Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Người bệnh rối loạn thần kinh bàng quang nếu không được điều trị hoặc điều trị không chính xác nguyên nhân sẽ dễ dẫn đến suy thận. Bị rối loạn thần kinh bàng quang nặng có thể phải chạy thận.
1. Rối loạn thần kinh bàng quang
Rối loạn thần kinh bàng quang là một bệnh lý làm suy giảm hoặc gây mất chức năng hoạt động của bàng quang, do tổn thương ở hệ thống thần kinh. Bệnh nhân bị bàng quang thần kinh sẽ có bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và giãn ra nhịp nhàng để giữ và tống xuất nước tiểu. Hoặc ngược lại là bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên co lại, không phối hợp với các cơ các cơ làm nhiệm vụ co thắt bàng quang.
2. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn thần kinh bàng quang
2.1. Đối với trẻ nhỏ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn thần kinh bàng quang ở trẻ, bao gồm:
- Dị tật thoát vị tủy hoặc màng tủy.
- Dị tật nứt đốt sống, bất thường cột sống, bất sản xương.
- Có khối u bên trong xương chậu hoặc tủy sống.
- Bị chấn thương tâm lý.
- Bị tổn thương phần tủy sống.
2.2. Đối với người lớn
Người lớn bị rối loạn thần kinh bàng quang, ngoài các nguyên nhân kể trên còn là do:
- Mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh.
- Bị chấn thương do tai nạn.
- Sau phẫu thuật cột sống.
- Bị đột quỵ, bệnh Parkinson.
- Bị ngộ độc kim loại nặng.
- Bị các bệnh giang mai, tiểu đường, bại liệt và gây ra biến chứng.
3. Hậu quả, dấu hiệu của rối loạn thần kinh bàng quang
Rối loạn thần kinh bàng quang gây ra những dấu hiệu sau:
- Tiểu không tự chủ, rỉ tiểu.
- Khó tiểu, bí tiểu, tiểu nhỏ giọt.
Nếu không được điều trị, lâu ngày bệnh sẽ dẫn đến hậu quả:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Viêm bể thận, viêm thận.
- Sỏi tiết niệu.
- Suy thận.
Bình thường cơ bàng quang giãn nở ra để lưu trữ nước tiểu ở bàng quang, khi bị bàng quang thần kinh sẽ không có khả năng phối hợp với sự thả lỏng của cơ thắt niệu đạo dẫn đến tăng áp lực bàng quang. Tăng áp lực bàng quang đồng nghĩa với tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiểu và viêm đài bể thận, tổn thương thận. Người bệnh có khả năng mắc sỏi tiết niệu do nước tiểu bị nhiễm khuẩn và ứ đọng.
Khi nước tiểu từ bàng quang chảy đến thận được gọi là hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản. Đây là cách bàng quang giải phóng áp lực. Hiện tượng này sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thận nặng do nước tiểu bị nhiễm khuẩn từ bàng quang tiếp xúc với thận.
4. Chẩn đoán rối loạn thần kinh bàng quang
Để chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh bàng quang, bác sĩ thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm chức năng bàng quang: để đánh giá khả năng tích trữ, cũng như khả năng phối hợp giữa cơ bàng quang và cơ vòng niệu đạo.
Xét nghiệm hình ảnh bao gồm: Chụp X-quang đường tiết niệu, chụp MRI và CT-scan để đánh giá tình trạng hoạt động của não.
5. Điều trị rối loạn thần kinh bàng quang
Hiện nay, để điều trị rối loạn thần kinh bàng quang có rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo các yếu tố trong điều trị như sau:
- Đảm bảo chức năng hoạt động của thận;
- Đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh;
- Đảm bảo khả năng sinh hoạt độc lập.
Các phương pháp điều trị hướng đến mục tiêu là hạn chế và ngăn chặn sự tổn thương của thận và làm giảm những biến chứng của bệnh, bao gồm:
- Tâm lý liệu pháp: Giúp làm giảm thiểu tình trạng bàng quang hoạt động quá mức
- Kích thích điện: Các dây thần kinh được đặt gần điện cực và bị kích thích.
- Thuốc điều trị: Có tác dụng làm giảm sự co thắt của các cơ bàng quang.
- Phẫu thuật: đặt ống thông để đảm bảo sự thoát nước của bàng quang.
Tùy vào triệu chứng của bệnh cũng như mức độ tổn thương do rối loạn thần kinh bàng quang gây ra, người bệnh có thể được chỉ định kết hợp các phương pháp điều trị.
Rối loạn thần kinh bàng quang nếu không được điều trị, kéo dài các triệu chứng có thể gây hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất là suy thận.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.