Hình ảnh nội soi giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản gây ra nhiều biến chứng rất nặng, có thể gây tử vong và thường gặp ở bệnh nhân xơ gan. Phương pháp nội soi thực quản cho phép chẩn đoán nguy cơ vỡ và điều trị các búi tĩnh mạch giãn nhằm điều trị cấp cứu và giảm nguy cơ tái phát.

1. Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Bệnh giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các tĩnh mạch ở thực quản bị giãn ra, thường xảy ra ở những người có bệnh gan nghiêm trọng. Giãn tĩnh mạch thực quản sẽ phát triển khi lưu lượng máu bình thường đến gan bị chặn bởi một cục máu đông hoặc sẹo trong gan.

Để vượt qua tắc nghẽn, máu chảy vào các mạch máu nhỏ hơn vốn không được thiết kế để lưu thông khối lượng máu lớn dẫn đến việc các mạch máu có thể bị rò rỉ hoặc thậm chí bị vỡ, gây chảy máu và đe dọa tính mạng. Khi bị chảy máu, nguy cơ chảy máu lần sau sẽ tăng lên, đến khi bị mất quá nhiều máu, bệnh nhân có thể bị sốc và có nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:

  • Do xơ gan nặng bởi một số bệnh gan như: Viêm gan, bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡxơ gan ứ mật.
  • Do nhiễm ký sinh trùng: Sán máng là một bệnh nhiễm ký sinh trùng được tìm thấy ở một số vùng tại châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á. Ký sinh trùng này có thể gây tổn thương gan, phổi, ruột và bàng quang.
  • Do có cục máu đông: Trong tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch đổ vào tĩnh mạch cửa có thể gây nên tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản.

Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thường có các dấu hiệu, triệu chứng và biểu hiện bệnh như sau:

  • Nôn và có có máu trong chất nôn;
  • Phân thải ra đen;
  • Bị choáng váng;
  • Mất ý thức đối với những trường hợp nặng;
  • Vàng da, vàng mắt, dễ chảy máu hoặc bầm tím, báng bụng.

Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu của giãn vỡ tĩnh mạch thực quản
Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu của giãn vỡ tĩnh mạch thực quản

2. Khi nào cần nội soi giãn tĩnh mạch thực quản?

Giãn tĩnh mạch thực quản gây ra nhiều biến chứng và nguy hiểm hơn là có thể gây tử vong. Phương pháp nội soi giãn tĩnh mạch thực quản cho phép chẩn đoán nguy cơ vỡ và điều trị các búi tĩnh mạch giãn nhằm điều trị cấp cứu và giảm nguy cơ tái phát. Vậy khi nào cần nội soi giãn tĩnh mạch thực quản? Theo đó, trong các trường hợp sau đây thì cần phải nội soi giãn tĩnh mạch thực quản:

  • Bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản độ II, III, có dấu đỏ, hiện không xuất huyết.
  • Phòng ngừa xuất huyết tiêu hoá do giãn tĩnh mạch thực quản tiên phát hay thứ phát.

Không nên nội soi giãn tĩnh mạch thực quản trong các trường hợp sau đây:

  • Đang xuất huyết ồ ạt
  • Rối loạn đông máu nặng
  • Bệnh nhân đang có dấu hiệu suy gan nặng và tiến triển.

Người bệnh suy gan nặng cần nội soi giãn tĩnh mạch thực quản
Người bệnh suy gan nặng cần nội soi giãn tĩnh mạch thực quản

3. Quy trình nội soi giãn tĩnh mạch thực quản

  • Bước 1: Yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn uống 8-12 giờ trước thủ thuật
  • Bước 2: Kiểm tra chỉ định và chống chỉ định và kiểm tra các xét nghiệm
  • Bước 3: Chuẩn bị thiết bị - dụng cụ gồm: Máy nội soi dạ dày, kênh thủ thuật 2.8mm; bộ thắt nhiều vòng của Wilson Cook.
  • Bước 4: Gây tê vùng hầu họng bằng Xylocain 2%; tháo răng giả (nếu có), rút ống mũi dạ dày; đặt ngáng miệng bảo vệ máy soi và yêu cầu bệnh nhân nằm nghiêng trái.
  • Bước 5: Lắp dụng cụ (Six shooter): gắn phần tay quay vào kênh sinh thiết rồi đưa catheter kéo vào xuyên qua miếng van màu trắng. Khi catheter nhô ra khỏi đầu ống soi, máng sợi dây kéo vào móc thì kéo catheter ngược trở ra, mang theo sợi dây. Sau khi sợi dây kéo đã ra khỏi miếng van màu trắng, máng đầu trên dây vào rãnh xoay trên tay quay và quay cho đến khi dây căng rồi ở đầu dưới dây, gắn mũ chụp với các vòng cao su chặt vào đầu ống soi rồi giữ tay quay ở vị trí chỉ quay 1 chiều.
  • Bước 6: Đặt máy chủ động dưới kiểm soát của màn hình để tránh gây trầy xước vùng họng và quanh thanh môn. Quan sát để đếm số cột và tìm vị trí thắt phù hợp (thường là ở ngay trên tâm vị, tránh thắt ở chỗ có sẹo xơ, có mô loét, giãn quá nhỏ vì sẽ không hút hiệu quả). Tiến hành lần lượt theo chiều kim đồng hồ và từ thấp lên cao khi quyết định thắt nhiều chỗ.
  • Bước 7: Sau khi chọn chỗ thắt, điều khiển máy soi sao cho chỗ định thắt nằm ở vị trí 12h. Nâng cần Up để đưa ống soi gần thẳng góc với búi dãn. Bấm nút để hút thì búi dãn sẽ vào mũ chụp. Khi búi dãn vào rất lớn, sẽ không còn quan sát được rõ mà chỉ thấy một màu đỏ mờ thì bắt đầu vặn tay quay để thả vòng thắt. Sau khi thắt 1 cột, có thể thắt cột kế tiếp bằng cách xoay máy để đưa cột kế tiếp vào vị trí 12 giờ và thắt như trước.

Nội soi giãn tĩnh mạch thực quản
Nội soi giãn tĩnh mạch thực quản

4. Hình ảnh nội soi của vỡ tĩnh mạch thực quản

Sau khi nội soi giãn tĩnh mạch thực quản, dựa vào hình ảnh nội soi giãn tĩnh mạch thực quản có các trường hợp xảy ra như sau:

  • Chắc chắn có vỡ tĩnh mạch thực quản: Khi có tia máu phụt ra từ tĩnh mạch thực quản hoặc có điểm rỉ máu trên thành tĩnh mạch thực quản.
  • Có khả năng vỡ tĩnh mạch thực quản: Có cục máu đông đã chuyển màu trắng ngà hoặc cục máu đông mới dính trên thành tĩnh mạch, không bong đi khi bơm rửa.
  • Có thể có vỡ tĩnh mạch thực quản: Các búi tĩnh mạch thực quản lớn, có máu trong dạ dày trong khi đó không có thương tổn phối hợp khác ờ dạ dày hoặc tĩnh mạch thực quản dễ dàng rỉ máu khi bơm rửa nhẹ nhàng.

Hình ảnh nội soi của vỡ tĩnh mạch thực quản
Hình ảnh nội soi của vỡ tĩnh mạch thực quản

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe