Nước cam là một trong những thực phẩm giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, điển hình là vitamin C. Tuy nhiên, uống nước cam khi đói có thể ảnh hưởng xấu tới dạ dày. Do đó bạn cần tìm thời điểm thích hợp khác trong ngày để thưởng thức nhằm đạt được lợi ích sức khỏe tốt nhất mà không gây hại cho dạ dày.
1. Nước cam bổ dưỡng như thế nào?
Nước cam được xem là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể và giúp mang lại một loạt các lợi ích sức khỏe nổi bật. Trong 240ml nước cam bao gồm các chất dinh dưỡng như carbs (26%), protein (2 gram), calo (110 calories), vitamin C (cung cấp 67% lượng khuyến nghị hàng ngày), cùng nhiều vi chất như magie, kali và folate.
Một nghiên cứu tại Đại học Otago (New Zealand) cho biết, hàm lượng vitamin C cao trong nước cam giúp cơ thể ngăn chặn tình trạng oxy hoá sớm, đồng thời giúp chữa lành vết thương nhanh chóng và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Trong Y học cổ truyền, cam có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu và thúc đẩy quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể tốt hơn. Do đó, việc uống nước cam điều độ có thể giúp bạn nâng cao nhiều khía cạnh sức khỏe, ngăn chặn sự tác động có hại của các gốc tự do đến những tế bào bình thường trong cơ thể, nhờ đó các bệnh lý như cúm mùa, cảm lạnh,... cũng được đẩy lùi đáng kể.
2. Nên uống nước cam trước hay sau ăn?
Nhiều người cho rằng nước cam rất tốt, có thể uống lúc nào cũng được. Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm bởi nước cam có chứa hàm lượng vitamin C cũng như tính acid cao, nếu uống vào những thời điểm không phù hợp trong ngày có thể gây ra nhiều tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể.
Cụ thể, uống nước cam khi đói gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày. Lượng vitamin C trong nước cam có thể tương tác với acid trong dạ dày, dễ gây ra viêm loét nếu tiêu thụ với một lượng lớn. Mặt khác, khi uống nước cam lúc đói cũng khiến những người đang mắc bệnh dạ dày dễ bị tăng nồng độ acid, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng và làm cho tình trạng viêm loét trở nên trầm trọng thêm.
Ngược lại, nếu uống nước cam khi vừa ăn no, điều này có thể gây quá tải cho dạ dày vì cơ quan này đang phải hoạt động hết công suất nhằm giúp tiêu hoá lượng thức ăn vừa tiêu thụ. Khi bạn uống một ly nước cam sau khi ăn có thể làm tăng thêm áp lực cho dạ dày, dẫn đến triệu chứng chướng bụng, tức bụng và khó chịu ở bụng.
3. Lưu ý một số thời điểm khác cần tránh uống nước cam
Ngoài việc tránh uống nước cam khi đói hoặc sau khi ăn no, bạn cũng cần lưu ý tuyệt đối không thưởng thức đồ uống này vào những thời điểm khác sau đây:
3.1. Uống nước cam trước khi đánh răng
Theo khuyến cáo của chuyên gia, bạn cần tránh uống nước cam ngay trước khi chuẩn bị đánh răng. Điều này là do lượng acid lớn trong nước cam có thể bám lên men răng, nếu bạn đánh răng ngay lúc này sẽ gây tổn thương cho lớp men răng. Thay vào đó, bạn nên sử dụng nước súc miệng sau khi uống nước cam để loại bỏ các mảng bám cũng như bảo vệ men răng khỏi bị hư tổn.
3.2. Uống nước cam cùng lúc với thuốc kháng sinh
Bên cạnh việc từ bỏ thói quen uống nước cam lúc đói, bạn cũng cần tránh sử dụng đồ uống này cùng với thuốc kháng sinh. Trong nước cam có chứa nhiều acid, có khả năng làm hỏng cấu trúc hoá học và làm giảm công dụng chữa bệnh của thuốc kháng sinh. Mặt khác, nước cam còn có chứa một chất tương tự như narigin, làm cản trở và gây khó khăn cho quá trình hoạt hoá các loại men vận chuyển thuốc. Tốt nhất, bạn chỉ nên uống nước cam ở thời điểm sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh để tăng cường hệ miễn dịch và bồi bổ cơ thể mau khoẻ.
3.3. Uống nước cam cùng với đồ hải sản
Đa phần các loại hải sản đều chứa một lượng đáng kể asen pentavenlent độc hại. Bình thường, những chất này trong hải sản không gây hại cho cơ thể, tuy nhiên nếu bạn tiêu thụ chúng kèm với lượng lớn thực phẩm chứa nhiều vitamin C như nước cam thì có thể tác động xấu đến sức khoẻ.
Asen pentavenlent khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành dạng asen trioxide (thạch tín). Chất này ở nồng độ cao có thể gây hiện tượng ngộ độc cấp tính, thậm chí đe doạ đến tính mạng nếu không được xử trí kịp lúc.
3.4. Uống nước cam trước khi đi ngủ
Ngoài lưu ý tránh uống nước cam khi đói, các chuyên gia cùng khuyến cáo mọi người không nên tiêu thụ thức uống này vào buổi tối muộn bởi nó có tính lợi tiểu, dễ làm tăng tần suất tiểu tiện vào ban đêm và gây mất ngủ. Bên cạnh đó, trong nước cam cũng cung cấp một lượng đường đáng kể nhưng lượng chất xơ tương đối hạn chế, do đó nếu dùng vào buổi tối có thể làm tăng chỉ số đường huyết và khiến bạn dễ gặp ác mộng vào ban đêm.
3.5. Uống nước cam ngay trước / sau khi uống sữa
Một lưu ý khác khi uống nước cam bồi bổ sức khỏe là tuyệt đối không uống ngay trước hoặc sau khi vừa mới uống sữa. Lượng protein trong sữa thể xảy ra phản ứng khi tương tác với lượng acid tartaric và vitamin C trong nước cam, từ đó dẫn đến các triệu chứng như chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc đau bụng.
4. Hướng dẫn uống nước cam chuẩn và tốt cho sức khỏe
Vậy nếu không nên uống nước cam khi đói và vào các thời điểm trên thì bạn nên bổ sung thức uống này vào lúc nào là tốt nhất? Theo chuyên gia đầu ngành, thời điểm lý tưởng nhất để uống nước cam là từ 1 - 2 tiếng đồng hồ sau khi ăn sáng hoặc ăn trưa. Bạn cùng cần uống ngay nước cam sau khi vắt, bởi để lâu trong không khí sẽ dễ làm mất hết giá trị dinh dưỡng, nhất là lượng vitamin C.
Bên cạnh đó, bạn cũng chỉ nên tiêu thụ khoảng 1 cốc nước cam mỗi ngày, tương đương với gần 200ml. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 200ml nước cam tươi cung cấp tới 60mg vitamin, giúp bổ sưng 100% lượng vitamin cần thiết đối với cơ thể người lớn trong một ngày. Đây cũng là lý do vì sao bạn không nên uống quá nhiều nước cam dễ dẫn đến hiện tượng dư thừa vitamin C.
Riêng đối với phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén cần tăng lượng bổ sung vitamin C trong nước cam lên đến 80mg / ngày. Tuy nhiên, mẹ bầu nên chia khẩu phần thay vì uống một lúc quá nhiều. Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất chỉ nên cho bé uống khoảng 1⁄2 trái cam / ngày là cung cấp đủ lượng vitamin C cần thiết.
Nếu bạn đang bị sốt do cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường, việc bổ sung nước cam cũng rất cần thiết, giúp tăng cường sức đề kháng và điều hoà các chức năng trong cơ thể nhằm chống lại tác nhân kích hoạt cơn sốt. Ngoài ra, uống nước cam khi sốt cũng giúp cơ thể đào thải các độc tố tốt hơn, từ đó hỗ trợ hạ nhiệt nhanh chóng, cắt cơn sốt, bù chất lỏng và các chất điện giải cho cơ thể.
5. Những ai nên tránh uống nước cam?
Mặc dù nước cam rất tốt đối với nhiều chức năng và cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng loại nước uống này. Dưới đây là danh sách những đối tượng cần tránh uống nước cam thường xuyên, bao gồm:
- Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng hoặc viêm tuyến tụy: Khi uống nhiều nước cam có thể làm tăng nồng độ acid trong dạ dày, làm kích hoạt triệu chứng ợ nóng và gây viêm loét nặng hơn.
- Người mắc bệnh thận: Hạn chế uống nước cam bởi lượng vitamin C có thể làm tăng acid oxalic chuyển hoá trong cơ thể, dễ dẫn đến sự phát triển và hình thành của sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu.
- Người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh: Tránh uống nước cam cùng với thuốc điều trị bệnh, vì các hoạt chất trong thức uống này có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của thuốc và làm giảm tác dụng chữa bệnh.
- Người vừa mới trải qua phẫu thuật: Bởi nước cam có hàm lượng acid citric khá cao, do đó đây không phải là lựa chọn phù hợp dành cho những bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật ruột hoặc dạ dày chưa hồi phục. Nếu tiêu thụ một lượng lớn acid citric trong nước cam có thể dẫn đến hiện tượng xuất huyết tại vị trí phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.