Hô xương ổ răng là tình trạng dễ gặp trong các trường hợp răng hô hiện nay. Hô xương ổ răng thường do di truyền và muốn điều trị phải trải qua phẫu thuật hàm mặt hoặc phẫu thuật kết hợp với chỉnh nha.
1. Hiểu rõ về xương ổ răng
Xương ổ răng là một thành phần không thể thiếu giúp cho một chiếc răng bám chắc vào trong cung hàm. Về mặt sinh học, xương ổ răng là một tổ chức phức tạp được cấu tạo từ mô xương có tính chất xốp, bên ngoài được bao bọc bởi màng xương. Xương ổ răng có hình huyệt có kích thước vừa với mỗi chân răng. Nói một cách dễ hiểu, xương ổ răng là phần ổ lót của các răng.
Chức năng chính của xương ổ răng đó là giúp cho các răng có chỗ bám vững chắc trong cung hàm nhờ vào dây chằng nha chu. Xương ổ răng chịu trách nhiệm tiếp nhận và phân phối lực nhai và giảm sốc khi ăn các vật cứng.
Thành phần cấu tạo xương của xương ổ răng được chia ra làm hai loại là xương ổ chính danh và xương ổ nâng đỡ:
- Xương ổ chính danh gồm phiến cứng và xương bó, đây là thành phần gần nhất tiếp xúc với chân răng.
- Xương ổ nâng đỡ, gồm xương vỏ và xương xốp, đóng vai trò nâng đỡ như một nền móng vững chắc.
2. Hô xương ổ răng là như thế nào?
Tình trạng hô xương thường gặp ở tình trạng xương hàm trên phát triển quá mức, làm cho hàm trên bị đẩy về phía trước nhiều hơn hàm dưới. Điều này có thể dẫn tới tình trạng tương quan khớp cắn ở hai hàm không chính xác và dẫn tới tình trạng hô xương ổ răng. Trong cuộc sống, hô xương ổ răng gây ra nhiều trở ngại như gây mất thẩm mỹ, khó ăn nhai và khó phát âm.
- Hô xương ổ răng gây ra trở ngại trong giao tiếp
Có thể nói, những người có xương ổ răng bị hô ở hàm trên sẽ có một nụ cười thiếu tự tin, phần lợi khi cười sẽ bị hở ra. Nặng hơn nữa, hô xương ổ răng có thể gây ra tình trạng răng vẩu, khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
- Hô xương ổ răng gây khó khăn trong việc ăn nhai
Người bị hô xương ổ răng sẽ có một khớp cắn không đều, nhất là các răng cửa hàm trên và hàm dưới sẽ cắn không chạm nhau khiến cho việc xé nhỏ thức ăn bằng răng cửa gặp khó khăn.. Lâu ngày, việc ăn nhai bằng răng cối sẽ khiến các răng này hoạt động vất vả hơn, người bệnh cũng phải thực hiện việc nhai nhiều hơn khi ăn uống, ảnh hưởng khớp thái dương hàm.
- Hô xương ổ răng dễ gây chấn thương răng
So với những hàm răng có phần xương ổ không hô thì những bệnh nhân bị hô xương ổ răng sẽ dễ gặp các vấn đề về chấn thương hơn. Ví dụ khi chơi thể thao cũng sẽ dễ gặp các chấn thương nếu va chạm vào phần xương ổ răng bị hô gây lung lay các răng cửa, thậm chí là gãy răng, vỡ xương ổ răng.
3. Hô xương ổ răng phải làm sao
Đa phần các trường hợp hô xương ổ răng sẽ được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật mài xương ổ. Đây là phương pháp mà các nha sĩ sẽ dùng mũi khoan để mài, giảm bớt độ dày của phần xương hàm gây ra tình trạng hô.
Thông thường, khi thực hiện kỹ thuật mài xương ổ răng thì các nha sĩ cũng sẽ kết hợp luôn phẫu thuật cắt lợi, vì khi mài bớt phần xương ổ, phần lợi ban đầu của người bệnh sẽ bám xuống thân răng nhiều hơn, gây ra tình trạng cười hở lợi. Phương pháp điều trị hô xương ổ răng cần phải được thực hiện bởi các nha sĩ có kinh nghiệm lâu năm về phẫu thuật và chỉnh nha.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.