Hệ thống nội tiết trong cơ thể người bao gồm tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về hệ thống nội tiết, các chức năng của nó và những hormone mà nó tạo ra.
1. Hệ thống nội tiết là gì?
Hệ thống nội tiết là một mạng lưới các tuyến và các cơ quan nằm rải rác khắp cơ thể. Nó tương tự hệ thần kinh ở chỗ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát và điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể; tuy nhiên khác biệt ở chỗ trong khi hệ thần kinh sử dụng các xung thần kinh và dẫn truyền thần kinh để liên lạc thì hệ nội tiết lại sử dụng hormone.
2. Chức năng của hệ thống nội tiết
Hệ nội tiết chịu trách nhiệm điều chỉnh một loạt chức năng của cơ thể thông qua việc giải phóng hormone. Hormone được tiết ra bởi các tuyến nội tiết, đi qua máu đến các cơ quan và các mô trong cơ thể.
Một số ví dụ về chức năng cơ thể do hệ thống nội tiết kiểm soát gồm:
- Sự trao đổi chất
- Sự tăng trưởng và phát triển
- Chức năng tình dục và sinh sản
- Huyết áp
- Nhịp tim
- Sự thèm ăn
- Chu kỳ ngủ và thức
- Thân nhiệt
3. Các cơ quan trong hệ thống nội tiết
Hệ nội tiết được tạo thành từ một mạng lưới phức tạp của các tuyến - là nơi hormone được sản xuất, lưu trữ và giải phóng. Mỗi tuyến sản xuất một hoặc nhiều hormone, đi vào các cơ quan và mô cụ thể trong cơ thể.
Các tuyến của hệ thống nội tiết bao gồm:
- Vùng dưới đồi: Sản xuất nhiều hormone kiểm soát tuyến yên. Nó liên quan đến việc điều chỉnh nhiều chức năng, bao gồm chu kỳ thức ngủ, sự thèm ăn và nhiệt độ cơ thể. Nó cũng có thể điều chỉnh chức năng của nhiều tuyến nội tiết khác.
- Tuyến yên: Tuyến yên nằm dưới vùng dưới đồi. Các hormone do nó tạo ra có ảnh hướng tới sự tăng trưởng và sinh sản. Nó cũng có thể kiểm soát chức năng của nhiều tuyến nội tiết khác.
- Tuyến tùng: Đây là tuyến được tìm thấy ở giữa bộ não, rất quan trọng với chu kỳ thức ngủ.
- Tuyến giáp: Nằm ở phần trước của cổ, rất quan trọng với sự trao đổi chất.
- Tuyến cận giáp: Cũng nằm ở phía trước cổ, đóng vai trò quan trọng trong duy trì kiểm soát nồng độ canxi trong xương và máu.
- Tuyến ức: Nằm ở thân trên, tuyến ức hoạt động cho tới tuổi dậy thì và sản xuất các hormone quan trọng cho sự phát triển của tế bào bạch cầu T.
- Tuyến thượng thận: Nó được tìm thấy trên đầu mỗi quả thận, có vai trò sản xuất các hormone quan trọng để điều chỉnh chức năng như huyết áp, nhịp tim và phản ứng căng thẳng.
- Tuyến tụy: Nằm ở bụng, phía sau dạ dày, có chức năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Một số tuyến nội tiết có chức năng không phải nội tiết. Ví dụ buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormone nhưng chúng cũng có chức năng không phải nội tiết là sản xuất trứng (với buồng trứng) và tinh trùng (với tinh hoàn).
4. Các hormone của hệ thống nội tiết
Hormone do hệ thống nội tiết sử dụng để thông điệp đến các cơ quan và mô trên khắp cơ thể. Sau khi được giải phóng vào máu, chúng di chuyển đến cơ quan hoặc mô đích, nơi có các thụ thể nhận biết và phản ứng với hormone.
Dưới đây là một số hormone được sản xuất bởi hệ nội tiết:
Hormone | Tuyến tiết | Chức năng |
Adrenaline | Tuyến thượng thận | Làm tăng huyết áp, nhịp tim và chuyển hóa khi bị stress |
Aldosterone | Tuyến thượng thận | Kiểm soát cân bằng nước và muối của cơ thể |
Cortisol | Tuyến thượng thận | Đóng vai trò trong phản ứng căng thẳng |
Dehydroepiandrosterone sulfate (DHEA) | Tuyến thượng thận | Hỗ trợ sản xuất mùi cơ thể và sự phát triển của lông ở tuổi dậy thì |
Estrogen | Buồng trứng | Có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, duy trì thai kỳ và phát triển các đặc điểm giới tính nữ |
Hormone kích thích nang trứng (FSH) | Tuyến yên | Kiểm soát việc sản xuất trứng và tinh trùng |
Glucagon | Tuyến tụy | Giúp tăng mức đường huyết |
Insulin | Tuyến tụy | Giúp giảm lượng đường trong máu |
Hormone luteinizing (LH) | Tuyến yên | Kiểm soát sản xuất estrogen và testosterone, cũng như sự rụng trứng |
Melatonin | Tuyến yên | Kiểm soát chu kỳ ngủ và thức |
Oxytocin | Tuyến yên | Giúp cho con bú, sinh con và tạo sự liên kết mẹ con |
Hormone tuyến cận giáp | Tuyến cận giáp | Kiểm soát nồng độ canxi trong xương và máu |
Progesterone | Buồng trứng | Giúp chuẩn bị cho cơ thể mang thai khi trứng được thụ tinh |
Prolactin | Tuyến yên | Thúc đẩy sản xuất sữa mẹ |
Testosterone | Buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận | Góp phần vào hình thành ham muốn tình dục ở nam và nữ, cũng như sự phát triển của các đặc điểm giới tính nam |
Hormone tuyến giáp | Tuyến giáp | Giúp kiểm soát một số chức năng của cơ thể, bao gồm tốc độ trao đổi chất và năng lượng |
5. Các bệnh liên quan đến hệ thống nội tiết
Nồng độ hormone đôi khi có thể quá cao hoặc quá thấp, gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe. Dấu hiệu, triệu chứng khác nhau tùy vào loại hormone bị mất cân bằng.
Dưới đây là một số bệnh liên quan đến hệ thống nội tiết và làm thay đổi nồng độ hormone:
5.1 Bệnh cường giáp
Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tạo ra nhiều hormone hơn mức cần thiết. Điều này có thể gây ra do một loạt các nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tự miễn.
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh cường giáp bao gồm:
- Mệt mỏi
- Hồi hộp
- Giảm cân
- Tiêu chảy
- Nhịp tim nhanh
- Khó ngủ
- Bốc hỏa
Điều trị cường giáp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc, liệu pháp radioiodine hoặc phẫu thuật.
Bệnh Graves là một rối loạn tự miễn và là dạng phổ biến của cường giáp. Ở bệnh nhân Graves, hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp, khiến nó sản xuất nhiều hormone hơn bình thường.
5.2 Suy giáp
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp bao gồm:
- Mệt mỏi
- Tăng cân
- Táo bón
- Chịu lạnh kém
- Da và tóc khô
- Nhịp tim chậm
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Gặp vấn đề về sinh sản
Điều trị suy giáp bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp bằng thuốc.
5.3 Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing xảy ra khi nồng độ hormone cortisol cao.
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng này bao gồm:
- Tăng cân
- Tích tụ chất béo ở mặt, giữa, hoặc vai
- Vết rạn da, đặc biệt là ở cánh tay, đùi và bụng
- Khó lành vết cắt, vết trầy xước và vết côn trùng cắn
- Da mỏng dễ bị bầm tím
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản ở nam giới
Điều trị hội chứng Cushing phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể bao gồm dùng thuốc, xạ trị hoặc phẫu thuật.
5.4 Bệnh Addison
Bệnh Addison xảy ra khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol hoặc aldosterone. Một số triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Đau bụng
- Lượng đường trong máu thấp
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
- Hay cáu gắt
- Thèm muối hoặc thức ăn mặn
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Điều trị bệnh Addison có thể dùng các loại thuốc giúp thay thế các hormone mà cơ thể không sản xuất đủ.
5.5 Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu không được điều chỉnh hợp lý.
Người mắc bệnh tiểu đường sẽ có quá nhiều glucose trong máu (lượng đường trong máu cao). Có hai loại bệnh tiểu đường là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 .
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường bao gồm:
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Đói hoặc khát tăng
- Đi tiểu thường xuyên
- Hay cáu gắt
- Nhiễm trùng thường xuyên
Điều trị bệnh tiểu đường có thể bao gồm theo dõi lượng đường trong máu, sử dụng liệu pháp insulin và thuốc. Bên cạnh đó thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống cân bằng cũng sẽ giúp ích cho quá trình điều trị.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org
XEM THÊM: