Hàm lượng chì cho phép trong mỹ phẩm theo khuyến cáo của FDA (Mỹ)

Sự hiện diện của chì trong mỹ phẩm là một điều đáng quan tâm khi mỹ phẩm được sử dụng thường ngày như một phần cần thiết trong cuộc sống. Chì là một nguyên tố xuất hiện tự nhiên trong trái đất. Lượng chì có thể xuất hiện trong thực phẩm và nước uống. FDA đang đưa ra nhiều nỗ lực để hạn chế hàm lượng chì trong mỹ phẩm; từ đó FDA đã đưa ra quy định về hàm lượng chì cho phép trong mỹ phẩm cũng như trong tất cả các sản phẩm do FDA quản lý nói chung.

1. Phơi nhiễm với chì có thể xảy ra như thế nào?

Vì khả năng tiếp xúc với chì có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong công việc, cuộc sống của mỗi người, điều quan trọng là phải hiểu cách thức phơi nhiễm chì có thể xảy ra. Bằng cách này, mỗi người có thể thực hiện các bước để giảm khả năng phơi nhiễm với chì.

Mỗi người đều có thể bị phơi nhiễm khi hít phải khói chì hoặc bụi chì. Khói chì được tạo ra trong quá trình xử lý kim loại, khi kim loại đang được nung nóng hoặc hàn ghép. Bụi chì được tạo ra khi kim loại đang được cắt hoặc khi sơn chì được chà nhám hoặc loại bỏ bằng súng nhiệt. Khói chì và bụi chì không có mùi nên con người hoàn toàn không có thể biết mình đang bị phơi nhiễm.

Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể bị phơi nhiễm khi ăn phải bụi chì. Bụi chì có thể đọng lại trên thức ăn, nước uống, quần áo và các đồ vật khác. Nếu ăn, uống hoặc hút thuốc ở những khu vực đang xử lý hoặc cất giữ chì thì có thể ăn phải bụi chì. Không có thói quen rửa tay trước khi ăn hoặc chạm vào miệng cũng là những cách mà một người có thể ăn phải chì. Mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, nếu chì ăn vào có thể để lại vị kim loại trong miệng.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra chì cũng có thể được hấp thụ qua da. Nếu cầm chì rồi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, phơi nhiễm chì đã có thể xảy ra. Bụi chì cũng có thể dính vào quần áo và tóc. Môi trường trong nhà cũng có thể có một ít bụi chì. Lượng bụi chì này cũng có thể khiến cả gia đình bị phơi nhiễm.

2. Khảo sát ban đầu của FDA về chì trong son môi

Vào tháng 10 năm 2007, Chiến dịch cho Mỹ phẩm An toàn (CSC) đã báo cáo kết quả phân tích chì trong các nhãn hiệu son môi. Ngay sau khi công bố báo cáo của CSC, Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng (CFSAN) của FDA đã bắt đầu thu thập các mẫu thương mại của các nhãn hiệu son môi được báo cáo có sẵn trên thị trường Hoa Kỳ để đánh giá độc lập khả năng nhiễm chì của các sản phẩm son môi trên thị trường.

Các nhà khoa học của FDA đã xây dựng một phương pháp hòa tan tổng thể để xác định hàm lượng chì trong son môi bằng cách phân hủy axit flohydric / axit nitric có hỗ trợ vi sóng và phép đo khối phổ huyết tương kết hợp cảm ứng (ICP-MS). Từ đó, các nhà khoa học của FDA đã phát hiện hàm lượng chì trong tất cả các mẫu son môi được phân tích. Kết quả hàm lượng chì trong mỹ phẩm dao động từ 0,09 ppm đến 3,06 ppm. Giới hạn phát hiện được ước tính là 0,04 ppm. Nồng độ trung bình được tìm thấy trong son môi là 1,07 ppm.


Nồng độ chì trung bình trong son môi là 1,07ppm
Nồng độ chì trung bình trong son môi là 1,07ppm

3. Khảo sát của FDA về hàm lượng chì trong mỹ phẩm ngoài da

Các nhà khoa học của FDA đã thực hiện thêm nhiều cuộc khảo sát khác về các loại sản phẩm mỹ phẩm khác, như phấn mắt, phấn má hồng, kem dưỡng da mặt và cơ thể, mascara, kem nền, phấn phủ, kem cạo râu và phấn dặm mặt. Các sản phẩm được chọn theo thị phần, tập trung vào các sản phẩm được cho là có khả năng chứa lượng chì cao do có chất làm đầy dạng rắn cao (chẳng hạn như đất sét hoặc bột talc) và hàm lượng sắc tố (như phấn mắt và má hồng).

Kết quả hàm lượng chì trong mỹ phẩm bôi ngoài da thu được bằng phương pháp hòa tan toàn bộ và nằm trong khoảng từ giới hạn phát hiện 0,0084 ppm đến giá trị cao nhất của chì 14 ppm cho phấn mắt và phấn má hồng, trung bình là 4,2 ppm đối với phấn mắt, 3,9 ppm đối với phấn má hồng, 0,010 ppm đối với kem dưỡng da giá trung bình và giá rẻ, 0,019 ppm đối với kem dưỡng da giá cao, 0,13 ppm đối với mascara, 0,64 ppm cho kem nền, 0,48 ppm cho bột dưỡng thể, 4,6 ppm cho bột nén, không tìm thấy chì trong kem cạo râu và 1,0 ppm cho phấn dặm mặt. Các kết quả tương đối cao và là con số cảnh báo cho thực trạng phơi nhiễm chì từ sử dụng mỹ phẩm.

4. Hàm lượng chì trong mỹ phẩm tối đa cho phép của FDA là bao nhiêu?

Từ kết quả của các cuộc khảo sát, các nhà khoa học của FDA đã nhấn mạnh các loại mỹ phẩm được cho là có khả năng chứa lượng chì cao là khi có hàm lượng chất làm đầy và sắc tố cao (ví dụ như phấn mắt, phấn má hồng và phấn nén). Ngược lại, kem dưỡng da và kem cạo râu có chứa hàm lượng chì rất thấp, như những mong đợi từ công thức của chúng.

Dựa trên những kết quả này, các nhà khoa học FDA đã khuyến nghị mức tối đa của hàm lượng chì trong mỹ phẩm là 10 ppm như một tạp chất trong các sản phẩm mỹ phẩm dành cho môi (chẳng hạn như son môi, son bóng và kem lót môi) và mỹ phẩm thoa bên ngoài da (chẳng hạn như phấn mắt, phấn má hồng, dầu gội và kem dưỡng thể) được bán trên thị trường tại Hoa Kỳ.

Hàm lượng chì cho phép trong mỹ phẩm theo khuyến cáo của FDA (Mỹ)

Hàm lượng chì trong mỹ phẩm thấp được tìm thấy trong các sản phẩm được khảo sát cho thấy rằng các nhà sản xuất của những sản phẩm đó có khả năng đã tìm nguồn nguyên liệu phù hợp và đã áp dụng các quy trình sản xuất tốt trong quá trình sản xuất sản phẩm của họ. Ngoài ra, dựa trên những ước tính mức độ phơi nhiễm, FDA chấp nhận hàm lượng chì trong mỹ phẩm không vượt mức tối đa 10 ppm như một tạp chất là sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tóm lại, FDA khuyến nghị mức tối đa là 10 ppm đối với chì là tạp chất trong các sản phẩm mỹ phẩm dành cho môi cũng như các loại mỹ phẩm thoa bên ngoài nói chung. Đồng thời, các cuộc khảo sát đã thực hiện đã chỉ ra rằng những nhà sản xuất mỹ phẩm có khả năng giới hạn hàm lượng chì trong mỹ phẩm tối đa ở mức 10 ppm hoặc thấp hơn bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình sản xuất. Khi được như vậy, nhu cầu làm đẹp của mọi người sẽ được đáp ứng một cách an toàn hơn, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm chì và các độc tính về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov, fda.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe