Hạt diêm mạch (Quinoa) và bệnh tiểu đường

Hạt diêm mạch (hạt Quinoa) hiện nay ngày càng được biết đến nhiều hơn vì những giá trị dinh dưỡng vượt trội. So với nhiều loại ngũ cốc khác, hạt Quinoa có nhiều protein, chất chống oxy hóa, chất xơ và đặc biệt là không chứa gluten. Hiện nhiều bằng chứng cũng cho thấy, ăn nhiều hạt Quinoa giúp người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa các bệnh lý khác. Bạn có thể ăn Quinoa đơn lẻ hoặc thay thế bột Quinoa trong các công thức nấu ăn yêu cầu các loại ngũ cốc khác.

1. Điều gì khiến hạt Quinoa đặc biệt?

Mặc dù hạt Quinoa vẫn chưa xuất hiện nhiều ở các siêu thị, nhưng đây đã là loại thực phẩm có mặt phổ biến trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Nam Mỹ. Hạt Quinoa có nguồn gốc từ thời Inca với biệt danh “mẹ của tất cả các loại ngũ cốc”. Tuy nhiên trên thực tế Quinoa lại là một loại hạt với 120 giống khác nhau. Phổ biến nhất là Quinoa trắng, đỏ và đen.

Chỉ trong 3 thập kỷ gần đây các nhà nghiên cứu mới bắt đầu khám phá ra lợi ích sức khỏe của nó. Do có hàm lượng chất xơ và protein cao, hạt Quinoa giúp no lâu hơn, có khả năng giảm nguy cơ tăng huyết áp và cholesterol.

XEM THÊM: Thành phần dinh dưỡng của hạt Quinoa

Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?

Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.

2. Liệu hạt Quinoa có tốt cho người bị tiểu đường?

Một trong những cách sống chung với bệnh tiểu đường là quản lý chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát lượng đường trong máu. Những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao có khả năng sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Như vậy, kế hoạch ăn uống lành mạnh cho người mắc bệnh tiểu đường thường tập trung vào việc lựa chọn thực phẩm có chỉ số GI từ trung bình đến thấp (GI từ 55 trở xuống).

Hạt Quinoa có chỉ số GI chỉ khoảng 53, có nghĩa sẽ không gây tăng đột ngột lượng đường trong máu và hoàn toàn an toàn với người mắc bệnh tiểu đường. Điều này có thể do bột Quinoa có chứa nhiều chất xơ và protein, cả hai đều làm chậm quá trình tiêu hóa.

XEM THÊM: Chỉ số đường huyết bao nhiêu được gọi là tiểu đường?


Người bệnh tiểu đường có nên thêm hạt quinoa vào trong chế độ ăn?
Người bệnh tiểu đường có nên thêm hạt quinoa vào trong chế độ ăn?

3. Cách kết hợp hạt Quinoa vào chế độ ăn

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên bạn nên chọn những loại ngũ cốc lành mạnh và có giá trị dinh dưỡng cao nhất cho khẩu phần ăn, ví dụ như hạt Quinoa. Tùy vào chế độ ăn mà bạn có thể khéo léo kết hợp hạt Quinoa vào khẩu phần ăn như 1/3 cốc Quinoa nấu chín được tính tương đương với 15 gam carbohydrate (một khẩu phần ăn).

Cũng như nhiều loại ngũ cốc khác, hạt hoặc bột Quinoa có thể được mua trong các hộp đóng gói hoặc túi hút chân không. Bên ngoài hạt Quinoa thường có phủ một lớp màng đắng để ngăn chặn sâu bệnh. Khi chế biến tại nhà, bạn hãy xả nhanh hoặc ngâm hạt với nước lạnh để có thể loại bỏ lớp màng này.

Một số người lựa chọn nấu cơm bằng hạt Quinoa. Cách nấu khá đơn giản, chỉ cần đổ thêm nước, đun sôi và khuấy. Đợi từ 10-15 phút cho đến khi nó bông lên, vòng trắng nhỏ tách khỏi hạt tức là đã hoàn thành. Bạn cũng có thể nấu bằng nồi cơm điện để nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Hạt Quinoa có hương vị hơi béo, vị này có thể gia tăng thêm nếu bạn rang khô trước khi nấu. Sau khi đã nấu chín bạn có thể kết hợp với trái cây, các loại rau, hạt, gia vị để thêm phần ngon miệng. Hạt Quinoa có thể chế biến thành rất nhiều món ăn lành mạnh, từ món phụ đến món chính như mì ống, bánh mì, snack ăn nhẹ..v...v..

Như vậy, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt Quinoa đang ngày càng trở nên phổ biến trong chế độ ăn uống hiện đại. Với hàm lượng protein và chất xơ cao, chỉ số đường huyết thấp giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol, hạt Quinoa hiện trở thành sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bị bệnh tiểu đường. Hiện nay có rất nhiều công thức nấu ăn sử dụng hạt Quinoa, vì vậy hãy thử áp dụng bất cứ khi nào bạn muốn.

Với những thông tin về hạt Quinoa cho người bệnh tiểu đường, mong rằng sẽ giúp bạn có thể cân nhắc và lựa chọn được cho mình những thực phẩm tốt và phù hợp cho tình trạng sức khỏe hiện tại.

XEM THÊM: Người bệnh tiểu đường nên ăn gì thay cơm?

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe