Thuật ngữ Gluten dùng để chỉ một nhóm các chất đạm được tìm thấy trong nhiều loại ngũ cốc, bao gồm lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Trong khi hầu hết mọi người có khả năng dung nạp Gluten, nhóm đạm này có thể gây ra một số tác dụng phụ tiêu cực ở những người mắc bệnh Celiac hoặc nhạy cảm với Gluten. Ngoài việc gây ra rối loạn tiêu hóa, đau đầu và các vấn đề về da, một số báo cáo cho thấy gluten có thể góp phần gây ra các triệu chứng tâm lý như lo lắng.
1. Bệnh Celiac
Đối với những người mắc bệnh Celiac, ăn những sản phẩm chứa Gluten có thể xuất hiện chứng viêm ruột, gây ra các triệu chứng như tức bụng, đầy hơi, tiêu chảy và mệt mỏi.
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh Celiac cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc một số rối loạn tâm thần nhất định, bao gồm lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.
Vì vậy, thực hiện chế độ ăn không gluten không chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh Celiac mà còn có thể làm giảm chứng lo âu.
Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2001 cho thấy việc áp dụng chế độ ăn không có Gluten trong 1 năm đã giảm được chứng trầm cảm lo lắng ở 35 người mắc bệnh Celiac. Một nghiên cứu nhỏ khác ở 20 người mắc bệnh celiac cho thấy rằng những người tham gia có mức độ lo lắng cao hơn trước khi bắt đầu chế độ ăn không có gluten so với sau khi tuân thủ chế độ ăn này trong 1 năm.
Tuy nhiên, một số các nghiên cứu khác lại cho ra kết quả hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ khi mắc bệnh Celiac có nhiều khả năng mắc chứng lo âu hơn so với dân số nói chung, ngay cả sau khi tuân thủ chế độ ăn loại bỏ gluten.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2020 ở 283 người mắc bệnh celiac có xu hướng lo lắng cao cho thấy rằng việc tuân thủ chế độ ăn không có Gluten không cho ra bất cứ cải thiện đáng kể nào đối với chứng bệnh kể trên.
Những nghiên cứu này cho thấy mặc dù việc tuân thủ theo chế độ ăn loại bỏ Gluten có thể làm giảm chứng lo âu ở một số người mắc bệnh Celiac nhưng không có ảnh hưởng nào đáng kể để cải thiện chứng trầm cảm ở những người khác. Ngược lại, việc phải tuân thủ theo chế độ ăn nghiêm ngặt này có thể gây hoảng loạn cũng như lo âu đối với một số người.
2. Không dung nạp Gluten
Những người nhạy cảm với Gluten, mặc dù không mắc bệnh celiac cũng có thể gặp tác dụng phụ khi tiêu thụ những sản phẩm chứa Gluten, bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và đau cơ.
Trong một số trường hợp, những người này cũng có thể gặp các triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng. Mặc dù y khoa vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chất lượng hơn, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn loại bỏ Gluten có thể có lợi cho những người gặp tình trạng này.
Theo một nghiên cứu ở 23 người, 13% số người tham gia báo cáo lại rằng việc tuân theo chế độ ăn không có Gluten cho họ thấy được sự cải thiện trong tâm trạng, giảm lo lắng và bớt trầm cảm. Tuy vậy, một nghiên cứu khác ở 22 người bị nhạy cảm với Gluten, nhưng không mắc bệnh Celiac cho thấy sự gia tăng cảm giác trầm cảm sau 3 ngày ăn theo chế độ không Gluten.
Mặc dù nguyên nhân của những triệu chứng này vẫn chưa rõ ràng, một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả có thể là do sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột, một nhóm các lợi khuẩn trong đường tiêu hóa có liên quan đến các khía cạnh của sức khỏe tổng quan.
Không giống như bệnh celiac hoặc dị ứng lúa mì, hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm cụ thể nào được sử dụng để chẩn đoán độ nhạy cảm của cơ thể con người đối với Gluten trong thực phẩm.
Mặc dù vậy, nếu thấy cơ thể xuất hiện cảm thấy lo lắng, trầm cảm hoặc bất kỳ triệu chứng tiêu cực nào khác sau khi tiêu thụ gluten, việc tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định xem chế độ ăn không có gluten có phù hợp với cơ thể mỗi người hay không là rất cần thiết để duy trì một chế độ ăn cân bằng và sức khỏe ổn định.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo: Healthline.com