Bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Chuyên viên Tâm lý Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc. Triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ nhưng ở một số người bị rối loạn kéo dài dần dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát do bệnh trầm cảm. Vậy cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho phụ nữ sau sinh như thế nào?
1.Trầm cảm sau sinh là gì? Tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh – là trầm cảm xuất hiện ở người phụ nữ trong ba tuần đầu sau sinh. Ở một số người, tình trạng rối loạn này kéo dài đến tận tháng thứ sáu sau sinh, và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Theo các thống kê mới nhất trên thế giới, có khoảng 10-20% phụ nữ sau sinh có biểu hiện của trầm cảm, tỉ lệ này đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê từ các chuyên gia, tỉ lệ trầm cảm sau sinh ở phụ nữ Việt Nam có thể lên tới 33%, nghĩa là còn cao hơn nhiều so với thế giới. Ngoài ra, những người mẹ có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm sau sinh rất cao, chiếm 70 – 80% tỉ lệ các bà mẹ. Nhóm này được gọi là trầm buồn sau sinh (baby blues), nếu không được hỗ trợ đúng cách rất có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Trên thực tế, gần đây, chúng ta cũng đã thấy có những vụ việc mẹ tự tử cùng con, hoặc mẹ trầm cảm và làm hại con... cũng không hiếm.
Để phòng ngừa những rối loạn tâm thần ở giai đoạn sau sinh, người nhà cần hỗ trợ cả mẹ và em bé. Vì lúc này giữa mẹ và trẻ có mối quan hệ khăng khít, hành vi cảm xúc của mẹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ và ngược lại. Do đó, cần hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho phụ nữ sau sinh và em bé.
2.Em bé cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần như thế nào?
Ở giai đoạn từ sau khi sinh đến ba tháng, trẻ cũng phải đối mặt với nhiều sự thay đổi (về môi trường sống, về nhu cầu, về cách thứ thể hiện mong muốn...). Cụ thể, trẻ cần được chú ý nhiều hơn tới các nhu cầu sinh lý và sự an toàn. Do đó, bố mẹ cần chú ý hơn tới những hoạt động sau:
- Trẻ cần được nhận diện những lúc đói và bẩn để đáp ứng kịp thời, thông thường những lúc này trẻ sẽ khóc.
- Trẻ cần được ôm ấp, được nói chuyện và được vỗ về
- Trẻ cần được kích thích qua kênh thính giác, nghĩa là được trò chuyện bằng những từ ngữ dễ chịu, ngắn gọn. Tuy nhiên, trẻ cũng cần được nghe các âm thanh khác nhau, từ các giai điệu nhạc, các bài hát của mẹ, các âm thanh xung quanh như tiếng chim, tiếng đồ dùng... Nhưng cần tránh những tiếng động mạnh hoặc gay gắt, bởi các âm thanh này sẽ khiến trẻ cảm thấy không an toàn.
- Trẻ cần được kích thích qua kênh xúc giác. Lúc này xúc giác qua da của trẻ chưa được phát triển tốt, vì vậy, các chất liệu, đồ dùng xung quanh cần là những thứ mềm mại dễ chịu để trẻ thoải mái nhất khi tiếp xúc. Vì vậy, việc lựa chọn các quần áo cho trẻ, nước giặt, hoặc đồ dùng của trẻ phù hợp là rất cần thiết. Quần áo, đồ dùng của người lớn khi chạm vào da của trẻ cũng cần cân nhắc để đảm bảo vệ sinh, không làm trầy xước da trẻ. Đặc biệt, trong thời gian này, những bài tập massage kết hợp với nghe nhạc giúp trẻ kích thích thị giác và thính giác tốt
- Trẻ cần được vận động. Trẻ còn bé không có nghĩa là chỉ được nằm yên một chỗ. Trẻ cần được hoạt động bằng cách vung vẩy tay chân, lật người, quay đầu, nằm sấp và ngẩng cổ lên... Bố mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ thực hiện một vài động tác vận động vừa sức với trẻ.
Thời gian vừa lọt lòng mẹ, trẻ cần làm quen với môi trường mới, cũng như cần thay đổi lịch sinh hoạt để bản thân trẻ không bị thiếu hụt các nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, để thích nghi với lịch sinh hoạt mới, nên trẻ sẽ cần người lớn hỗ trợ rất nhiều. Bé còn non nớt, chưa thể tự nói ra cũng như đáp ứng nhu cầu của mình được, nên việc người lớn tạo cho các hoạt động phù hợp sẽ giúp bé phát triển về tâm lý, đạt được cảm giác an toàn, và chấp nhận những tác động mới từ bên ngoài. Bất kỳ các tác động nào, đặc biệt là các kích thích tiêu cực về âm thanh, về xúc giác, về đồ ăn... đều sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Vì vậy, cha mẹ không thể bỏ qua sự phát triển tâm lý ở giai đoạn đầu của trẻ.
3.Các phương pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho phụ nữ sau sinh
Sau sinh, người mẹ cũng phải trải qua nhiều thay đổi về môi trường tương tác và giao tiếp, về “nhiệm vụ” nuôi con, về cơ thể... Do đó, ở thời điểm này, người mẹ rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương về tinh thần. Người thân nên hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho phụ nữ sau sinh với những cách sau:
- Trò chuyện với người mẹ để họ được chia sẻ cảm xúc của họ. Đặc biệt người chồng cần quan tâm và hỗ trợ vợ mình.
- Nên tham khảo ý kiến của các nhà trị liệu tâm lý hoặc nhà tâm lý trẻ em - họ là những người có kiến thức, sẽ khách quan hơn khi nói chuyện với gia đình. Các chuyên gia này cũng là địa chỉ mà người mẹ có thể chia sẻ những băn khoăn của mình. Bên cạnh đó, khi cho trẻ tiếp xúc với một người khác ngoài gia đình, trẻ có thêm một môi trường tương tác, gia đình sẽ có người cùng theo dõi sự phát triển tâm lý của trẻ.
- Đi khám sức khỏe với bác sĩ sản khoa sau sinh, để đảm bảo người mẹ ổn định về thể chất, không có biến chứng ở các vết thương hoặc vết mổ, ăn ngủ đủ và cảm thấy khỏe mạnh.
Đi khám và trị liệu tâm lý khi người mẹ có những mối lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi. Việc khám tâm lý có giá trị quan trọng tương tự như khám sức khỏe thể chất, và là một không thể thiếu trong cuộc sống. Việc thăm khám và trị liệu tâm lý sẽ giúp người mẹ chia sẻ những nỗi lo và mệt mỏi của mình. Bên cạnh đó, những chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành cùng người mẹ trong quá trình chăm sóc em bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.