Hẹp eo động mạch chủ gây tăng huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hẹp eo động mạch chủ gây tăng huyết áp và là nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh chiếm từ 5-8%. Nếu không được chẩn đoán điều trị sớm, người bệnh phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, khó lường.

Người bệnh sẽ có các biểu hiện lâm sàng tùy theo mức độ hẹp tại eo động mạch chủ. Bệnh có thể được chẩn đoán từ những triệu chứng rất nặng sau sinh đến dạng hầu như không có triệu chứng ở trẻ vị thành niên và người lớn. Tình trạng huyết áp tăng chủ yếu ở phần trên cơ thể, phần dưới có thể mất mạch, mạch yếu, huyết áp thấp.

Cơ chế tăng huyết áp ở người bệnh có thể rất phức tạp, không đơn thuần liên quan đến cơ học. Các tổn thương hẹp eo động mạch chủ có thể được phát hiện bằng các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ hạt nhân hoặc động mạch chủ có cản quang để xác minh chẩn đoán chính xác.

1. Hẹp eo động mạch chủ là gì?

Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng hẹp động mạch chủ ngang đoạn eo động mạch chủ, chủ yếu gặp trong các trường hợp hẹp mạch chủ, được mô tả liên quan đến vị trí của ống động mạch. Bệnh có thể gặp ở hầu hết các lứa tuổi, chiếm 5-8% gây ra các bệnh lý tim bẩm sinh.

Có nhiều dạng hẹp eo động mạch chủ như: hẹp eo động mạch chủ dạng nếp gấp, còn gọi là tổn thương dạng thắt lưng, hẹp eo động mạch chủ dạng ống do thiểu sản một đoạn động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ dạng màng ngăn.


Các dạng hẹp eo động mạch chủ
Các dạng hẹp eo động mạch chủ

2. Cơ chế tăng huyết áp trong bệnh hẹp eo động mạch chủ

Tăng huyết áp là bệnh thường gặp trên người bệnh hẹp eo động mạch chủ. Để giải thích cho cơ chế gây ra tăng huyết áp ở người hẹp eo động mạch chủ không đơn thuần chỉ là do tắc nghẽn cơ học. Có 3 lý do để giải thích cho hiện tượng tăng huyết áp trong hẹp eo động mạch chủ:

  • Yếu tố cơ học – tắc nghẽn làm tăng sức cản mạch máu;
  • Yếu tố thần kinh – tắc nghẽn làm thay đổi cảm ứng áp lực động mạch cảnh;
  • Yếu tố thận – thiếu máu thận.

Tình trạng tăng huyết áp kịch phát thường xảy ra trong 1 tuần sau phẫu thuật chữa hẹp eo động mạch chủ, đây còn gọi là hiện tượng tăng huyết áp dội ngược, được xem là thứ do tăng hoạt động của hệ giao cảm và co thắt mạch máu phản ứng phần xa cũng như tăng hoạt động renin.

3. Các hình thái lâm sàng của tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ

3.1 Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Hẹp eo động mạch chủ sẽ biểu hiện sớm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường trong các trường hợp hẹp eo động mạch chủ trước ống động mạch, bệnh cảnh lâm sàng nặng. Trẻ có tuần hoàn phụ thuộc ống động mạch, khi ống động mạch tắt, tình trạng tưới máu phần dưới cơ thể sẽ không còn, dẫn đến trụy mạch.


Trẻ nhỏ cần được thăm khám và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch
Trẻ nhỏ cần được thăm khám và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch

Bởi vậy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được kiểm tra kỹ sau kinh, bắt mạch, đo huyết áp tứ chi để phát hiện sớm. Khi mạch bẹn yếu, huyết áp chi trên và dưới chênh lệch nhau báo hiệu yếu tố gợi ý hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh.

Tắc nghẽn đường ra thất trái là một chẩn đoán phân biệt quan trọng với sốc trong thời kỳ sơ sinh, trong đó bao gồm cả hẹp eo động mạch chủ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bị hẹp eo động mạch chủ và suy tim hay chẩn đoán nhầm với sốc nhiễm khuẩn hay bệnh lý tại phổi trong một nửa trường hợp.

3.2 Ở trẻ lớn và người lớn

Ở đối tượng này là một dạng biểu hiện của hẹp eo động mạch chủ với biểu hiện tăng huyết áp chi trên, nghe được tiếng thổi ở gian sườn II cạnh ức trái hoặc ở phía sau lưng do chảy máu qua chỗ hẹp. Người bệnh nên được đo huyết áp cả 2 tay, chân để so sánh.

Trẻ lớn và người lớn thường có những triệu chứng điển hình của hẹp eo động mạch chủ, tuy nhiên chỉ 4% trẻ em trên 1 tuổi được chẩn đoán đúng bị hẹp eo động mạch chủ trước khi chuyển đến khám chuyên khoa tim mạch ngay cả khi có bất thường mạch bẹn, tăng huyết áp chi trên trong phần lớn trường hợp.

4. Chẩn đoán tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ

Để chẩn đoán tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ, người bệnh được chỉ định siêu âm tim nhằm xác định vị trí, kích thước, mức độ hẹp và các tổn thương liên quan. Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán như chụp CT hay MRI được chỉ định thêm trong các trường hợp tổn thương phức tạp, xác định các mạch máu bất thường, hệ tuần hoàn bàng hệ, theo dõi phình hoặc tái hẹp sau phẫu thuật. Bên cạnh đó thông tim mạch cũng là biện pháp chẩn đoán hiệu quả, đo độ chênh áp chính xác, qua đó có thể tiến hành can thiệp nội mạch.


Người bệnh bị tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ
Người bệnh bị tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ

5. Xử trí tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ

Tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp và kịp thời. Trường hợp người bệnh biểu hiện sớm, nặng ở trẻ sơ sinh cần sử dụng truyền prostaglandin E1 để mở lại ống động mạch, đồng thời hồi sức tích cực để ổn định sức khỏe của bệnh nhân và mổ cấp cứu, sửa chữa hẹp eo tái tạo lưu thông qua chỗ hẹp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe