Tế bào gốc máu CD34+ là loại tế bào có tiềm năng cao trong việc ứng dụng liệu pháp gen vì khả năng biệt hóa thành các loại tế bào máu khác nhau. Mặc dù đã có một số nghiên cứu về việc sửa chữa gen trên tế bào gốc máu CD34+, tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn chưa thực sự đánh giá hiệu quả của phương pháp chuyển hệ thống sửa chữa hệ gen vào trong tế bào.
Nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu tại viện Gene Editing Institute, USA xuất bản tháng 6/2018 trên tạp chí Molecular Therapy Nucleic Acids đã tiến hành đánh giá một cách có hệ thống hiệu suất chuyển công cụ sửa chữa gen bằng CRISPR/Cas9 vào tế bào gốc máu CD34+. Nghiên cứu đánh giá mối tương quan giữa việc đưa hệ thống CRISPR/Cas9 vào trong nội bào hoặc nội nhân đối với khả năng sửa chữa gen thành công. Nhóm nghiên cứu sử dụng Cas9 dạng protein kết hợp với đoạn DNA khuôn mẫu dạng mạch đơn ngắn để biến gen HBB bình thường thành dạng đột biến gây bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm trên tế bào gốc máu CD34+. Dưới kính hiển vi có độ phân giải cao cho thấy phức hợp Cas9 và RNA dẫn đường (RNP) có xu hướng tập trung bên ngoài màng nhân của tế bào CD34+ khi sử dụng hệ thống chuyển gen Neon transfection system (ThermoScientific). Khi sử dụng hệ thống chuyển gen vào trong nội nhân Nucleofector (Lonza) thì lượng RNP đi qua màng nhân nhiều hơn. Tuy nhiên dù tỉ lệ tế bào được chuyển gen cao hơn nhưng hiệu suất sửa chữa gen vẫn không thành công. Kết luận nhóm tác giả đưa ra là hiệu quả chuyển gen cao không đồng nghĩa với hiệu suất sửa gen cao, do đó cần đưa ra nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ hơn khi chuyển từ nghiên cứu sang lâm sàng cho vấn đề sửa chữa gen trên tế bào CD34+, cụ thể là với bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Nguồn tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2162253118300143
Lan T.M. Dao, PhD