Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phẫu thuật nối vòi tử cung là phương pháp phẫu thuật nhằm khôi phục lại vòi tử cung sau các thủ thuật như triệt sản hoặc bệnh lý viêm dính vòi tử cung với mục tiêu cuối cùng là làm tăng cơ hội làm mẹ của người bệnh. Phương pháp vô cảm thường được sử dụng trong phẫu thuật nối vòi tử cung là gây mê nội khí quản với nhiều điểm cần lưu ý.
1. Gây mê nội khí quản là gì?
Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt nội khí quản với mục đích kiểm soát hô hấp của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật nối vòi tử cung và hồi sức sau phẫu thuật.
2. Chỉ định gây mê nội khí quản trong phẫu thuật nối vòi tử cung khi nào?
Phương pháp vô cảm gây mê nội khí quản sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phẫu thuật nội soi vòi tử cung sau triệt sản;
- Việc kiểm soát đường hô hấp cho bệnh nhân bằng mặt nạ gặp khó khăn;
- Định hướng duy trì mê bằng thuốc mê đường hô hấp.
Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý các chống chỉ định tương đối của gây mê nội khí quản như sau:
- Chưa có sự đồng ý của bệnh nhân;
- Cơ sở y tế không có đủ phương tiện gây mê, hồi sức;
- Kỹ thuật viên không thành thạo kỹ thuật vô cảm này.
3. Những tai biến có thể gặp trong gây mê nội khí quản và xử trí tương ứng
Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: phát hiện khi có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở, bệnh nhân cần được xử trí:
- Hút sạch dịch, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang bên;
- Đặt nhanh ống nội khí quản và hút sạch dịch trong đường thở;
- Theo dõi và đề phòng biến chứng nhiễm trùng phổi sau mổ.
Rối loạn huyết động: biểu hiện bằng hạ hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim cần xử trí tùy theo triệu chứng và nguyên nhân
3.1 Tai biến do đặt nội khí quản
- Không đặt được ống nội khí quản: xử trí như quy trình đặt nội khí quản khó hoặc cân nhắc chuyển sang phương pháp vô cảm khác;
- Đặt nhầm nội khí quản vào dạ dày: nghe phổi không có rì rào phế nang, không đo được EtCO2. Cần đặt lại ống nội khí quản cho bệnh nhân;
- Co thắt thanh - khí - phế quản: khó hoặc không thể thông khí, nghe phổi có ran rít hoặc phổi câm. Cần cung cấp oxy đầy đủ, thêm thuốc ngủ và giãn cơ cho bệnh nhân nhằm đảm bảo thông khí và cho các thuốc giãn phế quản, corticoid. Nếu không kiểm soát được hô hấp cần áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó;
- Chấn thương khi đặt ống: chảy máu, gãy răng, tổn thương dây thanh âm, rơi dị vật vào đường thở,... cần xử trí tùy thuộc vào tổn thương.
3.2 Biến chứng về hô hấp
- Ống nội khí quản gập, tụt hoặc bị đẩy sâu vào phổi, tụt hoặc hở hệ thống hô hấp, hết nguồn oxy,...
- xử trí nhằm đảm bảo ngay thông khí và cung cấp oxy 100% cùng với tìm, giải quyết nguyên nhân.
3.3 Biến chứng sau rút ống nội khí quản
Bệnh nhân có thể gặp đau họng, khàn tiếng, co thắt thanh - khí - phế quản, viêm đường hô hấp trên, hẹp thanh - khí quản,... xử trí theo nguyên nhân và triệu chứng cụ thể.
Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec là địa chỉ điều trị vô sinh - hiếm muộn được nhiều cặp vợ chồng chọn lựa. Cho đến nay Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...
Trung tâm quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa trong nước và quốc tế, được đào tạo tại những trung tâm hàng đầu trên thế giới như tại Mỹ, Singapore, Nhật, Úc và các trung tâm Hỗ trợ sinh sản nổi tiếng trên thế giới.
Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.