Viêm gan tự miễn là gì luôn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi nghe đến thuật ngữ này. Viêm gan tự miễn không phân biệt giới tính hay tuổi tác, nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp, tình trạng có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan. Bài viết này liệt kê các nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Viêm gan tự miễn là gì?
Viêm gan tự miễn là gì? Đây một dạng bệnh viêm gan mạn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn tấn công các tế bào gan lành mạnh. Các tổn thương kéo dài có thể tiến triển thành xơ gan, làm suy yếu chức năng gan và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Đây là một bệnh lý không phổ biến, chỉ chiếm khoảng 0.043% dân số toàn cầu. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ, với tỷ lệ mắc cao hơn gấp bốn lần so với nam giới.
Do nguyên nhân của bệnh liên quan đến sự bất thường của hệ miễn dịch nên viêm gan tự miễn không lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có các rối loạn tự miễn dịch khác như lupus ban đỏ, bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp.
2. Các loại viêm gan tự miễn
Ngoài tìm hiểu về viêm gan tự miễn là gì, việc quan tâm đến các loại viêm gan tự miễn cũng vô cùng quan trọng. Viêm gan tự miễn có 2 loại và cả hai đều vô cùng hiếm gặp.
Loại 1 thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40, nhưng bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi và giới tính cũng có thể bị viêm gan tự miễn loại một. Loại 2 chủ yếu ảnh hưởng đến các bé gái từ 2 đến 14 tuổi.
Người bệnh bị viêm gan tự miễn có khả năng cao mắc thêm các bệnh tự miễn khác như bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp, lupus, hoặc hội chứng Sjogren.
3. Tỷ lệ viêm gan tự miễn trên thế giới như thế nào?
Các nghiên cứu tiến hành ở khu vực Bắc Âu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc viêm gan tự miễn là khoảng 10 đến 24 trên 100.000 người. Ở Alaska, tỷ lệ này cao hơn đáng kể, với khoảng 43 trường hợp trên 100.000 người thuộc cộng đồng bản địa được ghi nhận mắc bệnh này.
4. Ai có nhiều khả năng bị viêm gan tự miễn?
Viêm gan tự miễn là bệnh lý có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt chủng tộc hay sắc tộc. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở phụ nữ và trẻ em gái hơn nam giới và trẻ em trai. Viêm gan tự miễn loại 1 có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi lứa tuổi, trong khi loại 2 thường gặp hơn ở trẻ em.
5. Nguyên nhân dẫn đến viêm gan tự miễn là gì?
Viêm gan tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể không tấn công các mầm bệnh như virus và vi khuẩn mà còn tấn công tế bào gan lành mạnh. Điều này gây ra tình trạng viêm mãn tính và có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến gan.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến hệ thống miễn dịch lại tấn công chính cơ thể của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng viêm gan tự miễn có thể liên quan đến sự tương tác giữa các gen trong việc kiểm soát chức năng của hệ miễn dịch và sự tiếp xúc với một số tác nhân bên ngoài, bao gồm:
- Một số loại thuốc như statin và hydralazine, thường dùng để điều trị bệnh tim, cũng như các loại kháng sinh như nitrofurantoin và minocycline.
- Tình trạng căng thẳng thường xuyên.
- Nhiễm trùng do một số loại virus như virus viêm gan, virus herpes, Epstein-Barr và sởi.
6. Các yếu tố làm tăng khả năng viêm gan tự miễn
Các yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm gan tự miễn bao gồm:
- Giới tính: Phụ nữ có khả năng mắc phải viêm gan tự miễn cao hơn nam giới, dù bệnh có thể xảy ra ở cả hai giới.
- Tiền sử nhiễm trùng: Những người đã từng nhiễm các loại virus như sởi, herpes simplex hoặc Epstein-Barr, hoặc đã mắc các bệnh viêm gan A, B, hoặc C có thể có nguy cơ cao phát triển viêm gan tự miễn.
- Di truyền: Có bằng chứng cho thấy viêm gan tự miễn có thể có yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh cao hơn trong các gia đình có người mắc bệnh.
- Bệnh tự miễn khác: Những người mắc các bệnh tự miễn dịch khác như bệnh celiac, viêm khớp dạng thấp, hoặc cường giáp có nguy cơ bị viêm gan tự miễn cao hơn.
7. Triệu chứng của viêm gan tự miễn
Không chỉ thắc mắc "viêm gan tự miễn là gì", nhiều người còn rất quan tâm đến các dấu hiệu nhận biết bệnh để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm gan tự miễn thường khởi phát một cách âm thầm, biểu hiện ban đầu có thể chỉ là cảm giác mệt mỏi, khó chịu kéo dài vài tháng đến vài năm, kết hợp với tình trạng vàng da nhẹ. Chỉ khoảng 25% bệnh nhân có các triệu chứng khởi phát giống như viêm gan virus cấp tính. Triệu chứng vàng da trở nên rõ ràng hơn thường là dấu hiệu khiến người bệnh muốn tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Một triệu chứng thường gặp, có giá trị gợi ý bệnh là tình trạng rối loạn kinh nguyệt (như mất kinh trong một hoặc hai chu kỳ) xảy ra cùng với vàng da nặng. Các triệu chứng khác như chảy máu cam, chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da cũng thường gặp.
Khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể nhận thấy gan to và chắc, đặc biệt là thùy trái thường lớn hơn, nhưng ở giai đoạn muộn của bệnh, gan có thể teo nhỏ và xuất hiện các dấu hiệu của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như lách to và cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ. Ngoài ra, mọi người cần chú ý đến các biểu hiện khác như:
- Da có thể thay đổi, biểu hiện viêm mao mạch dị ứng, mụn trứng cá, hồng ban hoặc ban đỏ.
- Lách to, thường đi kèm với hạch to.
- Rối loạn nội tiết, có thể thấy tình trạng mụn trứng cá, rậm lông và nứt da; ở nam giới, có thể có biểu hiện vú to, viêm tuyến giáp tự miễn, nhiễm độc giáp và đái tháo đường.
- Viêm loét đại tràng có thể phát triển đồng thời hoặc sau khi viêm gan tự miễn xuất hiện.
- Các biểu hiện liên quan khác như viêm cầu thận, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi, xơ hóa phế nang, tình trạng thiếu máu kéo dài và dễ bị nhiễm trùng.
8. Biến chứng của viêm gan tự miễn là gì?
Việc tìm hiểu biến chứng của viêm gan tự miễn là gì sẽ giúp chúng ta đánh giá được mức độ nguy hiểm của bệnh. Khi không được điều trị, viêm gan tự miễn có thể tiến triển thành xơ gan, làm sẹo vĩnh viễn các mô gan. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Giãn tĩnh mạch thực quản: Do máu bị chặn khi lưu thông qua tĩnh mạch cửa, máu có thể chảy ngược vào các mạch máu của dạ dày và thực quản. Do chứa nhiều máu hơn sức chứa, các mạch máu trở nên mỏng manh, dễ vỡ và chảy máu nghiêm trọng, tình trạng này cần can thiệp cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
- Xơ gan cổ trướng: Là giai đoạn cuối cùng của xơ gan, gan không thể phục hồi và mất dần chức năng, diễn tiến bệnh trong giai đoạn này thường rất phức tạp theo các chiều hướng xấu. Chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng, không còn khả năng thực hiện giải độc, dẫn đến nhiễm độc toàn bộ cơ thể.
- Suy gan: Xảy ra khi tổn thương gan lan rộng, khiến gan không thể thực hiện đầy đủ các hoạt động. Trường hợp này thường yêu cầu ghép gan để duy trì sự sống.
- Ung thư gan: Nguy cơ phát triển ung thư gan cao hơn đáng kể ở những người mắc xơ gan.
Như vậy bài viết trên đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về viêm gan tự miễn là gì. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng thuốc có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng một lần là biện pháp hiệu quả để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt. Mọi người nên chọn nơi tầm soát cần dựa trên uy tín và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
>>Xem thêm: Xét nghiệm định danh 14 tự kháng thể trong bệnh gan tự miễn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com, Mayoclinic.org