Gây tê đám rối thần kinh cánh tay trong phẫu thuật cứng khớp vai do xơ hóa cơ Delta

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đối với bệnh cứng khớp vai do xơ hóa cơ Delta thì các phương pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu chỉ có thể điều trị triệu chứng, hiện nay, điều trị xơ hóa cơ Delta phẫu thuật là phương pháp giúp giải quyết những dây cơ bị xơ cứng.

1. Cứng khớp vai do xơ hóa cơ delta

Vận động khớp vai trong tầm vận động khớp cần phối hợp của nhiều nhóm cơ, trong đó cơ Delta phối hợp với một số cơ khác giúp khớp vai vận động nâng cánh tay. Xơ hóa khớp vai là mất vận động cơ delta từ đó làm hạn chế vận động khớp vai. Gây ra các biểu hiện như:

  • Bệnh nhân không có khả năng dùng lược chải đầu, không dùng tay để gãi lưng bên đối diện được, thay áo gặp khó khăn khi luồn tay vào ống tay áo
  • Không khép được cánh tay vào thân mình trong trạng thái nghỉ.
  • Thỉnh thoảng đau quanh khớp vai hoặc đau thường xuyên.
  • Khớp vai bị xệ xuống, tay luôn khuỳnh khoàng, xương bả vai nhô cao ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
  • Sờ thấy rãnh lõm da dọc theo dải xơ, hay sờ rõ rải xơ trên trục cơ delta.
  • Trong trường hợp nặng có thể thấy sai khớp vai, vai xuôi, có biến dạng vùng ngực

Cứng khớp vai do xơ hóa cơ delta
Cứng khớp vai do xơ hóa cơ delta

Nguyên nhân gây ra xơ hóa khớp vai: Có thể do tiêm nhiều lần vào cơ delta thường do một số loại thuốc như penicilin, lincomycin...Tuy vậy cũng có nhiều nguyên nhân không rõ.

Trong các phương pháp điều trị phẫu thuật được coi là phương pháp hiệu quả nhất, giải quyết tình trạng xơ. Khi phẫu thuật có nhiều phương pháp vô cảm như gây tê, gây mê tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nếu không có vấn đề gì đặc biệt thì gây tê đám rối thần kinh cánh tay luôn được ưu tiên lựa chọn trong phương pháp vô cảm phẫu thuật cứng khớp vai.

2.Quy trình gây tê đám rối thần kinh cánh tay


Rối loạn đông máu chống chỉ định với gây tê đám rối thần kinh cánh tay
Rối loạn đông máu chống chỉ định với gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Gây tê đám rối thần kinh cánh tay là kỹ thuật gây tê vùng được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, bằng cách đưa thuốc tê hoặc hỗn hợp thuốc gây tê vào trong bao đám rối thần kinh cánh tay của người bệnh.

2.1 Chỉ định

  • Vô cảm để phẫu thuật chi trên, xương đòn
  • Vô cảm để nắn sai khớp chi trên.
  • Giảm đau sau mổ chi trên.

2.2 Chống chỉ định

  • Bệnh nhân từ chối, có tiền sử dị ứng thuốc tê
  • Viêm nhiễm, vết thương hở vùng chọc kim gây tê
  • Rối loạn đông máu nặng.
  • Không đủ phương tiện hồi sức
  • Không thành thạo kỹ thuật gây tê đám rối.

2.3 Chuẩn bị

*Người thực hiện: Nhân viên y tế chuyên khoa gây mê hồi sức.

*Phương tiện:

  • Phương tiện hồi sức: Nguồn oxy, bóng Ambu, mặt nạ (mask), các phương tiện dự phòng đặt nội khí quản, máy mê kèm thở, máy sốc điện, máy hút...Thuốc hồi sức tuần hoàn gồm dịch truyền, các loại thuốc như ephedrin, adrenalin...
  • Thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ.Máy theo dõi: Điện tim, huyết áp động mạch, bão hòa oxy Sp02, nhịp thở...

*Vật tư y tế: Bơm kim tiêm các cỡ, găng tay, gạc vô khuẩn, kìm, cồn sát trùng, khăn lỗ vô trùng...Máy kích thích thần kinh ngoại vi, kim gây tê chuyên dụng, catheter trong trường hợp gây tê kéo dài, máy siêu âm.

*Thuốc tê: Các loại thuốc tê như lidocain, bupivacain, levobupivacain, ropivacaine...pha trong dung dịch natri clorid 0,9%; có thể phối hợp với thuốc họ morphin và hoặc adrenalin tỷ lệ 1/200.000.

*Chuẩn bị bệnh nhân:

  • Thăm khám trước khi mổ, giải thích cho người bệnh cùng hợp tác khi tiến hành gây tê sát khuẩn vùng gây tê.
  • Cho người bệnh an thần tối hôm trước mổ (nếu cần).

2.4 Các bước tiến hành


Sau khi gây tê cần theo dõi huyết áp,nhịp tim của bệnh nhân
Sau khi gây tê cần theo dõi huyết áp,nhịp tim của bệnh nhân

Người bệnh nằm ngửa, đầu quay sang bên đối diện, đặt một cái gối nhỏ dưới xương bả vai, tay để dọc theo thân người.

*Vị trí tiêm thuốc gây tê đám rối thần kinh: Là điểm giao cắt giữa đường

thẳng đi qua sụn nhẫn và khe giữa các cơ bậc thang.

Hướng kim: Từ trên xuống dưới, ngoài vào trong và trước ra sau, tránh

tĩnh mạch cảnh ngoài. Đẩy kim từ từ cho tới khi thấy cảm giác dị cảm hoặc có phản ứng vận động của các nhóm cơ cánh tay, cẳng tay hoặc bàn tay; Rút lui kim 1-2mm, trước khi bơm thuốc phải hút thử xem có máu và khí không tránh tiêm vào mạch máu, nếu không có mới được bơm thuốc.

Hút lại một lần sau khi bơm mỗi 3-5ml thuốc tê

*Trường hợp có máy kích thích thần kinh cơ: Vị trí và hướng chọc kim như trên, khởi động máy kích thích thần kinh cơ với cường độ 1-2 mA, tần số 1Hz; giảm dần cường độ để đạt được dấu hiệu co cơ ở các nhóm cơ tương ứng với đám rối dây thần kinh chi phối ở cường độ 0,3 - 0,5 mA. Thực hiện kỹ thuật bơm thuốc như trên.

*Sử dụng máy siêu âm định vị đám rối thần kinh: Tiến hành chọc kim dưới hướng dẫn của siêu âm và thực hiện bơm thuốc như trên. Việc áp dụng kỹ thuật gây tê thần kinh dưới hướng dẫn siêu âm tại các Bệnh viện Quốc tế Vinmec đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế. Việc giảm được các tác dụng phụ của thuốc tê và các biến chứng khi gây tê, người bệnh nhanh chóng bình phục sau phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống.

2.5 Theo dõi sau gây mê

Gây tê thần kinh dưới hướng dẫn siêu âm là phương pháp tiêm thuốc gây tê vào các bao dây thần kinh dưới hướng dẫn siêu âm giúp giảm đau trong khi phẫu thuật và giảm đau sau mổ.

Đây là một kỹ thuật mới, nổi bật với nhiều ưu điểm khi không phải sử dụng Morphin và các tiền chất morphin, giúp giảm các tác dụng phụ của morphin như: buồn nôn, nôn, bí tiểu, táo bón, thậm chí gây nghiện.

Tránh được tình trạng ngộ độc thuốc tê.

Ngoài ra, người bệnh vẫn tỉnh táo trong khi phẫu thuật mà không có cảm giác đau, giúp hậu phẫu sau mổ dễ dàng hơn, tránh phải gây mê đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi kèm theo

Khi thuốc gây tê trong mổ hết tác dụng, có thể truyền thuốc tê liên tục qua catheter vào thân thần kinh giúp giảm đau sau mổ. Phương pháp này giảm được các tác dụng phụ của thuốc mê và các biến chứng khi gây mê, giúp bệnh nhân nhanh bình phục sau phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hiệu quả giảm đau tốt do tiêm vào đúng bao thần kinh, tránh được vẫn còn cảm giác đau khi thực hiện gây tê theo mốc giải phẫu và giảm đau trong các bệnh mạn tính như ung thư giai đoạn cuối.

Quá trình thực hiện, dưới hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ Gây mê hồi sức xác định chính xác dây thần kinh cần gây tê. Dùng kim chọc chuyên dụng cho gây tê đi vào thân thần kinh, phối hợp giữa siêu âm và máy dò thần kinh để xác định các dây thần kinh nằm trên đường đi của kim, tránh chọc vào mạch máu. Bơm thuốc tê và đánh giá diện phong bế của thuốc tê. Nhờ đó giảm thiểu được các tai biến, biến chứng như tổn thương dây thần kinh, tiêm thuốc vào mạch máu gây ra ngộ độc thuốc tê, tiêm thuốc không đúng vị trí dẫn đến thất bại trong kỹ thuật

3.Những tai biến xảy ra khi gây tê đám rối thần kinh cánh tay


Trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ với thuốc tê cần ngừng sử dụng ngay
Trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ với thuốc tê cần ngừng sử dụng ngay

3.1 Tai biến do thuốc

  • Dị ứng, sốc phản vệ với thuốc tê: Trường hợp này ít gặp với các thuốc tê thế hệ mới. Xử trí cần ngừng sử dụng thuốc tê; sử dụng phác đồ chống sốc phản vệ theo Bộ y tế
  • Ngộ độc thuốc gây tê: Thường do dùng quá liều, hoặc tiêm nhầm vào mạch máu. Xử trí ngừng sử dụng thuốc tê, chống co giật, cấp cứu hồi sức hô hấp, tuần hoàn.

3.2 Tai biến do kỹ thuật

  • Bơm thuốc vào mạch máu: Cần xử trí như trường hợp ngộ độc thuốc gây tê.
  • Tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện hoặc khoang ngoài màng cứng vùng cổ: Cần cấp cứu hô hấp và tuần hoàn
  • Tràn khí màng phổi: Theo dõi, cần thiết phải chọc hút dẫn lưu khoang màng phổi.
  • Phong bế hạch sao gây hội chứng Claude Bernard - Horner: Co đồng tử, sụp mí mắt, giảm tiết mồ hôi; Phong bế thần kinh quặt ngƣợc gây liệt thanh quản tạm thời: nói khàn, nói yếu; Phong bế thần kinh hoành: cảm giác nặng ngực, có thể khó thở, suy hô hấp. Trong các trường hợp này cần phải theo dõi, chờ đến khi hết tác dụng của thuốc tê.
  • Các biến chứng khác có thể gặp như: Nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, tụ máu nơi chọc...
  • Gây tê thất bại cần phải chuyển phương pháp vô cảm khác.

Phẫu thuật điều trị xơ hóa cơ Delta được thực hiện sớm khi phát hiện bệnh nhằm hạn chế nguy cơ biến dạng thứ phát do cứng khớp vai gây ra. Gây tê đám rối thần kinh là phương pháp vô cảm sử dụng trong phẫu thuật cứng khớp vai do xơ hóa cơ Delta tùy vào từng trường hợp người bệnh cụ thể, với ưu điểm không quá khó thực hiện và gây tê chọn lọc.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Bác sĩ Đinh Văn Lộc tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Huế năm 1990, tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa I năm 2003 và bác sĩ chuyên khoa II Gây mê hồi sức năm 2017. Bác sĩ Lộc được đào tạo chuyên sâu nâng cao Gây mê hồi sức và có hơn 23 năm kinh nghiệm công tác gây mê hồi sức chuyên sâu về Nhi khoa, gây mê thần kinh sọ não, gây mê hồi sức cho phẫu thuật cắt gan, cắt thực quản tại Bệnh viện

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe