trong thời gian đó, bạn sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch – cơ thể không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Sau khi kết thúc điều trị hóa trị, có thể mất từ 21 đến 28 ngày để hệ miễn dịch của bạn phục hồi.
2.Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng của hóa trị lên hệ miễn dịch?
Nếu hóa trị là một phần trong phác đồ điều trị của bạn, bạn và bác sĩ nên xem lại các loại thuốc sẽ sử dụng và thảo luận về các tác dụng của nó đối với hệ miễn dịch.
Trước, trong và sau khi hóa trị, hãy cố gắng chăm sóc hệ miễn dịch của bạn, chẳng hạn như nghỉ ngơi đầy đủ, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm căng thẳng hết mức có thể. Một số loại thuốc hóa trị có thể làm giảm sự thèm ăn và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, vì vậy hãy hỏi bác sĩ về các cách để kiểm soát những tác dụng phụ đó.
Trước khi bắt đầu hóa trị, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra tổng công thức tế bào máu (CBC) để kiểm tra chỉ số của các tế bào máu khác nhau, bao gồm cả các tế bào bạch cầu. Bạn sẽ tiếp tục làm xét nghiệm máu này định kỳ trong suốt quá trình điều trị.
Khi số lượng bạch cầu của bạn thấp hơn bình thường, bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Đặc biệt, tế bào bạch cầu, được gọi là bạch cầu trung tính, rất quan trọng. Đây là những tế bào đầu tiên phản ứng với nhiễm trùng, chúng có thể nuốt chửng vi khuẩn, nấm và vi trùng. Kết quả xét nghiệm của bạn sẽ bao gồm số lượng bạch cầu trung tính (ANC).
Thông thường, mức độ bạch cầu trung tính bắt đầu giảm khoảng một tuần sau khi chu kỳ hóa trị của bạn bắt đầu, đạt đến điểm thấp trong một tuần tiếp theo và sau đó từ từ tăng trở lại trước khi chu kỳ điều trị tiếp theo diễn ra. Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ biết là mức độ bạch cầu trung tính của bạn đã tăng trở lại đủ để thực hiện phương pháp điều trị tiếp theo hay chưa.
Số lượng bạch cầu trung tính bình thường là khoảng 2.500-6.000. Nếu của bạn thấp hơn thế, và đặc biệt là xuống tới 1.000 hoặc thấp hơn, nguy cơ nhiễm trùng của bạn sẽ tăng lên. Nếu số lượng bạch cầu trung tính giảm xuống dưới 500, bạn đang rơi vào tình trạng gọi là giảm bạch cầu, điều này làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
Dù trong bất kỳ tình huống nào, điều quan trọng là phải tuân theo các hướng dẫn cụ thể để tránh bị nhiễm trùng và báo ngay cho bác sĩ bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng nào. Khi hệ miễn dịch của bạn yếu đi, nhiễm trùng có thể phát triển nhanh chóng và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nếu bạn bị sốt cao và nghi ngờ nhiễm trùng nhưng không gặp được bác sĩ riêng, hãy đến các cơ sở y tế ngay.
Nếu mức độ bạch cầu trung tính của bạn không tăng trở lại đủ mức giữa các đợt điều trị hoặc bạn bị giảm bạch cầu, bác sĩ có thể quyết định:
- Trì hoãn đợt hóa trị tiếp theo, hoặc giảm liều.
- Cho dùng thuốc kháng sinh kết hợp với phương pháp điều trị của bạn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Nếu hóa trị gây giảm bạch cầu kèm theo sốt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc gọi là kích thích phát triển đơn dòng (CSFs) hoặc các yếu tố tăng trưởng tế bào bạch cầu được đưa ra cùng với các phương pháp điều trị hóa trị của bạn. Những loại thuốc này có thể giúp cơ thể sản xuất nhiều bạch cầu trung tính và các loại tế bào bạch cầu khác, giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng, ví dụ:
- Neupogen (tên hóa học: filgrastim)
- Neulasta (tên hóa học: pegfilgrastim)
- Leukine hoặc Prokine (tên hóa học: sargramostim)
Các thuốc này được sử dụng ở giữa các chu kỳ điều trị. Mặc dù CSF có thể làm giảm nguy cơ nhập viện do nhiễm trùng, nhưng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như đau nhức xương, sốt nhẹ và mệt mỏi. Nói chung, CSF được sử dụng ở những người đang điều trị hóa trị có hiện tượng giảm bạch cầu trung tính hoặc được dùng cho những người mà việc điều chỉnh liều hóa trị không có tác dụng.
Sau khi kết thúc hóa trị, bệnh nhân luôn phải chú ý chăm sóc và theo dõi sức khỏe thường xuyên để tránh cơ thể bị nhiễm trùng cho đến khi hệ miễn dịch trở lại bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.