Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bình - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Gây mê mặt thanh quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt mặt nạ thanh quản với mục đích kiểm soát hô hấp, mất cảm giác đau đớn trong suốt cuộc phẫu thuật. Gây mê mặt nạ thanh quản thích hợp được chỉ định trong phẫu thuật nhãn khoa, trong đó có phẫu thuật giảm áp hốc mắt rất an toàn và hiệu quả.
1. Tổng quan
Phẫu thuật giảm áp hốc mắt là phẫu thuật phá thành hốc mắt, mở lỗ thị giác nhằm mục đích lấy bớt đi các tổ chức phần mềm chứa đựng trong hốc mắt hoặc cắt các thành xương trong hốc mắt để tăng thể tích hốc mắt nhằm giải phóng chèn ép thị thần kinh, giảm độ lồi mắt và các biểu hiện khác ở mắt do chèn ép mạch máu gây ra, phòng các biến chứng cho mắt không ảnh hưởng đến thị lực.
Trong quá trình gây mê phẫu thuật việc đảm bảo thông khí tốt là vấn đề quan trọng nhất. Gây mê nội khí quản là phương pháp kiểm soát hô hấp hữu hiệu và chắc chắn. Tuy nhiên việc đặt nội khí quản cũng làm cho mạch nhanh, huyết áp tăng, đau họng, nuốt đau, khàn tiếng. Do vậy việc sử dụng phương pháp gây mê mặt nạ thanh quản phẫu thuật tránh được các tai biến kể trên đặc biệt được áp dụng phổ biến trong các bệnh lý nhãn khoa.
Gây mê mặt nạ thanh quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt mask thanh quản với mục đích kiểm soát hô hấp, giảm đau cho bệnh nhân trong suốt cuộc phẫu thuật. Gây mê đặt mask thanh quản là một kỹ thuật dễ thực hiện, không đòi hỏi người nhiều kinh nghiệm, ít kích thích khi rút ống rất phù hợp với các phẫu thuật nhãn khoa.
Lưu ý trong gây mê mặt nạ thanh quản:
- Kiểm soát hô hấp;
- Kiểm soát phản xạ nhãn cầu- tim;
- Kiểm soát khí nội nhãn;
- Lưu ý tác dụng không mong muốn của các thuốc gây mê.
2. Chỉ định, chống chỉ định của gây mê mặt nạ thanh quản
Chỉ định
- Người bệnh có tăng áp hốc mắt;
- Kiểm soát đường hô hấp bằng mặt nạ khó khăn;
- Duy trì mê bằng thuốc mê đường hô hấp hoặc thuốc mê tĩnh mạch, để tự thở hoặc hô hấp điều khiển.
Chống chỉ định
- Không đủ phương tiện hồi sức.
- Không thành thạo kỹ thuật.
3. Quy trình thực hiện gây mê mặt nạ thanh quản phẫu thuật giảm áp hốc mắt
3.1 Chuẩn bị
Mask thanh quản các cỡ tùy độ tuổi, dụng cụ đặt nội khí quản đề phòng đặt mask thanh quản thất bại, rắc co phù hợp với mask thanh quản, ống thông hút phế quản và ống hút miệng, mặt nạ các cỡ khác nhau, máy hút, máy thở, ...
3.2 Các bước tiến hành
Bước 1: Tiền mê. Đặt bệnh nhân nằm ngửa sau đó tiến hành tiền mê. Lưu ý cần phòng phản xạ mắt tim bằng thuốc.
Bước 2: Khởi mê. Các bước như sau:
- Cho bệnh nhân thở oxy 100% bằng úp mask;
- Đa số bắt đầu bằng fentanyl. Khởi mê bằng các thuốc gây ngủ (Propofol, thuốc mê bốc hơi) và các thuốc giãn cơ nếu cần thiết;
- Liều lượng các thuốc sử dụng theo liều thuốc mê đường tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi úp đến khi cằm trễ, nhãn cầu đứng chính giữa là có thể đặt được mask.
Bước 3: Đặt mask thanh quản.
Đặt mask thanh quản theo kỹ thuật ngón tay trỏ cầm mask như cầm bút đầu ngón trỏ đặt vào điểm nối giữa mask và ống, đẩy mask trượt dọc theo thành trên vòm miệng hướng tới thành sau họng. Đẩy trượt dễ dàng đến khi gặp lực cản là tới tiền đình thanh quản đưa mask vào đúng vị trí, mask thanh quản nằm úp lên trên tiền đình thanh quản.
Bước 4: Cố định mask.
Khi mask vào vị trí tiến hành bơm cuff. Kiểm tra mask đã vào đúng vị trí không bằng cách nghe vùng cổ bệnh nhân xem thông khí tốt không. Cố định ống bằng băng dính.
Bước 5: Duy trì mê trong quá trình phẫu thuật bằng thuốc mê bốc hơi hoặc bằng máy hoặc bóp tay. Lưu ý theo dõi các thông số khi duy trì mê: mạch, huyết áp, SpO2,...
Bước 6: Trước khi kết thúc cuộc phẫu thuật, giảm liều thuốc mê tĩnh mạch đường bơm tiêm điện, giảm liều thuốc mê bốc hơi.
4. Tai biến do gây mê mặt nạ thanh quản
- Thất bại không đặt được mask thường do mê chưa đủ sâu;
- Đặt không đúng vị trí nghe có thể phát hiện có tiếng rít thanh quản;
- Chấn thương khi đặt mask do động tác quá thô bạo;
- Tăng mạch, tăng huyết áp trong giai đoạn đặt mask thanh quản;
- Co thắt thanh khí phế quản;
- Gập ống mask thanh quản, tụt mask, mask bị lệch vị trí;
- Lưu ý các tai biến do thuốc giãn cơ, morphin.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.
Bác sĩ Nguyễn Bình đã có hơn 20 năm kinh trong lĩnh vực gây mê- hồi sức trong phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức bệnh nhân cao tuổi... Hiện là Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.