Gây mê nối vị tràng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Phẫu thuật nối vị tràng là một trong những phẫu thuật quan trọng nhằm điều trị một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Trong đó, công tác gây mê để phẫu thuật nối vị tràng là một thao tác tất yếu nhằm giúp bệnh nhân trải qua phẫu thuật xâm lấn một cách an toàn và không đau đớn, và ít biến chứng nhất có thể.

1. Phẫu thuật nối vị tràng là gì?

Nối vị tràng là một phẫu thuật làm thông miệng nối giữa dạ dày và quai đầu hỗng tràng nếu vị trí giữa 2 đoạn này bị tắc nghẽn, cản trở (do các tác nhân như loét hẹp, u, cắt toàn bộ dây thần kinh X)...

Phẫu thuật nối vị tràng có thể được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Đường xuống tá tràng bị nghẽn tắc hoặc chặn đứng do khối u ở tá tràng, hang vị, tụy nhẫn, bóng Vater...
  • Đường xuống tá tràng kém lưu thông do phẫu thuật cắt dây thần kinh X hoặc tạo hình môn vị.
  • Chủ động ngăn thức ăn không cho đi qua tá tràng, thường đi cùng với thủ tục đóng môn vị, trong các trường hợp bệnh nhân bị túi thừa tá tràng lớn không thể phẫu thuật cắt bỏ hoặc bị vỡ tá tràng...

Tuy nhiên, phẫu thuật này cũng có một số tình huống bệnh lý cần cân nhắc như:

  • Bệnh nhân có tình trạng toàn thân nặng và có nhiều bệnh cùng lúc, tổng trạng kém, suy dinh dưỡng, albumin máu thấp... cần có sự điều chỉnh về máu, chất điện giả, albumin... trước khi mổ.
  • Có khối u xâm lấn gần hết dạ dày.
  • Ung thư di căn nhiều nơi và thời gian sống ngắn...

Phẫu thuật nối vị tràng chống chỉ định khi ung thư di căn
Phẫu thuật nối vị tràng chống chỉ định khi ung thư di căn

2. Tìm hiểu về gây mê nối vị tràng

2.1. Gây mê nối vị tràng là gì?

Trong phẫu thuật nối vị tràng, các bác sĩ gây mê hồi sức sẽ sử dụng dụng kỹ thuật gây mê nội khí quản, có hoặc không phối hợp với các phương pháp gây tê vùng để giảm đau, hạn chế sử dụng thuốc mê trong và sau mổ. Đây là kĩ thuật gây mê toàn thân có đặt nội khí quản, mục đích của kỹ thuật là kiểm soát quá trình hô hấp của bệnh nhân, cung cấp sự mềm cơ và giảm đau tốt trong suốt thời gian thực hiện phẫu thuật cũng như thời gian hồi sức sau phẫu thuật. Tuy nhiên, gây mê nối vị tràng có thể sẽ không được thực hiện trong một số trường hợp sau:

  • Bệnh nhân không đồng ý gây mê.
  • Không đủ phương tiện để gây mê – hồi sức.
  • Người thực hiện chưa thành thạo kĩ thuật gây mê.

2.2. Quá trình chuẩn bị trước khi gây mê

Người thực hiện: các bác sĩ và điều dưỡng viên thuộc chuyên khoa gây mê – hồi sức.

Bệnh nhân:

  • Đảm bảo người bệnh phải được thăm khám kỹ càng trước khi gây mê, phẫu thuật để phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
  • Cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình gây mê.
  • Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể uống thuốc an thần đêm trước khi phẫu thuật để tránh lo lắng quá mức.

Bệnh nhân cần được kiểm tra sức khỏe trước khi gây mê
Bệnh nhân cần được kiểm tra sức khỏe trước khi gây mê

2.3. Các bước tiến hành trước khởi mê trong gây mê nối vị tràng

  • Bệnh nhân nằm ngửa và thở oxy 100% trước khi vào quá trình khởi mê ít nhất 3-5 phút.
  • Điều dưỡng sẽ lắp máy theo dõi và thiết lập các đường truyền.
  • Một số bệnh nhân cần thực hiện tiền mê.

Một số nhóm thuốc sẽ được sử dụng ở bước này, bao gồm:

  • Thuốc ngủ: thường là thuốc mê bốc hơi và thuốc mê tĩnh mạch.
  • Các loại thuốc giảm đau như sufentanyl, fentanyl, morphin...
  • Trong trường hợp cần thiết, một số loại thuốc giãn cơ sẽ được sử dụng như vecuronium, rocuronium, succinylcholin...
  • Kiểm tra điều kiện để đặt ống nội khí quản: bệnh nhân phải ngủ sâu và độ giãn cơ đủ tiêu chuẩn.
  • Đặt ống nội khí quản: có 2 loại kỹ thuật là kỹ thuật đặt nội khí quản đường miệng hoặc đặt nội khí quản đường mũi.

Đặt ống nội khí quản khi bệnh nhân đã ngủ sâu
Đặt ống nội khí quản khi bệnh nhân đã ngủ sâu

3. Một số tai biến sau khi gây mê nối vị tràng

Đôi khi, kỹ thuật này có thể gây ra một số biến chứng cho bệnh nhân do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Có dịch tiêu hóa tràn vào khoang miệng và đường thở. Các bác sĩ cần phải ngay lập tức hút sạch dịch, đặt đầu nằm thấp và nghiêng đầu sang một bên. Ngoài ra, cần phải theo dõi để phòng tránh tình trạng nhiễm trùng phổi sau mổ.
  • Rối loạn huyết động: Tăng hoặc hạ huyết áp bất thường, rối loạn nhịp tim.
  • Gặp tai biến do đặt nội khí quản: xảy ra do một số vấn đề như: không đặt được ống nội khí quản, đặt nhầm ống vào dạ dày, co thắt thanh – khí – phế quản, có chấn thương khi đặt ống... mỗi vấn đề sẽ có những phương thức xử lý khác nhau.
  • Biến chứng về hô hấp: bệnh nhân cần phải được thông khí ngay lập tức và cung cấp oxy 100%, sau đó khắc phục nguyên nhân sau.

Ngoài ra, một số biến chứng sau khi rút ống nội khí quản như suy hô hấp, đau họng – khàn tiếng, viêm đường hô hấp trên, hẹp thanh – khí quản... cũng có thể xảy ra.

Phẫu thuật nối vị tràng là một ca phẫu thuật khó cần kết hợp với gây mê và cần được thực hiện bởi các Y bác sĩ có chuyên môn và cơ sở vật chất hiện đại để hạn chế tối đa biến chứng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang là địa chỉ thăm khám và điều trị đáng tin cậy của nhiều bệnh lý liên quan đến ống tiêu hóa, tụy lách, gan mật, hậu môn và trực tràng... bằng phương pháp phẫu thuật điều trị. Đặc biệt với sự trau dồi liên tục về chuyên môn và cập nhật thường xuyên các phương pháp điều trị ngoại khoa mới nhất thì Vinmec luôn chú trọng áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong trị liệu như phẫu thuật nội soi, gây mê nội khí quản,... để đảm bảo đem lại hiệu quả điều trị cao nhất, giảm thiểu nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe