Ngày 13/6 tới, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia về phẫu thuật nhi khoa tại Việt Nam, Viện trưởng viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec sẽ có mặt tại Tokyo, Nhật Bản để nhận giải thưởng Nikkei.
Nikkei là giải thưởng dành cho công dân châu Á do hãng Thông tấn Nhật Bản Nikkei khởi xướng từ năm 1996. Mỗi năm có 3 công dân châu Á có đóng góp ở ba lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học và công nghệ được vinh danh.
Năm nay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được chọn vinh danh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, là cá nhân có nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá, có đóng góp trong việc phát triển khoa học công nghệ của châu lục cũng như thế giới. Với ghi nhận này, Giáo sư là người Việt đầu tiên được vinh danh ở lĩnh vực này trong 22 năm từ khi có giải thưởng.
PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Thanh Liêm sau khi Giáo sư nhận thông báo mình được trao giải thưởng Nikkei.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm
PV: Khi nhận tin đề tài khoa học của mình được vinh danh tại một giải thưởng lớn, cảm xúc lúc ấy của Giáo sư như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Khi biết tin mình được vinh dự nhận giải thưởng này, tôi thực sự vui và bất ngờ. Bởi lẽ, tiêu chí chấm giải thưởng này rất khắt khe và khó.
PV: Trong hồ sơ gửi đi, Giáo sư đề cập tới những lĩnh vực nào?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Hồ sơ nộp đi có rất nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt là lĩnh vực nội soi ở nhi; các nghiên cứu về sức khỏe nhi khoa mang tính cộng đồng; tế bào gốc. Ban xét giải thưởng đã đánh giá thành tích chủ yếu ở lĩnh vực nội soi trẻ em và tế bào gốc.
PV: Tại sao hai lĩnh vực này lại được ban xét giải thưởng đánh giá cao, thưa Giáo sư?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Về nội soi trẻ em, ở châu Á, tôi là một trong những người triển khai sớm nhất phẫu thuật này và phát triển nó rất nhanh. Không những là học tập và ứng dụng mà còn nghiên cứu vào những kỹ thuật mới, trong đó có 9 kỹ thuật “made in Viet Nam” mà chúng ta là người đầu tiên phát minh, phát triển và ứng dụng.
Có những kỹ thuật mình không phải là người đầu tiên, nhưng mình cải tiến và phát triển nó lên tới đỉnh cao như kỹ thuật về phẫu thuật u nang ống mật chủ. Tôi có 56 công trình nghiên cứu liên quan lĩnh vực này và đã mổ cho hơn 500 trường hợp.
Mổ u nang ống mật chủ là một trong những kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật nhi vì tính nguy hiểm, nguy cơ cao và phức tạp khi dễ làm rách các mạch máu tới gan; nếu rách, bệnh nhân có thể tử vong.
Hay như kỹ thuật mổ thoát vị cơ hoành, tôi không phải người đầu tiên mổ trong lĩnh vực này nhưng là người đầu tiên mổ ở trẻ sơ sinh vào khoảng năm 2002 – 2003. Sau khi mổ thành công tôi khẳng định, phẫu thuật nội soi ở trẻ em có thể làm được ở trẻ sơ sinh và tôi đã phát triển kỹ thuật này lên bước nữa.
Những trường hợp tôi mổ lúc đầu không quá nặng hoặc trẻ sinh ra không phải thở máy hoặc thở máy thường. Trường hợp nặng, đòi hỏi phải thở những máy đặc biệt (gọi là máy cao tần), trên thế giới chưa có ai mổ.
Khi tôi thực hiện thì thấy, thực tế không phải quá khó khăn tới mức không mổ được. Chúng ta có thể mổ được nội soi và sang chấn rất ít, đứa trẻ hồi phục tốt hơn, mở ra triển vọng cho thấy những đứa trẻ bị nặng đang thở máy cao tần vẫn có thể mổ nội soi được, làm cho tỷ lệ sống của bệnh này tăng cao.
Về ghép tế bào gốc, cách đây khoảng 10 năm gọi là ghép tủy xương. Thời gian tôi còn công tác tại bệnh viện Nhi Trung ương, tôi đã ghép tủy xương, suy tụy và tan máu. Thời điểm đó, trên thế giới chỉ định ghép tế bào gốc vẫn còn rất ít, nhưng tôi vẫn nghĩ tế bào gốc có ứng dụng rất rộng.
Sau này để có thể mở rộng được, tôi đã xin đề tài cấp Nhà nước để ghép tế bào gốc cho những trẻ bại não và tại Vinmec và triển khai thành công đề tài này.
PV: Ghép tế bào gốc là vấn đề rất mới ở Việt Nam. Từ đề tài ấp ủ đến thực tiễn áp dụng, chắc hẳn Giáo sư và các đồng nghiệp của mình cũng gặp nhiều khó khăn. Nhóm nghiên cứu đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Không phải gia đình nào cũng thật sự mạnh dạn tiếp cận với một phương pháp điều trị mới mẻ, dù rằng con mình đang bị bại não, phải sống đời thực vật. Đó là một thực tế mà chúng tôi đã gặp.
Ngay cả trong y giới không phải ai cũng đồng thuận với hướng đi nghiên cứu của chúng tôi.
Bên cạnh những thách thức ấy, rất may là nhóm nghiên cứu chúng tôi đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống labo, phòng ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, cập nhật các kỹ thuật ghép các kỹ thuật ghép tế bào gốc tiên tiến nhất thế giới. Vì thế chỉ sau hơn 2 năm tiếp cận, ghép tế bào gốc từ tủy xương điều trị bại não đã thu nhận được những thành công.
PV: Được biết, Giáo sư cũng thực hiện ghép tế bào gốc trên trẻ tự kỷ, kết quả ban đầu được ghi nhận ra sao?
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi đang cùng các đồng nghiệp thực hiện Dự án ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. Đề tài này được triển khai từ tháng 7/2017.
Với 30 trường hợp đầu tiên, chúng tôi chủ trương ghép 2 lần, ngoài ghép kết hợp với giáo dục can thiệp. Hiện nay chúng tôi xong giai đoạn 1, tức là đi được 2/3 đoạn đường.
Chúng tôi tiếp tục can thiệp và sẽ đánh giá kết quả trong 6 tháng nữa. Trong 30 cháu kết quả hết sức khả quan: 2 cháu thay đổi rất ít, còn lại 28 trường hợp đều có kết quả tích cực đến rất tích cực.
Trong tương lai, phương pháp này có thể mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác như tự kỉ, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, Parkinson...
Xin cảm ơn Giáo sư về buổi trò chuyện này!
Năm 1997, GS. Nguyễn Thanh Liêm được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em.
Ông cũng được biết đến là một trong những phẫu thuật viên đã tham gia nhiều ca phẫu thuật tách đôi song sinh dính nhau phức tạp nhất ở Việt Nam, đem lại cuộc sống mới cho nhiều trẻ em song sinh dính nhau.
Theo Nguyễn Huệ/Người đưa tin