Hình ảnh siêu âm thủng dạ dày

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp (can thiệp nội mạch và can thiệp ngoại mạch).

Thủng ổ loét dạ dày là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa. Thủng dạ dày là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời biến chứng này sẽ thì tính mạng người bệnh sẽ bị đe doạ.

1. Triệu chứng và biến chứng thủng dạ dày

Khi bị thủng dạ dày, người bệnh thường có các triệu chứng như sau:

  • Triệu chứng cơ năng khi thủng dạ dày: Bệnh đau đột ngột, dữ dội, liên tục ở vùng thượng vị do dịch dạ dày chảy ra ổ bụng gây hiện tượng bỏng phúc mạc. Ngoài ra, người bệnh có thể tái nhợt, vã mồ hôi, nhịp thở nhanh nông, huyết áp tụt.
  • Triệu chứng thực thể: Bụng co cứng, nổi rõ các múi cơ thẳng vùng thượng vị, co cứng cơ liên tục ngoài ý muốn. Mất vùng đục trước gan do hơi từ dạ dày thoát ra chiếm chỗ ở vùng trước gan. Đục vùng thấp do dịch dạ dày chảy theo rãnh đại tràng phải xuống vùng hố chậu phải và tiểu khung Douglas.
  • Triệu chứng toàn thân: Người bệnh bị sốc, mạch lúc đầu chậm, thân nhiệt giảm, sau một thời gian mạch trở lại bình thường do dịch axit dạ dày tràn ra ổ bụng. Thời điểm muộn hơn mạch mới tăng và thân nhiệt cũng tăng
  • Liềm hơi trên X quang: Đây là triệu chứng quyết định để chẩn đoán thủng dạ dày. Thủng dạ dày không có liềm hơi được coi là thủng bít với triệu chứng đau khu trú ở vùng thượng vị, co cứng hoặc phản ứng ở vùng thượng vị hay hạ sườn phải, ít lan tỏa đến các vùng khác,
  • Xuất huyết tiêu hoá: Khi thủng dạ phối hợp với xuất huyết tiêu hóa, người bệnh sẽ chảy máu dạ dày trước đó, triệu chứng là nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Tình trạng viêm loét lâu năm có thể dẫn tới biến chứng thủng dạ dày
Tình trạng viêm loét lâu năm có thể dẫn tới biến chứng thủng dạ dày

Thủng dạ dày nếu không được xử trí và điều trị kịp thời sẽ diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Viêm phúc mạc toàn thể: Biến chứng này xuất hiện trong vòng 12 - 24 giờ, dấu hiệu nhiễm trùng tăng dần, cơ thể nhiễm độc, rối loạn điện giải, ure huyết tăng, suy thận và người bệnh hôn mê.
  • Viêm phúc mạc khu trú: Các dấu hiệu của thủng dạ dày giảm dần khu trú vào một vùng, sốt cao dao động, chán ăn, cảm giác rất khó chịu khi hít thở mạnh, đau ở vùng dưới hoành, ấn sâu đau có triệu chứng khu trú. Có thể nấc, nôn, siêu âm có hình ảnh của áp xe tồn dư.

2. Chẩn đoán thủng dạ dày bằng phương pháp siêu âm

Siêu âm bụng trong chẩn đoán dạ dày được áp dụng rộng rãi. Trường hợp thủng dạ dày, hình ảnh siêu âm thủng dạ dày sẽ cho thấy:

  • Hơi tự do hoặc dịch tự do hoặc thấy cả hơi và dịch tự do trong ổ bụng trên hình ảnh siêu âm.
  • Có thể thấy vị trí phù nề dày thành dạ dày vị trí thủng.

Bên cạnh đó, ngoài phương pháp chẩn đoán siêu âm thủng dạ dày, nếu trên phim chụp X quang có liềm hơi thì chẩn đoán sẽ trở nên chắc chắn, nhưng khi không có liềm hơi thì cũng không được loại trừ chẩn đoán.

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính cho giá trị chẩn đoán cao, có thể cho thấy những hình ảnh như hơi và dịch tự do trong ổ bụng, đặc biệt có thể phát hiện được vị trí thủng.


Tình trạng thủng dạ dày có thể được quan sát và đánh giá qua siêu âm
Tình trạng thủng dạ dày có thể được quan sát và đánh giá qua siêu âm

3. Điều trị thủng dạ dày

Người bị thủng dạ dày nếu được chẩn đoán sớm và xử trí cấp cứu kịp thời thì hầu như không có tử vong. Tuy nhiên tử vong sẽ tăng lên do tình trạng viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy thận cấp.... Vì vậy, nguyên tắc điều trị là chỉ định mổ cấp cứu, ngoại trừ một số rất ít trường hợp được chẩn đoán là thủng bít. Trước khi mổ, cần chuẩn bị tốt cho người bệnh, thời gian chuẩn bị tùy thuộc vào tình trạng người bệnh. Việc chuẩn bị bao gồm việc hút dạ dày trước mổ, bồi phụ nước điện giải và các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm đau và sử dụng kháng sinh trước mổ cho người bệnh. Các phương pháp tiến hành điều trị như sau:

  • Cắt dạ dày: Đây là phẫu thuật triệt căn, vừa điều trị thủng dạ dày và vừa điều trị căn nguyên loét dạ dày. Phẫu thuật cắt dạ dày là một phẫu thuật khó, để lại nhiều di chứng nặng nề lâu dài về sau, vì vậy không nên lạm dụng cắt dạ dày trong cấp cứu. Chỉ định cắt dạ dày chỉ thực hiện trong trường hợp thủng dạ dày do ung thư hay khi có nghi ngờ giữa thủng loét lành tính với thủng loét ung thư.
  • Cắt thần kinh X và khâu thủng có hay không kèm theo phẫu thuật dẫn lưu: Sau phẫu thuật cắt thần kinh X, tỷ lệ tái loét thay đổi tùy theo phương pháp. Giống như phẫu thuật cắt dạ dày cấp cứu, phẫu thuật cắt thần kinh X đòi hỏi phải chọn lọc cẩn thận.
  • Khâu lỗ thủng đơn thuần: Phương pháp khâu lỗ thủng chiếm tỷ lệ cao, được áp dụng rộng nhất. Tuy nhiên, nhược điểm chính của phương pháp này là chỉ điều trị biến chứng thủng mà không chữa khỏi được bệnh loét dạ dày và phải mổ lại.

Khâu lỗ thủng dạ dày là phương pháp được áp dụng rộng nhất
Khâu lỗ thủng dạ dày là phương pháp được áp dụng rộng nhất
  • Khâu lỗ thủng qua nội soi: Khâu lỗ thủng qua nội soi được áp dụng hiện nay, ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, có thể khâu lỗ thủng và kết hợp với cắt thần kinh X chọn lọc cao hay phẫu thuật Taylor. Tuy nhiên khâu lỗ thủng qua nội soi cần có chỉ định chặt chẽ và cũng cần được nghiên cứu thêm.
  • Khâu lỗ thủng kết hợp với điều trị thuốc kháng tiết: Phẫu thuật khâu lỗ thủng đơn thuần có tỉ lệ phải mổ lại cao. Phương pháp này cần điều trị kết hợp với thuốc kháng tiết sau khâu thủng.
  • Khâu lỗ thủng kết hợp với điều trị diệt trừ H. pylori: Điều trị bệnh biến chứng thủng và chảy máu, khi có H. pylori dương tính là cần thiết. Điều trị H. pylori còn làm giảm tối đa tỷ lệ loét tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe