Hiếm muộn nam và các chỉ số cần đánh giá trong tinh dịch đồ

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Vưu Khánh Linh - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Xét nghiệm tinh dịch đồ là một loại xét nghiệm cận lâm sàng khảo sát khả năng sinh sản cũng như quá trình sinh tinh của người nam giới có diễn ra bình thường hay không? Đây là một loại xét nghiệm quan trọng đối với hầu hết những cặp vợ chồng có ý muốn sinh con.

1. Định nghĩa về tình trạng hiếm muộn

Hiếm muộn hiện đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam, ảnh hưởng đến khoảng 15-20% các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh sản. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định: hiếm muộn là bệnh lý của cơ quan sinh sản, một cặp vợ chồng được gọi là hiếm muộn khi không có khả năng có thai sau một năm chung sống trở lên, giao hợp đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai nào. Với các cặp vợ chồng có người vợ trên 35 tuổi thì thời gian quy định là 6 tháng. Vì vậy, khi người vợ trên 35 tuổi, sau 6 tháng mong con nhưng vẫn không thể có thai được nên được khám và điều trị sớm. Tuy nhiên đối với những trường hợp, nguyên nhân hiếm muộn tương đối rõ ràng thì việc tính thời gian không còn được đặt ra.

2. Các nhóm hiếm muộn

Hiếm muộn được chia làm 2 nhóm, cụ thể:

  • Hiếm muộn nguyên phát: một cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai sau một năm chung sống mà không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào.
  • Hiếm muộn thứ phát: một cặp vợ chồng chưa có thai lại sau lần có thai trước đó ít nhất 1 năm chung sống mà không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào.

Nguyên nhân hiếm muộn do nữ thường chiếm khoảng 35 – 40%, do nam chiếm 30%, 20 % do cả hai vợ chồng và 10 – 15 % còn lại không rõ nguyên nhân. Trong đó:

  • Rối loạn phóng noãn (15%).
  • Bệnh lý vòi trứng và viêm dính vùng chậu (30 – 40%).
  • Yếu tố do chồng (30 – 40%).
  • Không tìm được nguyên nhân (5 - 25%).

3. Nguyên nhân hiếm muộn do chồng

Nguyên nhân hiếm muộn nam thường gặp là do: thiểu tinh, nhược tinh, kháng thể kháng tinh trùng, tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, cụ thể:

  • Tinh hoàn ẩn: xảy ra ở 3% trẻ đủ tháng, 21% trẻ sinh thiếu tháng và 0.8-1.8% trẻ 1 tuổi. Theo nguyên cứu của Đặng Quang Tuấn, phẫu thuật nội soi tỏ ra hiệu quả hơn mổ hở trong việc chẩn đoán và điều trị tinh hoàn ẩn không sờ thấy, tỷ lệ hạ được tinh hoàn ẩn qua nội soi ổ bụng là 90%.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: đây là một bệnh lý phổ biến ở nam giới gây ra 15-25% các trường hợp hiếm muộn nguyên phát và 75-81% hiếm muộn thứ phát. Bệnh lý này có thể điều trị hiệu quả bằng vi phẫu thuật.

Các nguyên nhân khác gây hiếm muộn nam giới như: chấn thương tinh hoàn, bất thường nhiễm sắc thể, tắc nghẽn ống dẫn tinh, xuất tinh ngược dòng, rối loạn nội tiết, viêm tinh hoàn. Ngoài ra, các yếu tố giảm số lượng và chất lượng tinh trùng như: Ảnh hưởng của nghề nghiệp: làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, tiếp xúc hóa chất độc hại...

Có nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn do nam giới và mỗi nhóm nguyên nhân cần phương pháp điều trị khác nhau. Hiện tại, các chỉ định lựa chọn phương pháp điều trị hiếm muộn được xây dựng trên giá trị, kết quả tinh dịch đồ.


Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong các nguyên nhân hiếm muộn do chồng
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong các nguyên nhân hiếm muộn do chồng

4. Hiếm muộn nam và tinh dịch đồ các chỉ số cần đánh giá trong tinh dịch đồ

4.1. Đánh giá đại thể

Sự ly giải

Đó là hiện tượng tinh dịch sau khi phóng tinh sẽ tự hóa lỏng ở 37oC. Trung bình thời gian ly giải trong 15 phút ở nhiệt độ phòng thí nghiệm hoặc tủ ấm 37oC. Hiện tượng này chủ yếu do các men fibrinolysin và aminopeptidase của tiền liệt tuyến phân hủy fibrin, hóa lỏng tinh dịch để giải phóng tinh trùng.

Nếu sự ly giải không xảy ra sau 60 phút thường do sự bất thường của tiền liệt tuyến (như viêm tiền liệt tuyến). Tinh trùng không di động hoặc khó di động có thể do tình trạng tinh dịch chưa ly giải hoàn toàn. Đối với những mẫu không ly giải sau 60 phút, cần ghi nhận trong kết quả. Tuy nhiên, một số tác giả đề nghị sử dụng men để giúp quá trình ly giải diễn ra bằng cách pha loãng tinh dịch với 10 IU/ml bromelain, khuấy đều và để tủ ấm trước khi đánh giá.

Độ nhớt

Được đánh giá bằng cách quan sát sự kéo dài của giọt tinh dịch được nhỏ ra từ đầu của pipette Pasteur. Độ nhớt bình thường khi giọt tinh dịch nhỏ rời rạc từng giọt, ngược lại độ nhớt được xem là cao khi giọt tinh dịch kéo dài trên 2cm. Độ nhớt cao thường là do bất thường những thành phần trong tinh dịch từ các tuyến phụ tiết ra.

Độ nhớt cao sẽ gây khó khăn cho việc đánh giá tỷ lệ di động và mật độ tinh trùng do ảnh hưởng đến tính đồng nhất của mẫu. Phương pháp làm giảm độ nhớt tương tự cách xử lý mẫu không ly giải. Việc dùng kim làm giảm độ nhớt có thể ảnh hưởng đến độ di động và hình thái của tinh trùng.

Thể tích

Trong mẫu sau khi xuất tinh sẽ bao gồm tinh trùng và tinh tương. Khoảng 90% tinh dịch là sản phẩm từ túi tinh và tiền liệt tuyến. Phần còn lại là do tinh hoàn, mào tinh và tuyến hành niệu đạo tiết ra. Đo lường chính xác thể tích tinh dịch rất quan trọng, vì số liệu này ảnh hưởng đến cách tính tổng số tinh trùng và tổng số tế bào lạ trong một lần xuất tinh.

Theo khuyến cáo mới nhất của WHO, thể tích của mẫu xuất tinh nên được tính bằng trọng lượng mẫu trong lọ chứa. Thể tích tinh dịch được tính bằng trọng lượng mẫu, với quy ước tỷ trọng tinh dịch bằng 1g/ml.

Thể tích tinh dịch được tính bằng ml với giá trị theo tiêu chuẩn tối thiểu là ≥ 1,5ml. Thể tích tinh dịch nhiều thường thấy ở những người có thời gian kiêng xuất tinh quá lâu. Trường hợp bán tắc đường dẫn tinh thường thấy thể tích tinh dịch rất ít. Trường hợp không có tinh dịch (Aspermic) thường do tắc nghẽn hay do xuất tinh ngược dòng.

Độ pH

pH được đo vào thời điểm nhất định ở 30 phút đến không quá 1 giờ sau khi xuất tinh. Thời gian xác định pH nên tiến hành trong 30 giây vì tinh dịch có thể bị oxit hóa khi để ngoài không khí, điều này sẽ làm thay đổi độ pH. Giá trị pH tối thiểu là 7,2 theo khuyến cáo của WHO 2010.

pH thay đổi tùy thuộc vào dịch tiết của tiền liệt tuyến có tính acid và dịch tiết mang tính kiềm của túi tinh. pH dưới 7 thường thấy trong trường hợp không tinh trùng có thể do tắc hoặc không có ống dẫn tinh hai bên.

4.2. Khảo sát vi thể

Độ di động

Độ di động được khảo sát bằng cách quan sát sự di động tự nhiên của tinh trùng, sau đó tính tỉ lệ giữa tinh trùng di động trên tổng số tinh trùng quan sát và được thể hiện bằng phần trăm. Tỉ lệ di động tiến tới của tinh trùng được xác định có liên quan tới tỉ lệ có thai. Khả năng di động của tinh trùng có thể bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tuổi và tình trạng sức khỏe của nam giới. Các yếu tố như thời gian kiêng giao hợp, cách lấy mẫu, thời gian từ lúc xuất tinh đến khi thực hiện khảo sát cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả . Do đó, di động tinh trùng nên được đánh giá ngay sau khi tinh dịch ly giải hoàn toàn, trong vòng 30 phút nhưng không quá 1 giờ sau xuất tinh.

Trong phiên bản mới nhất của WHO, độ di động của tinh trùng được phân làm 3 loại là di động tiến tới (PR-progressive), di động không tiến tới (NP-non progressive) và không di động (IM-immotile). Giá trị giới hạn tối thiểu đối với tổng tinh trùng di động (PR+NP) là 40%, đối với tinh trùng di động tiến tới là 32%.

Tỉ lệ sống của tinh trùng

Tỉ lệ này rất quan trọng trong các trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn trong mẫu xuất tinh. Tỉ lệ tinh trùng chết và bất động cao có thể là một gợi ý cho bệnh lý ở mào tinh hoàn. Ngoài ra, kết quả đánh giá tỷ lệ sống cho phép kiểm tra chéo kết quả của tỉ lệ di động. Thông thường, tỷ lệ tinh trùng chết không vượt quá tỷ lệ tinh trùng bất động và tỷ lệ tinh trùng sống thường nhiều hơn tỉ lệ tinh trùng di động.

Tinh dịch đồ (semen analysis) là một xét nghiệm cơ bản để đánh giá chung về khả năng sinh sản của nam giới. Tinh dịch đồ cho biết số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch, đồng thời có thể chẩn đoán các nguyên nhân bất thường khác, hướng đến những xét nghiệm cần thực hiện tiếp theo và đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp. Vì vậy, trong khám và chẩn đoán một cặp vợ chồng hiếm muộn, tinh dịch đồ là một xét nghiệm thường quy bắt buộc.


Tinh dịch đồ là một trong các xét nghiệm giúp đánh giá tình trnajg hiếm muộn nam
Tinh dịch đồ là một trong các xét nghiệm giúp đánh giá tình trnajg hiếm muộn nam

Mật độ tinh trùng

Nhiều nghiên cứu cho thấy tổng số tinh trùng trong một lần xuất tinh và mật độ tinh trùng đều liên quan đến tỉ lệ có thai và là cơ sở để tiên lượng khả năng có thai. Giới hạn tối thiểu của mật độ tinh trùng trong mẫu là 15 x106/ml.

Hình dạng tinh trùng

Tinh trùng được xác định là có hình dạng bình thường khi đầu, cổ, phần giữa và đuôi đều bình thường. Đầu tinh trùng có hình bầu dục với đường nét rõ ràng, dài 3,7-4,7μm, rộng 2,5-3,2μm, tỉ lệ dài và rộng là 1,3-1,8. Trong đó, cực đầu chiếm 40-70% so với thể tích vùng đầu. Cực đầu không có không bào lớn hoặc không có nhiều hơn 2 không bào nhỏ và không chiếm quá 20% thể tích vùng đầu. Vùng sau cực đầu không chứa bất kỳ không bào nào.

Phần giữa được xem là bình thường khi thon, bề ngang khoảng 0,5-0,7μm, dài 3,3-5,2μm, gắn thẳng trục với đầu. Bào tương sót lại nhỏ hơn 1/3 so với kích thước đầu (tinh trùng trưởng thành không còn thấy bào tương). Ngoài ra, đuôi phải thẳng, đều, thon hơn phần giữa, không cuộn, dài khoảng 45-50μm.

Theo khuyến cáo mới nhất của WHO (2010), hình dạng tinh trùng nên được đánh giá theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Kruger. Theo đó, tất cả tinh trùng có hình dạng không đúng như mô tả trên đều được coi là tinh trùng bất thường. Bên cạnh đó, bất kỳ tinh trùng nào có hình dạng nghi ngờ đều phải được xếp vào nhóm bất thường.

Các tế bào lạ

Các tế bào lạ còn được gọi là tế bào tròn, bao gồm tế bào biểu mô, bạch cầu, tinh trùng non và đôi khi là hồng cầu. Bình thường bạch cầu không có trong tinh dịch, nếu có chỉ với số lượng rất ít. Một số lượng lớn bạch cầu hiện diện trong một lần xuất tinh có thể biểu hiện bệnh lý, thường bắt nguồn từ tuyến tiền liệt hoặc dịch túi tinh. Trong khi đó, hồng cầu bình thường không có trong tinh dịch hoặc có thể có với số lượng rất ít nhưng không mang ý nghĩa bệnh lý. Sự hiện diện của nhiều tinh trùng non, tế bào mầm chưa trưởng thành trong tinh dịch chứng tỏ do rối loạn chức năng ống sinh tinh, thường trong bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Xét nghiệm tinh dịch đồ rất quan trọng với những cặp vợ chồng đang mong con. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ phần nào phản ánh được chất lượng tinh trùng, giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán vô sinh và những bệnh lý khác một cách hiệu quả hơn.

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec là trung tâm hiện đại hàng đầu Việt Nam được xây dựng và áp dụng quy trình điều trị phối hợp thăm khám toàn diện, kết hợp cả Nam khoa và Sản phụ khoa để đưa ra phương án tối ưu cho từng trường hợp người bệnh. Đặc biệt, tại Vinmec có đầy đủ các loại máy xét nghiệm, các phương pháp để tìm ra nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở cả nam và nữ giới. Cho đến nay, trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...

Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe