Hay đau bụng dưới rốn: Đừng chủ quan

Đau bụng dưới rốn thường xuyên có thể là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan đến các vấn đề ở cơ quan sinh dục, hệ thống tiết niệu hoặc hệ tiêu hóa. Để hiểu rõ hơn đau bụng dưới rốn là như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu một số bệnh lý thường gặp có thể gây đau bụng dưới rốn mà người bệnh cần lưu ý không nên xem nhẹ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1.Nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn do ruột già (đại tràng)

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn liên quan đến ruột già (đại tràng):

  • Viêm túi thừa: Bệnh nhân có thể trải qua cơn đau dữ dội và co thắt ở bên trái bụng, đi kèm với tình trạng phân có máu, sốt.
  • Viêm ruột thừa: Triệu chứng bao gồm đau âm ỉ, cơn đau dần tăng lên từ phần bụng trên xuống phía dưới, kèm theo chướng bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt và đau khi đi tiểu.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS) : Ngoài đau bụng, người mắc IBS có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, ợ chua và co thắt bụng. Các triệu chứng này xảy ra không theo một trật tự nhất định và có thể thay đổi theo thời gian.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): Bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Đau bụng dưới có thể xuất hiện cùng với các triệu chứng như đầy hơi, phân có máu và sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Thoát vị bẹn: Đây là tình trạng các cơ quan bên trong nhô ra khỏi vùng cơ và mỡ xung quanh. Đau bụng dưới do thoát vị bẹn có thể đi kèm với sưng tấy và cảm giác nặng bụng khi di chuyển hoặc ợ nóng. 
Người bị hội chứng IBS còn kèm theo các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng
Người bị hội chứng IBS còn kèm theo các triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng

2. Nguyên nhân do tiết niệu

Các nguyên nhân liên quan đến hệ tiết niệu có thể gây đau bụng dưới rốn:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong niệu đạo và bàng quang. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, nước tiểu đục hoặc có màu sẫm, cảm giác đau rát khi đi tiểu và tiểu nhiều lần.
  • Bí tiểu cấp: Đây là tình trạng bàng quang không thể thải bỏ nước tiểu ra ngoài, dẫn đến cảm giác đau và khó chịu. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như không thể đi tiểu hoặc nước tiểu rò rỉ nhưng không thể tiểu tiện một cách bình thường.
  • Sỏi bàng quang: Nếu người bệnh gặp tình trạng đau bụng dưới rốn cùng với các triệu chứng như đi tiểu ra máu, đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc dòng nước tiểu không đều, có thể bệnh nhân đang bị sỏi bàng quang.
  • Ung thư bàng quang: Sự phát triển bất thường của các tế bào trong bàng quang có thể dẫn đến ung thư. Các triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, nước tiểu có màu hồng, cam hoặc đỏ sẫm, đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, không thể đi tiểu và đôi khi là sưng bàn chân, đau nhức.

3. Đau bụng dưới rốn do các bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ

Một số bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ có thể gây đau bụng dưới rốn như:

  • U nang buồng trứng: Ngoài đau bụng dưới rốn, nếu xuất hiện thêm các triệu chứng như đau quanh vùng có u nang, cảm giác đầy bụng hoặc sưng, chóng mặt và mệt mỏi, người bệnh nên để phòng nguy cơ mắc u nang buồng trứng  
  • U xơ tử cung: Đây là khối u lành tính phát triển trong tử cung. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng dưới, chảy máu kinh nhiều bất thường hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt, bụng to và đau, đau khi quan hệ tình dục. Nếu có các dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, gây ra mô sẹo và tổn thương. Các triệu chứng có thể gồm chảy máu kinh nhiều, đau bụng dữ dội, đau nửa đầu, rối loạn nhu động ruột hoặc tiêu chảy và buồn nôn.
  • Viêm vùng chậu (PID): Cơn đau bụng dưới có thể xuất phát từ viêm nhiễm trong vùng chậu. Triệu chứng bao gồm tiết dịch bất thường, sốt, ớn lạnh, đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
  • Mang thai ngoài tử cung: Các dấu hiệu bao gồm đau dữ dội ở vùng chậu, cảm giác cứng một bên thành bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt.
  • Viêm vòi trứng: Triệu chứng bao gồm đau âm ỉ vùng bụng dưới, đau lưng, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, và chu kỳ kinh nguyệt không đều, các triệu chứng tăng sau khi có kinh.
  • Sa sinh dục: Các triệu chứng thường gặp là cảm giác tăng áp lực vùng âm đạo, đầy bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, đau khi quan hệ tình dục. Hai bộ phận dễ bị sa nhất là tử cung và bàng quang.
  • Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Tình trạng giãn tĩnh mạch thường gặp ở chân (bao gồm bắp đùi, khuỷu chân, vùng quanh gót, nhượng chân) nhưng cũng có thể phát triển ở vùng chậu. Các tĩnh mạch vùng chậu bị tắc nghẽn sẽ gây sưng và đau (sưng huyết vùng chậu), cơn đau tăng khi di chuyển. 
Đau bụng có kèm theo đầy hơi, mệt mỏi có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng
Đau bụng có kèm theo đầy hơi, mệt mỏi có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng

4. Do các bệnh lý phụ khoa ở nam giới

Các bệnh lý phụ khoa ở nam giới cũng có thể gây tình trạng đau bụng dưới rốn:

  • Xoắn tinh hoàn: Tình trạng này xảy ra khi thừng tinh bị xoắn quanh tinh hoàn, làm gián đoạn lưu lượng máu đến tinh hoàn, gây đau đột ngột và dữ dội ở bụng dưới. Các triệu chứng đi kèm bao gồm sưng to và nhạy cảm ở tinh hoàn, có thể gây bầm tím.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Tình trạng sưng hoặc viêm của tuyến tiền liệt có thể gây đau bụng dưới, đau lưng, đau xung quanh gốc dương vật, khó khăn khi tiểu tiện, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau nhức, trong một số trường hợp, tinh dịch có lẫn máu.

​​​5. Xử trí khi gặp tình trạng đau bụng dưới rốn

Nếu người bệnh đang gặp phải các cơn đau bụng dưới rốn, việc đầu tiên cần làm là xác định chính xác nguyên nhân. Khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để thực hiện các xét nghiệm cần thiết như siêu âm và các kiểm tra khác. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Đối với những cơn đau không nghiêm trọng và bắt nguồn từ các nguyên nhân sinh lý, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện:

  • Uống một cốc nước ấm pha thêm vài lát gừng tươi. Gừng có tác dụng giảm đau và làm dịu bụng.
  • Sử dụng túi chườm nóng hoặc thay thế bằng khăn hoặc chai nước nóng đặt lên vùng bụng dưới để giảm đau.
  • Massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới trong khi tắm nước ấm, giúp thư giãn cơ và giảm đau.
  • Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý.
  • Thiền hoặc tập các bài tập thư giãn để giảm stress, một yếu tố có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau thắt bụng. 
Khi người bệnh đang gặp phải các cơn đau bụng dưới rốn, việc đầu tiên cần làm là đi khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Khi người bệnh đang gặp phải các cơn đau bụng dưới rốn, việc đầu tiên cần làm là đi khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Đau bụng dưới rốn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định chính xác nguyên nhân. Vì vậy, việc tốt nhất người bệnh nên làm khi gặp phải các triệu chứng này là đến gặp bác sĩ để được khám kỹ lưỡng. Trong trường hợp đau bụng dưới rốn liên quan đến các bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để xử lý tình trạng bệnh của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe