Gãy xương chày có dấu hiệu gì?

Gãy xương chày là một trong những chấn thương phổ biến trong các hoạt động thể thao cũng như các tai nạn hằng ngày. Các dấu hiệu gãy xương chày có thể tuỳ thuộc mức độ chấn thương như bầm tím hoặc đau dữ dội ở vùng cẳng chân. Hiểu rõ các dấu hiệu này không chỉ giúp nhận biết sớm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Phân loại gãy xương

Gãy xương chày là tình trạng xương lớn ở cẳng chân bị gãy hoặc vỡ. Để xác định và phân loại chấn thương này, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và yêu cầu các xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ tổn thương của xương chày.

1.1 Gãy phần trên của xương chày  

Gãy hoặc vỡ phần trên của xương chày (nằm ở phía trên của ống chân) thường xảy ra do ngã từ trên cao hoặc tai nạn xe cộ. Tại thời điểm xảy ra gãy xương, các mô mềm bao gồm dây chằng, da, cơ, dây thần kinh và mạch máu có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, việc kiểm tra và đánh giá các tổn thương mô mềm là bước quan trọng để bác sĩ lập ra phương án điều trị phù hợp cho phần xương bị gãy. 

Gãy xương chày là chấn thương gây gãy hoặc vỡ xương ở cẳng chân
Gãy xương chày là chấn thương gây gãy hoặc vỡ xương ở cẳng chân

1.2 Gãy đầu dưới xương chày (Gãy Pilon)

Gãy đầu dưới xương chày còn được gọi là gãy Pilon, là một chấn thương nghiêm trọng xảy ra ở phần dưới của xương chày, nơi đường gãy kéo dài vào khu vực khớp cổ chân. Gãy Pilon thường là do một lực tác động mạnh như rơi từ cao xuống hoặc va chạm trong tai nạn xe cộ.

Chấn thương Pilon thường đi kèm với sưng tấy lớn, đau đớn dữ dội và gây sưng cổ chân cũng như biến dạng của cấu trúc xương. Trong trường hợp xương vỡ lộ ra ngoài qua da (gãy xương hở), việc can thiệp phẫu thuật kịp thời là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và để khắc phục các mảnh xương vỡ.

2. Nguyên nhân

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến gãy xương chày bao gồm:

  • Té ngã từ độ cao lớn hoặc ngã xuống bề mặt cứng: Điều này thường xảy ra đối với người cao tuổi, những người đi lại không vững và với các vận động viên.
  • Các chuyển động xoắn như xoay tròn đột ngột, thường gặp trong các môn thể thao như trượt băng và trượt tuyết hay các môn đối kháng.
  • Va chạm mạnh: Tai nạn xe máy hoặc ô tô là nguyên nhân thường gặp ra chấn thương gãy xương chày nghiêm trọng.
  • Các tình trạng sức khỏe tiền sử: Bệnh tiểu đường tuýp 2 và các vấn đề về xương khớp có từ trước như viêm xương khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương chày.

3. Dấu hiệu gãy xương chày

Các dấu hiệu gãy xương chày thường bao gồm:

  • Đau dữ dội: Cảm giác đau ở phần dưới của cẳng chân.
  • Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở chân bị thương.
  • Chân bị thương không thể nâng hoặc chịu lực.
  • Biến dạng vùng bị thương: Bao gồm cẳng chân, đầu gối, mắt cá chân hoặc ống chân.
  • Sưng và bầm tím: Xuất hiện xung quanh vùng bị chấn thương.
  • Gãy xương hở: Xương có thể chồi ra ngoài qua lỗ rách của da.
  • Hạn chế vận động đầu gối: Bao gồm khó khăn trong các hoạt động uốn cong hoặc xoay quanh đầu gối.
  • Ảnh hưởng đến xương mác: Trong trường hợp xương chày bị gãy nghiêm trọng, xương mác thường cũng bị tổn thương. 
Thực hiện xét nghiệm X-quang để xác nhận chẩn đoán gãy xương.
Thực hiện xét nghiệm X-quang để xác nhận chẩn đoán gãy xương.

4. Các phương pháp chẩn đoán

Để xác định chính xác tình trạng gãy xương chày, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng xảy ra chấn thương và các vấn đề sức khỏe hiện tại, sau đó sẽ quan sát kỹ các dấu hiệu như:  

  • Biến dạng hoặc dị dạng rõ ràng của cẳng chân.
  • Kiểm tra da xem có rách hay nguyên vẹn.
  • Mức độ nhô ra của xương nếu có gãy hở.
  • Đánh giá mức độ sưng và tình trạng bầm tím.
  • Cảm giác đau và bất ổn khi chạm hoặc di chuyển.
  • Đo đạc sức mạnh cơ bắp xung quanh vùng chấn thương.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm X-quangchụp CT để khẳng định tình trạng gãy xương chày cũng như đánh giá tình trạng các khớp gần đó như đầu gối và mắt cá chân có bị ảnh hưởng hay không.

5. Các biện pháp điều trị  

Thời gian hồi phục sau gãy xương chày có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Các phương pháp điều trị nội khoa cho gãy xương chày có thể bao gồm:

  • Bó bột.
  • Cố định và hạn chế chức năng cơ chân nhưng vẫn cho phép một số cử động.
  • Vật lý trị liệu.
  • Tập luyện tại nhà.
  • Dùng nạng.

Trong trường hợp các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc khi chấn thương phức tạp như gãy xương hở, gãy vụn hoặc xương yếu, phẫu thuật có thể được cân nhắc. Các kỹ thuật phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Để cố định xương chày bị gãy, bác sĩ có thể sử dụng các nẹp vít, thanh hoặc tấm thép.
  • Cố định bên ngoài là phương pháp sử dụng thanh kim loại bên ngoài cơ thể để kết nối các ốc vít hoặc đinh chốt vào xương gãy.
  • Kết hợp vật lý trị liệu, tập luyện chức năng tại nhà và sử dụng thuốc giảm đau là một phương pháp điều trị hiệu quả cho gãy xương chày. 
Sau phẫu thuật, việc kết hợp vật lý trị liệu, tập luyện chức năng tại nhà và sử dụng thuốc giảm đau là rất quan trọng để giúp xương lành nhanh chóng.
Sau phẫu thuật, việc kết hợp vật lý trị liệu, tập luyện chức năng tại nhà và sử dụng thuốc giảm đau là rất quan trọng để giúp xương lành nhanh chóng.

6. Cần làm gì trong quá trình hồi phục?  

Giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn là thời điểm quan trọng, bệnh nhân cần nghiêm túc theo dõi các chỉ dẫn của bác sĩ chỉnh hình. Việc tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn về khả năng chịu lực, hoạt động của khớp gối và việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ như băng bột hoặc nẹp cố định là cần thiết để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ.

Xương chày bị gãy gần khớp gối có thể gây ra các vấn đề lâu dài như mất khả năng di chuyển linh hoạt, mất ổn định và viêm khớp mãn tính, đặc biệt với những người thường xuyên vận động nặng.

Trong quá trình hồi phục, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về các mối lo ngại cá nhân, các rủi ro tiềm ẩn và các kỳ vọng hợp lý. Các cuộc thảo luận này cũng bao gồm việc đánh giá ảnh hưởng của chấn thương đến cuộc sống hàng ngày, công việc, trách nhiệm gia đình và các hoạt động giải trí, giúp bệnh nhân có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai sau chấn thương. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe