Nuốt nghẹn là hiện tượng có thể gặp ở hầu hết mọi người, tuy nhiên hay gặp nhất là người cao tuổi. Nuốt nghẹn có thể do rối loạn chức năng co bóp của thực quản, nhưng cũng có thể do một số bệnh lý khác gây ra. Nếu bạn ăn hay nghẹn, cần phải đi khám để tìm nguyên nhân và hướng điều trị kịp thời.
1. Như thế nào là nuốt nghẹn?
Khi ăn, thức ăn được đưa từ miệng qua họng, xuống thực quản rồi mới đến dạ dày. Đầu tiên thức ăn được nhai và nghiền nát tại miệng, sau đó được đẩy ra sau họng. Tại đây thức ăn sẽ kích thích các thụ thể cảm nhận gây ra phản xạ nuốt để đẩy thức ăn qua họng xuống thực quản.
Lúc này nhờ sự co bóp nhịp nhàng của cơ thực quản mà thức ăn sẽ được đẩy xuống dạ dày. Bình thường quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ, nhưng vì một nguyên nhân nào đấy mà thức ăn bị dừng lại tạm thời hoặc tắc lại trên đường vận chuyển, từ đó xảy ra nuốt nghẹn. Hiện tượng nghẹn không phải là bệnh mà nó chỉ là triệu chứng biểu hiện của các bệnh lý khác nhau.
Nuốt nghẹn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường gặp nhiều nhất ở người cao tuổi. Ở người cao tuổi sự phối hợp các chức năng ở họng khi nuốt hay bị mất sự điều hành nhịp nhàng, khiến cho thức ăn dễ rơi vào khí quản, từ đó nạn nhân thường ho sặc sụa và nghẹt thở.
Mặt khác, phản xạ nuốt của cơ vòng đầu thực quản ở người cao tuổi rất chậm, thậm chí còn hiện tượng ‘trơ lỳ”. Họ chỉ lơ đãng một chút như mải suy nghĩ trong khi ăn hoặc ăn vội, ăn nhanh, nuốt miếng thức ăn lớn sẽ rất dễ bị tắc nghẽn ở đoạn hẹp của thực quản do sinh lý hoặc do nguyên nhân bệnh lý.
2. Nguyên nhân nuốt nghẹn
2.1. Nuốt nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn chức năng co bóp của thực quản khiến cho bạn nuốt nghẹn như:
- Ăn uống vội vàng, nhai không kỹ, hoặc nuốt miếng thức ăn to.
- Do tính chất thức ăn, đặc biệt các loại thức ăn đặc, dai, nhầy và dính dễ dẫn đến rối loạn chức năng nuốt.
- Trạng thái tinh thần căng thẳng, uất ức hoặc tức giận trong khi ăn cũng dễ dẫn đến rối loạn co bóp thực quản gây nghẹn.
Phản xạ co bóp của thực quản bị rối loạn làm cho thức ăn, nước uống tạm thời dừng chuyển động, mắc lại ở cổ họng hoặc thực quản gây nên nghẹn.
2.2. Nuốt nghẹn do nguyên nhân bệnh Basedow
Các bệnh lý tại thực quản như sẹo làm hẹp thực quản thường là di chứng để lại sau khi bị bỏng thực quản. Bỏng thực quản có thể do nhiệt nhưng rất hay gặp do uống nhầm phải hóa chất như kiềm, axit. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi cũng có thể gặp ở người lớn do bất cẩn trong sinh hoạt, lao động.
Các khối u thực quản: Thường gặp là ung thư thực quản, nhưng cũng có thể là khối u lành tính. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng nuốt nghẹn hay gặp ở người lớn. Ngoài ra còn có các bệnh lý khác ở thực quản gây nuốt vướng, nuốt nghẹn đó là: Viêm thực quản, dị vật thực quản, túi thừa thực quản, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Các bệnh lý ngoài thực quản: Bệnh Basedow, bướu giáp đơn thuần với kích thước lớn gây chèn ép thực quản, các khối u phế quản, phổi, các khối u, hạch di căn vùng trung thất, suy tim, dày thất, tim to, phình mạch đều là những nguyên nhân gây chèn ép thực quản dẫn đến nuốt nghẹn.
3. Biểu hiện của nuốt nghẹn là như thế nào?
Thức ăn có thể gây tắc nghẽn ở cổ họng, thực quản, khí quản hoặc cả hai. Nếu thức ăn làm tắc thực quản, bỗng nhiên bạn thấy nuốt khó, cố nuốt, nấc, nôn oẹ khi đang ăn. Khi đó thức ăn có thể sẽ di chuyển vào khí quản do phản xạ, nắp thanh môn mở ra. Lúc này, bạn sẽ ho sặc sụa, nói không ra tiếng, tùy từng mức độ bạn có thể bị khó thở hoặc thậm chí có thể bị nghẹt thở.
Nếu thức ăn làm tắc khí quản, đột nhiên bạn thấy thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt. Nếu không được xử trí kịp thời và thích hợp, chỉ trong vài phút, tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng, cấp tính có thể sẽ dẫn tới tử vong.
4. Các phương pháp xử trí cấp cứu khi gặp người bị nghẹn
Do khí quản bị tắc, việc thở oxy qua mũi, họng là không có tác dụng. Cần cấp cứu bệnh nhân ngay tại chỗ, tranh thủ từng giây phút, mục tiêu là làm khai thông khí quản, đồng thời gọi báo cho mọi người, bác sĩ đến hỗ trợ giúp.
Trường hợp người bị nghẹn vẫn tỉnh táo. Hãy để bệnh nhân ngồi, hơi cúi nửa người trên ra phía trước, bảo họ gắng sức ho mạnh. Khi ho, sẽ tạo ra dòng khí đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp hoặc ít nhất cũng tạo được khe hở cho việc thở. Bạn có thể đứng ở phía sau, dùng tay đập mạnh 4 cái liên tiếp vào vùng lưng giữa hai xương bả vai.
Bạn cũng có thể đứng phía sau, để nạn nhân hơi cúi về phía trước, bạn ôm ngang bụng nạn nhân, hai tay khóa chặt, sau đó siết mạnh tay vào bụng trên 4 lần theo chiều hướng lên miệng nạn nhân. Làm vài lần như vậy để đẩy thức ăn ở khí quản, ở nắp thanh môn ra, hoặc tạo khe hở để phục hồi chức năng hô hấp.
Nếu nạn nhân bị nghẹn trong tình trạng bất tỉnh, bạn cần cho nạn nhân nằm nghiêng. Còn bạn, một bên dùng ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, dùng tay còn lại đánh mạnh 4 cái vào vùng lưng, khoảng giữa hai xương bả vai.
Cách thứ hai, bạn để nạn nhân nằm ngửa, đầu ngả ra sau, bạn tỳ chặt khuỷu tay hoặc có thể hai tay đan chặt vào bụng nạn nhân, đẩy mạnh 4 cái hướng vào trong và lên trên. Mục đích vẫn là để tạo dòng không khí từ phổi, đẩy phần tắc nghẽn ra, làm thông đường thở.
Nếu nạn nhân bị nghẹn bởi thức ăn đặc, nhầy, dính như bánh trôi, bánh gato... thì ngoài cách cấp cứu như trên, bạn cần phải để nạn nhân nằm nghiêng, dùng hai ngón tay móc hoặc kẹp thức ăn bị tắc lôi ra. Chỉ cần tạo được khe hở phục hồi chức năng hô hấp là có thể giữ được tính mạng nạn nhân.
5. Cách phòng chống nuốt nghẹn
Theo con số thống kê cho thấy, hầu như người cao tuổi nào cũng bị nghẹn với các mức độ khác nhau. Nhưng điều may mắn là nghẹn hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chú ý một số điểm sau:
- Ăn chậm: Thường thì người cao tuổi ăn “không được bao nhiêu”, vì vậy nên ăn thong thả, ăn chậm, nhai kỹ, không được vội vàng, đừng thúc giục người cao tuổi ăn nhanh. Đồng thời chức năng răng lợi ở người cao tuổi cũng chỉ còn dưới 50% so với thời trẻ, vì vậy hãy ăn chầm chậm.
- Tập trung khi ăn, uống: người cao tuổi và cả người trẻ cũng không nên nói chuyện trong khi ăn, không nên mải mê suy nghĩ và đừng bực mình khi ngồi vào bàn ăn. Mọi người nên ngồi vào bàn ăn khi đầu óc thanh thản. Căng thẳng, lo buồn, cáu giận làm bạn ăn mất ngon, dễ gây rối loạn động tác nuốt.
- Ngược lại, ăn cũng có thể là một biện pháp làm sao đầu óc thư giãn, bớt lo buồn. Ăn miếng bé và nuốt từng miếng nhỏ một, nuốt từ từ, để thưởng thức hương và vị của từng món ăn. Tại gia đình, nên làm những phần thức ăn với từng miếng nhỏ cho riêng người cao tuổi. Trong mọi tình huống, bạn nên dùng dao hoặc kéo để cắt nhỏ thức ăn hoặc “bỏ qua” những món cứng, miếng to.
Trong trường hợp bạn ăn hay nghẹn, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, nuốt nghẹn tăng dần, bạn cần phải đi khám để được bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
- Nếu nghi ngờ tổn thương tại thực quản bác sĩ sẽ tiến hành soi thực quản, bấm sinh thiết tổ chức u sùi (nếu có) để làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.
- Nếu nghi ngờ tổn thương ngoài thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành chụp phim XQ, chụp CT scan, MRI hoặc kết hợp soi khí phế quản và các xét nghiệm cần thiết khác để tìm nguyên nhân chính xác. Tùy theo nguyên nhân gây nuốt nghẹn, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng của bạn.
Trên đây là những lý do giải thích cho tình trạng ăn hay nghẹn. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng, nếu trường hợp này kéo dài, gây ảnh hưởng đến ăn uống, lúc này bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra nhằm có những chỉ định phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một địa chỉ y tế chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt cùng hệ thống máy móc các chuyên khoa hiện đại, cập nhật theo xu hướng phát triển của thế giới. Hiện Vinmec phát triển với nhiều gói khám sức khỏe phù hợp với từng tình trạng bệnh, lứa tuổi, giới tính, trong đó gói khám sức khỏe tổng quát giúp bạn kiểm tra được tổng thể thông qua các xét nghiệm máu, nước tiểu, gan, thận, đo cân nặng, chiều cao, chụp x-quang, MRI... Dựa vào các kết quả kiểm tra ban đầu, bác sĩ sẽ có những tư vấn cụ thể để nhằm đảm bảo tốt cho sức khỏe khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.