Hoa nhuộm thảo dược Alkanna : Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Phần rễ và lá của thảo dược Alkanna được sử dụng để sản xuất nhiều loại dược phẩm đường uống và dùng ngoài da. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định hiệu quả của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, có nhiều lo ngại về việc sử dụng các sản phẩm từ alkanna có thể gây hại cho gan.

1. Alkanna có tác dụng gì?

Alkanna là gì? Alkanna là một loài thực vật, có tên khoa học là Alkanna tinctoria. Cây cao từ 0.3-0.6m, lá có lông, hoa hình loa kèn màu xanh đến màu tím. Các tên gọi khác của loài cây này là Alkanet, Alkanna lehmanii, Alkanna Radix, Alkanna tinctoria, Alkanna tuberculata, Anchusa, Anchusa bracteolata, Anchusa tuberculata,...

Alkanna có tác dụng gì? Phần rễ và lá của thảo dược Alkanna được dùng làm thuốc điều trị một số trường hợp như:

  • Bỏng: nghiên cứu ban đầu cho thấy sử dụng thuốc mỡ có chứa alkanna, sáp ong, dầu oliu có thể giúp vết bỏng nhanh lành hơn so với việc băng bó thông thường.
  • Làm lành vết thương: nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng thuốc mỡ chứa 20% chiết xuất alkanna giúp vết thương mau lành sau khi cắt bỏ phần da bị tổn thương. Tuy nhiên, không rõ thuốc có giảm đau vết thương hoặc giảm hình thành sẹo hay không.

Ngoài ra, thảo dược Alkanna còn được dùng sản xuất thuốc điều trị tiêu chảy, viêm loét dạ dày, thuốc bôi ngoài da,...

Công dụng của Alkanna được cho là do một số hoạt chất trong Alkanna có tính chống oxy hóa, giúp làm giảm sưng viêm. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh khẳng định hiệu quả của thảo dược Alkanna. Bên cạnh đó, nhiều lo ngại về việc sử dụng các sản phẩm từ alkanna có thể gây hại cho gan.

2. Các tác dụng phụ của thảo dược Alkanna

2.1. Tác dụng phụ khi dùng các thuốc Alkanna đường uống

Các thuốc Alkanna đường uống có chứa các hóa chất có hại gọi là pyrrolizidine alkaloids (PA) tự nhiên. Các hóa chất này có thể ngăn chặn dòng chảy của máu trong các tĩnh mạch gan và gây tổn thương gan. Bên cạnh đó, chúng còn có thể gây ung thưdị tật bẩm sinh. Do đó, sử dụng các sản phẩm alkanna chứa các hóa chất này là không an toàn.

Một số nhà sản xuất dược phẩm đã cố gắng loại bỏ các hóa chất độc hại này ra khỏi sản phẩm. Các thuốc đã được loại bỏ pyrrolizidine alkaloids (PA) và đạt đến độ tinh khiết nhất định có thể được dán nhãn “không chứa PA gây độc cho gan”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đủ thông tin để biết dùng thuốc Alkanna không chứa PA gây độc cho gan đường uống có an toàn hay không. Do đó, tốt nhất bạn không nên sử dụng.

2.2. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Alkanna đường bôi ngoài da

Tương tự như thuốc Alkanna đường uống, các sản phẩm Alkanna bôi ngoài da cũng chứa hóa chất pyrrolizidine alkaloids (PAs), nguy cơ gây hại cho gan. Thoa các sản phẩm Alkanna lên vùng da rạn, tổn thương là không an toàn vì hóa chất pyrrolizidine alkaloids có thể hấp thu nhanh chóng qua vùng da bị tổn thương gây ngộ độc toàn cơ thể. Chưa có đủ thông tin để khẳng định các sản phẩm thuốc bôi Alkanna đã được loại bỏ PAs an toàn cho vùng da rạn, tổn thương. Do đó tốt nhất bạn không nên sử dụng các sản phẩm này.


Thuốc Alkanna dùng ngoài da cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc Alkanna dùng ngoài da cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ

3. Các thận trọng khi sử dụng thảo dược Alkanna

Các đối tượng sau cần đặc biệt cẩn trọng với các sản phẩm chứa thảo dược Alkanna:

  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: các pyrrolizidine alkaloids (PAs) trong sản phẩm có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi cũng như tổn thương gan ở người mẹ. Các chất này cũng có thể đi vào sữa mẹ và gây hại cho trẻ bú mẹ. Hiện chưa có đủ thông tin để biết các sản phẩm Alkanna đã loại bỏ PAs có an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ cho con bú hay không. Do đó tốt nhất các đối tượng này nên tránh sử dụng.
  • Người mắc bệnh gan: các pyrrolizidine alkaloids (PAs) trong các sản phẩm chứa thảo dược Alkanna có thể làm bệnh gan hiện mắc trở nên trầm trọng hơn.

4. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc chứa thảo dược Alkanna

4.1. Tương tác thuốc

Các thuốc sử dụng đồng thời như Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin, Rifampin, Rifabutin,... có thể làm tăng quá trình gan phân hủy Alkanna, từ đó làm tăng tác dụng độc hại của các hóa chất có trong Alkanna.

4.2. Liều lượng sử dụng

Liều lượng sử dụng Alkanna phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe người sử dụng, dạng bào chế của thuốc,... Hiện chưa có đủ thông tin khoa học để xác định một phạm vi liều lượng thích hợp cho alkanna. Để đảm bảo an toàn, hãy làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Thảo dược Alkanna được sử dụng để sản xuất nhiều loại dược phẩm đường uống và dùng ngoài da. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác dụng của loại thảo dược này để khi sử dụng tránh được những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe