Hẹp khí quản điều trị như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Khí quản là bộ phận của đường hô hấp trên nối từ thanh quản tới phế quản. Hẹp khí quản là tình trạng khí quản bị hẹp do nguyên nhân bẩm sinh hoặc nguyên nhân mắc phải.

1. Các nguyên nhân gây hẹp khí quản là gì?

Nguyên nhân gây hẹp khí quản bao gồm:

  • Chấn thương khí quản sau đặt nội khí quản kéo dài
  • Chấn thương khí quản sau mở khí quản

Một số các nguyên nhân ít gặp hơn:

  • Hẹp khí quản bẩm sinh
  • Chấn thương vùng cổ từ bên ngoài
  • Khối u lành tính hoặc ác tính xâm lấn khí quản
  • Một số rối loạn tự miễn dịch: viêm đa khớp, bệnh sarcoidosis; papillomatosis amyloidosis hoặc bệnh u hạt Wegener
  • Nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm hoặc lao)
  • Biến chứng sau xạ trị vùng đầu mặt cổ

2. Các triệu chứng của hẹp khí quản?

Hẹp khí quản có thể tiến triển từ từ. Các triệu chứng và dấu hiệu sớm có thể bị nhầm lẫn với các rối loạn khác dẫn đến chậm trễ quá trình điều trị.

Hẹp khí quản thường có các biểu hiện như:

  • Ho
  • Chứng xanh tím biểu hiện ở da và niêm mạc mũi, miệng
  • Khó thở hoặc khó thở khi gắng sức
  • Một số trường hợp biểu hiện như bệnh hen khó kiểm soát ở người lớn
  • Thường xuyên có những đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên tái đi tái lại hoặc viêm phổi
  • Tiếng thở Tridor: Tiếng thở thì hít vào được gây ra do sự tắc nghẽn hẹp đường thở

Hẹp khí quản thường có triệu chứng ho, khó thở hoặc khó thở khi gắng sức
Hẹp khí quản thường có triệu chứng ho, khó thở hoặc khó thở khi gắng sức

3. Các xét nghiệm cần thực hiện khi bị hẹp khí quản?

  • Chụp Xquang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng cổ và ngực
  • Nội soi khí quản
  • Nội soi phế quản

4. Điều trị hẹp khí quản như thế nào?

Điều trị hẹp khí quản dựa trên các triệu chứng lâm sàng và nguyên nhân gây bệnh. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong hẹp khí quản. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ hẹp mà có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Phẫu thuật cắt nối khí quản: Phẫu thuật viên sẽ cắt đoạn khí quản bị hẹp và nối lại hai đầu khí quản trên - dưới với nhau. Đây là phương pháp thường áp dụng thành công trong hẹp khí quản với kết quả tốt, hiệu quả kéo dài.
  • Làm giãn nở khí quản qua nội soi phế quản: Giãn nở khí quản bằng bóng hoặc dụng cụ giãn khí quản giúp làm giảm triệu chứng tạm thời, cho phép bác sĩ xác định mức độ ảnh hưởng của hẹp khí quản. Trong quá trình thực hiện giãn nở khí quản còn có thể xác định được các nguyên nhân gây hẹp khí quản.
  • Laser qua nội soi phế quản: Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng laser để loại bỏ các sẹo hẹp khí quản. Laser trong hẹp khí quản thường mang lại kết quả tốt trong thời gian ngắn nhằm giảm triệu chứng tạm thời nhưng thường không phải là giải pháp kéo dài. Laser ở một số trường hợp có thể làm nặng thêm tình trạng hẹp khí quản. Vì vậy cần thiết phải cân nhắc kỹ trước khi sử dụng laser trong điều trị hẹp khí quản.
  • Đặt stent khí quản: Stent khí quản là một ống được tạo bằng silicon hoặc kim loại được đặt vào khí quản. Stent khí quản thường là phương pháp điều trị hẹp khí quản tạm thời hoặc kéo dài.

Có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt nối khí quản
Có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt nối khí quản

5. Điều trị hẹp khí quản có các nguy cơ nào?

Phẫu thuật hẹp khí quản cũng có các nguy cơ và biến chứng mặc dù tỉ lệ khá thấp.

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Khí quản vẫn bị hẹp sau phẫu thuật: một số trường hợp đặc biệt trong hẹp khí quản bẩm sinh ở trẻ em, sau phẫu thuật khí quản trở nên mềm, gây ra các vấn đề về hô hấp. Cần thiết phải thực hiện can thiệp tiếp theo như làm giãn nở khí quản hoặc đặt stent khí quản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe