Son môi được tạo nên chủ yếu từ 3 thành phần chính là sáp, dầu và chất tạo màu. Tùy vào hàm lượng và nguồn gốc các thành phần mà các thỏi son được tạo ra có màu sắc, độ mịn, độ an toàn khác nhau.
1. Thành phần son môi có những gì?
Thành phần son môi chủ yếu được cấu thành từ sáp, dầu và chất tạo màu. Cụ thể như sau:
- Chất tạo màu: Chất tạo màu giúp tạo màu sắc cho son môi và được chia làm 2 loại là chất tạo màu vô cơ và chất tạo màu hữu cơ. Màu vô cơ thường được sử dụng như sắt oxid, TiO2, ZnO, bột ngọc trai có tính chất là không tan, do đó cần có kỹ thuật bào chế phù hợp để phân tán đều màu. Màu hữu cơ như beetroot red, Anthocyanins, Lactoflavin tan được, dễ phân tán đều nhưng lại gây lem màu. Do đó, chúng thường được kết hợp với nhau để tạo ra những thỏi son không bị lem mà lại đều màu.
- Sáp: Sáp là thành phần tạo nên hình dạng son, đồng thời tạo độ bóng, trơn và độ bám của son. Một số loại sáp tự nhiên thường được sử dụng để làm son môi gồm sáp ong, sáp Carnauba, sáp Candelila và sáp mỡ cừu, các loại hydrocarbon như parafin, ozokerit.
- Dầu: Dầu có tác dụng giữ ẩm, tạo độ mềm mượt cho môi và hòa tan các loại chất tạo màu hoặc các chất hòa tan khác trong son. Loại dầu được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất son môi là dầu thầu dầu. Ngoài ra, còn có dầu hạt nho, dầu hạnh, dầu cọ, dầu ô liu, bơ cacao, jojoba, lonolin, IPM, IPP, dầu khoáng, triglyceride, dimethicon, cyclomethicon, dầu thực vật.
Bên cạnh 3 thành phần chính, một số loại son còn có thêm các thành phần sau:
- Chất bảo quản và chất chống oxy hóa: Những chất này giúp duy trì tuổi thọ của thỏi son vì các thành phần sẽ bị oxy hóa theo thời gian. Trung bình, một thỏi son chỉ có thể sử dụng 1 năm, khi được thêm chất bảo quản và chống oxy hóa, nó có thể được sử dụng lâu hơn.
- Chất tạo mùi thơm: Các loại mùi hương nhân tạo thường được sử dụng lấp đi mùi hương của thành phần hóa học trong dầu, sáp và chất tạo màu có trong son môi. Đối với người thường bị khô môi, nứt nẻ thì nên hạn chế sử dụng son có mùi thơm vì có thể gây kích ứng da.
2. Mẹo tô son đẹp hơn
Các chuyên gia trang điểm khuyên bạn nên bôi kem che khuyết điểm mắt lên môi trước khi đánh son. Chất kem của kem che khuyết điểm sẽ hòa hợp với làn da của bạn và độ đặc vẫn giữ nguyên để sắc tố môi không bị lộ ra ngoài trước khi đánh son.
3. Tẩy sạch vết son trên quần áo bằng cách nào?
Để tẩy sạch vết son môi trên quần áo mà không cần đến tiệm giặt khô, hãy bắt đầu bằng cách quét bột ngô hoặc baking soda lên vết bẩn. Đặt một miếng vải hoặc khăn tắm lên bàn ủi và đặt quần áo bị ố lên trên với mặt bị dính màu quay về phía miếng vải. Tiến hành ủi đồ để xóa sạch vết son trên đồ áo. Nếu vẫn còn vết son, hãy thử rửa nhẹ bằng nước rửa bát.
4. Hàm lượng chì trong son môi
Hầu hết trong son môi đều chứa một hàm lượng chì rất nhỏ, không quá 20mg. Điều này thường do trong quá trình sản xuất không loại bỏ được một số tạp chất với hàm lượng nhỏ, trong đó có chì.
Son môi được tạo nên chủ yếu từ 3 thành phần chính là sáp, dầu và chất tạo màu. Tùy vào hàm lượng và nguồn gốc các thành phần nên các thỏi son chúng ta sử dụng sẽ có màu sắc, độ mịn khác nhau. Theo đó, để làm đẹp nhưng vẫn an toàn thì bạn cần tìm hiểu về thành phần son môi, nguồn gốc xuất xứ,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com