Giải pháp cho trẻ chậm tăng cân

Trong thời kỳ sơ sinh và thơ ấu, trẻ em tăng cân và lớn nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Tuy nhiên, một số trẻ lại không tăng cân với tốc độ bình thường, có thể do các nguyên nhân khác nhau. Do đó, cha mẹ cần phải nhận biết sớm và biết cách xử trí bé chậm tăng cân phải làm sao. Nếu các giải pháp cho trẻ chậm tăng cân không được áp dụng kịp thời, trẻ sẽ mất đi có cơ hội phát triển như bạn bè đồng trang lứa.

1. Trẻ tăng cân chậm là như thế nào?

Trẻ tăng cân chậm đôi khi được gọi là “không phát triển được.” Bản thân tình trạng này không phải là một căn bệnh mà là một biểu hiện của nhiều yếu tố, từ y tế, xã hội và môi trường, khiến trẻ không nhận được lượng calo cần thiết để phát triển khỏe mạnh.

Thông thường, cân nặng của một em bé tăng gấp đôi trong vòng 4 đến 6 tháng đầu đời và tăng gấp ba lần trong năm đầu tiên. Ví dụ, một đứa trẻ sinh ra nặng 3 kg thường sẽ nặng khoảng 6 kg vào thời điểm trẻ được 6 tháng tuổi và khoảng 9 kg khi trẻ tròn 1 tuổi.

Tăng cân chậm không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng lo ngại. Một số trẻ sơ sinh và trẻ em chỉ đơn giản là có cơ thể nhỏ hơn hầu hết những đứa trẻ khác cùng tuổi. Tuy nhiên, tăng cân chậm sẽ trở thành một vấn đề quan trọng khi tình trạng này gây cản trở đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, đặc biệt là trong năm đầu tiên khi não bộ của trẻ đang phát triển.

Do đó, cần nhận biết sớm trẻ tăng cân chậm nếu:

  • Trẻ sơ sinh không lấy lại cân nặng khi sinh trong vòng 10 đến 14 ngày sau khi sinh
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi tăng ít hơn 30 gam một ngày
  • Trẻ từ 3 đến 6 tháng tăng ít hơn 15 gam một ngày
  • Trẻ ở mọi lứa tuổi đang phát triển ổn định và đột nhiên ngừng phát triển

8 giải pháp bé chậm tăng cân được nhiều mẹ quan tâm
8 giải pháp bé chậm tăng cân được nhiều mẹ quan tâm

2. Các nguyên nhân gây chậm tăng cân ở trẻ nhỏ?

Một số yếu tố có thể khiến trẻ tăng cân chậm, từ các tình trạng bệnh lý đến những khó khăn về tài chính hoặc xã hội. Nhìn chung, bất cứ điều gì cản trở khả năng tiếp cận thức ăn hoặc khả năng tiêu hóa thức ăn của trẻ đều có thể làm suy giảm sự phát triển của trẻ, thường là sự kết hợp của các yếu tố:

2.1. Nguyên nhân y tế

Sinh non có thể khiến trẻ khó bú cho đến khi các cơ mà trẻ sử dụng để hút và nuốt phát triển đầy đủ.

Các dị tật trong hội chứng Down khiến trẻ không có khả năng bú và nuốt hiệu quả.

Các rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, rối loạn chuyển hóa đường galactose bẩm sinh hoặc phenylceton niệu có thể cản trở khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng của cơ thể.

Bệnh xơ nang làm hạn chế khả năng hấp thụ calo từ thức ăn.

Dị ứng thực phẩm làm hạn chế lựa chọn các loại thức ăn dinh dưỡng cho trẻ.

Trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ thường xuyên bị nôn trớ, giảm lượng sữa hay thức ăn có thể tiêu thụ vào dạ dày.

Bất cứ nguyên nhân gì gây tiêu chảy mãn tính đều có thể khiến trẻ không nhận đủ dinh dưỡng.

2.2. Nguyên nhân xã hội và tài chính

Cha mẹ không chuẩn bị sữa công thức một cách chính xác hoặc không hiểu trẻ sơ sinh cần ăn thường xuyên như thế nào.

Căng thẳng trong gia đình do ly hôn, mất mát hoặc sự đổ vỡ khác có thể khiến trẻ bỏ ăn.

Kinh tế kém khiến cha mẹ không nuôi dưỡng trẻ đầy đủ.


Sinh non có thể khiến trẻ khó bú cho đến khi các cơ mà trẻ sử dụng để hút và nuốt phát triển đầy đủ
Sinh non có thể khiến trẻ khó bú cho đến khi các cơ mà trẻ sử dụng để hút và nuốt phát triển đầy đủ

3. Các giải pháp cho trẻ chậm tăng cân

3.1. Xác định nguyên nhân

Một số trẻ em, giống như không ít người lớn, có cơ địa mảnh mai tự nhiên và khó tăng cân. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên cố gắng loại trừ các nguyên nhân trẻ chậm tăng cân như nêu trên.

Đôi khi việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng có thể tìm ra các bệnh lý gây ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ trong thời gian dài.

3.2. Thay đổi hành vi

Cho trẻ ăn dặm thường xuyên hơn: Vấn đề không phải là trẻ ăn gì mà chỉ đơn giản là ăn bao nhiêu. Với thể tích dạ dày nhỏ, trẻ em có thể cần ăn năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ mỗi ngày. Hơn nữa, bất cứ khi nào trẻ cảm thấy đói, hãy cho trẻ ăn.

Làm cho giờ ăn trở nên quan trọng: Hãy biến giờ ăn trở thành tiêu điểm thường xuyên trong ngày của con và dạy trẻ rằng ăn uống là hoạt động vừa quan trọng, vừa thú vị. Nếu giờ ăn có vẻ như là một sự khó chịu hoặc ép buộc, trẻ ít có thể ăn uống nhiệt tình. Ngoài ra, không cho trẻ tham gia bất kỳ hoạt động nào khác ngoài việc ăn, như tắt TV đi và chỉ tập trung ăn uống, thưởng thức.

Nêu gương tốt cho trẻ: Trẻ em học bằng cách quan sát người lớn. Nếu cha mẹ thường xuyên ăn thử các loại thực phẩm mới và lựa chọn lành mạnh, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt thì trẻ sẽ hào hứng thử những món ăn mới này hơn.

Khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên: Giống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường liên quan đến giảm cân hơn là tăng cân. Tuy nhiên, khi kết hợp với ăn uống thông minh, hoạt động thể chất có thể là một phần của giải pháp cho trẻ chậm tăng cân. Đặc biệt, đối với trẻ lớn, việc bổ sung thêm khối lượng cơ có khả năng làm tăng cân và luôn có lợi cho sức khỏe hơn là bổ sung thêm chất béo trong cơ thể. Hơn nữa, tập thể dục còn có giá trị kích thích sự thèm ăn.

3.3. Chọn thực phẩm giàu calo và dinh dưỡng

Tránh những lựa chọn không lành mạnh: Bánh ngọt, bánh quy, nước ngọt và thức ăn nhanh có lượng calo cao có thể làm cho trẻ mau tăng cân. Tuy nhiên, đây có thể là nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Thay vào đó, các thực phẩm giàu cả calo và chất dinh dưỡng là lựa chọn tốt nhất, vì chúng giúp tăng cân và cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết.

Cho phép trẻ lựa chọn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: Sự đa dạng các món ăn không chỉ quan trọng vì cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng nhất mà còn vì giúp cho bữa ăn trở nên thú vị.


Chọn thực phẩm giàu calo và dinh dưỡng để bổ sung cho trẻ chậm tăng cân
Chọn thực phẩm giàu calo và dinh dưỡng để bổ sung cho trẻ chậm tăng cân

Tăng cường chế độ ăn giàu calo: Giải pháp cho trẻ chậm tăng cân cốt lõi là dựa trên nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm carbohydrate giàu tinh bột (mì ống, bánh mì, ngũ cốc); ít nhất năm phần trái cây và rau quả hàng ngày; protein (thịt, cá, trứng, đậu); và các sản phẩm từ sữa (sữa, pho mát, v.v.). Bên cạnh đó, tất cả trẻ em dưới hai tuổi nên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa nguyên kem và trẻ cần tiếp tục được uống sữa nếu cân nặng chưa đủ. Hơn nữa, dù chất xơ rất quan trọng đối với một chế độ ăn uống lành mạnh, cần hạn chế khi nuôi trẻ đang cố gắng tăng cân. Khi cho trẻ ăn quá nhiều mì ống nguyên hạt hoặc gạo lứt có thể khiến trẻ cảm thấy no quá lâu.

Sử dụng chất béo lành mạnh: Các loại chất béo có nguồn gốc thực vật là thành phần cần thiết của một chế độ ăn uống lành mạnh. Đây cũng là nguồn năng lượng lý tưởng trong giải pháp bé chậm tăng cân. Ngoài ra, các loại hạt, như hạnh nhân và hạt dẻ cười, cũng cung cấp rất nhiều chất béo lành mạnh. Bơ có thể cung cấp kết cấu kem cho nhiều loại thực phẩm và đồng thời cũng cung cấp nguồn chất béo có lợi.

Lựa chọn đồ ăn nhẹ thông minh: Trẻ cần tăng cân nên được cho ăn dặm thường xuyên. Tuy nhiên, cũng như các bữa ăn, nên chọn các lựa chọn lành mạnh thay vì thực phẩm chứa calo rỗng. Do đó, cha mẹ nên lựa chọn đồ ăn nhẹ có hàm lượng calo cao, dinh dưỡng cao, dễ chế biến và phục vụ, ví dụ một bánh mì nguyên hạt phết bơ đậu phộng, các loại hạt và trái cây khô, một cốc sữa chua... trước khi dùng đến bánh ngọt, bánh quy và kem.

Chú ý đến lượng nước trẻ uống: Uống đủ nước rất quan trọng đối với trẻ em, nhưng uống quá nhiều có thể làm no và giảm lượng thức ăn mà trẻ ăn vào. Hơn nữa, đồ uống rỗng calo như soda không cung cấp giá trị dinh dưỡng, trong khi lượng đường trong nước ép trái cây có thể gây sâu răng. Vì vậy, nước luôn là một lựa chọn tốt nhưng một giải pháp bé chậm tăng cân là nên uống sữa nguyên kem thay cho nước để nhận thêm calo.

Tóm lại, trong quá trình nuôi dưỡng cho trẻ, điều quan trọng là phải nhận ra và biết cách bé chậm tăng cân phải làm sao. Vì thiếu dinh dưỡng có thể gây ra hàng loạt các biến chứng, di chứng về chiều cao hạn chế hoặc khó khăn trong học tập khi trẻ lớn lên, các giải pháp cho trẻ chậm tăng cân cần được cha mẹ áp dụng tích cực, đôi khi có thể dưới sự giám sát của bác sĩ dinh dưỡng, để đảm bảo các điều kiện cho trẻ phát triển một cách tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe