Hạ natri máu là một trong những rối loạn chuyển hóa thường gặp trong hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân có thể bị hạ natri máu đơn thuần hoặc đi kèm với một bệnh cảnh khác.
1. Hạ natri máu
Hạ natri máu là một trong những tình trạng rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trên lâm sàng đặc biệt là ở các trường hợp bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt hay các bệnh nhân bị đột quỵ.
Trong cơ thể, natri là một chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh và cân bằng điện giải, quyết định thể tích môi trường dịch ngoại bào, duy trì huyết áp bình thường ổn định, đồng thời cũng tham gia hỗ trợ hoạt động của các dây thần kinh và hệ cơ.
Natri là một trong những chất hòa tan quyết định về độ thẩm thấu huyết thanh. Khi nồng độ natri trong máu bị giảm sẽ dẫn tới việc giảm áp lực thẩm thấu bên ngoài tế bào khiến các phân tử nước di chuyển từ bên ngoài vào bên trong tế bào tạo nên tình trạng dư thừa thể tích nước bên trong tế bào mà gây nên phù.
Chỉ số natri máu bình thường trong cơ thể là 140 mmol/l (135 - 145 mmol/l, 135 - 145 mEq/l) với áp lực thẩm thấu máu là 290 mosm/1kg H2O.
Hạ natri máu được xác định khi nồng độ natri trong huyết thanh giảm xuống dưới mức 136 mmol/l.
Hạ natri máu có thể xảy ra trong các tình huống khác nhau với những nguyên nhân khác nhau như:
- Đối với các bệnh nhân bị hạ natri máu mà áp lực thẩm thấu huyết tương tăng trên 290 mosmol/l: thường gặp ở những người bị tăng đường huyết hay những người có chỉ định truyền dung dịch ưu trương mà thường gặp là truyền manitol.
- Đối với những bệnh nhân có kèm theo áp lực thẩm thấu huyết tương trong khoảng 280 - 290 mosmol/l: đây là các trường hợp giả hạ natri máu.
- Đối với những bệnh nhân có hạ natri máu cùng với giảm áp lực thẩm thấu huyết tương xuống dưới 280 mosmol/l mà:
- Thể tích dịch ngoại bào bình thường: là tình trạng hạ natri máu do pha loãng, hay gặp trong hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu ADH làm cho lượng vasopressin được sản xuất ra quá nhiều khiến cơ thể tăng tình trạng giữ nước. Ngoài ra có thể gặp trong hội chứng cận ung thư, suy hô hấp, tai biến mạch máu não, suy giáp, suy vỏ thượng thận hay do uống quá nhiều bia rượu...
- Thể tích dịch ngoại bào tăng: là tình trạng hạ natri máu có kèm theo ứ muối ứ nước toàn thể, hay gặp trong các bệnh lý như suy tim xung huyết, xơ gan cổ trướng hay hội chứng thận hư.
- Thể tích dịch ngoại bào giảm: có thể do mất natri qua thận hoặc mất natri ngoài thận (liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa). Một số bệnh thường gặp trong trường hợp này như suy thận, sau xử trí tắc nghẽn đường niệu, bệnh thận kẽ, hội chứng mất muối do não, do dùng thuốc lợi niệu hay bị tiêu chảy, nôn, chấn thương...
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng như thuốc lợi niệu, thuốc chống trầm cảm hay các thuốc giảm đau.
- Uống quá nhiều nước cũng là một nguyên nhân gây hạ natri máu do làm tăng lượng nước tiểu bài tiết qua thận, mặt khác làm pha loãng hàm lượng natri trong máu.
- Do sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể mà thường gặp là ở những bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận làm giảm khả năng sản xuất các hormon có chức năng duy trì sự cân bằng giữa natri, kali và thể tích nước trong cơ thể.
- Một số trường hợp sử dụng thuốc lắc có thể gây hạ natri máu thậm chí dẫn đến tử vong.
Trên thực tế lâm sàng, không phải lúc nào cũng có thể xác định được một cách dễ dàng nguyên nhân gây nên tình trạng hạ natri máu. Việc xác định và chẩn đoán nguyên nhân phải được tiến hành theo từng bước, thực hiện có hệ thống để có thể chẩn đoán sớm, kịp thời đưa ra phương hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị hạ natri máu:
- Bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, người mệt mỏi, thường xuyên buồn ngủ.
- Tâm trạng hay bồn chồn, dễ cáu kỉnh, hay buồn nôn và nôn, một số bệnh nhân hay bị buồn ngủ, chán ăn, sợ nước.
- Bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn co giật, chuột rút, các cơ hoạt động yếu hơn, hay bị co thắt kèm theo dấu hiệu của phù, cổ chướng.
- Một số trường hợp nặng có thể hôn mê, mê sảng, rối loạn ý thức dần dẫn đến tử vong.
2. Điều trị hạ natri máu
Tùy theo tình trạng mỗi bệnh nhân cũng như nguyên nhân gây nên hạ natri máu để có những phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu điều trị chung đều là đưa được chỉ số natri máu về ngưỡng bình thường, hạn chế các nguy cơ biến chứng xảy ra đối với bệnh nhân.
Trên thực tế lâm sàng ở những bệnh nhân bị hạ natri máu, dù áp lực thẩm thấu mạch máu có ở mức bình thường hay tăng cao cũng ít có giá trị bởi sự dịch chuyển nước và sự phù nề ở các tế bào thần kinh không xảy ra, hoặc có xảy ra nhưng cơ thể có thể tự điều chỉnh được.
Ngược lại, nếu như độ thẩm thấu huyết tương giảm, mức độ biểu hiện lâm sàng và cả tốc độ điều chỉnh tình trạng rối loạn natri máu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ giảm natri máu lúc đó. Việc điều chỉnh nồng độ natri trong máu quá nhanh sẽ đẩy mạnh quá trình tiêu hủy các myelin ở trung tâm cầu não gây tổn thương nặng nề dẫn đến hôn mê và tử vong.
Nếu thể tích dịch ngoại bào bình thường:
- Chủ yếu hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể.
- Kết hợp dùng thuốc lợi tiểu quai nếu bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng SIADH.
- Ngừng sử dụng thuốc nếu nguyên nhân hạ natri là do thuốc.
- Trường hợp bị hạ natri quá nặng, chỉ định cho truyền dung dịch natriclorua ưu trương 3% hay 10%.
Nếu thể tích dịch ngoại bào tăng:
- Hạn chế nước.
- Chế độ ăn giảm muối, mỗi ngày chỉ nên ăn từ 3 - 6g muối.
- Dùng thuốc lợi tiểu.
- Lưu ý kết hợp dùng bổ sung kali khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu.
Nếu thể tích dịch ngoại bào giảm:
- Nếu bệnh nhân bị giảm natri nhẹ, không có biểu hiện lâm sàng, có thể cho bổ sung natri bằng đường uống, kết hợp theo dõi sát bệnh nhân.
- Hạn chế nước.
- Nếu bệnh nhân bị hạ natri nặng hoặc có kèm theo rối loạn tiêu hóa, chỉ định cho truyền natriclorua ưu trương đường tĩnh mạch. Lưu ý, không truyền quá 12 mmol/l mỗi ngày.
Hạ natri máu là tình trạng rối loạn nước điện giải cấp tính thường gặp trong hồi sức cấp cứu. Hạ natri máu nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nên những biến chứng nặng nề như phù não, hôn mê sâu thậm chí tử vong.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán hạ natri máu
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.