Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Bác sĩ gây mê hồi sức, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Gây mê cho bệnh nhân có dạ dày đầy, nguy cơ đáng sợ nhất là người bệnh hít dịch dạ dày trào ngược qua thực quản vào đường thở gây viêm phổi, bệnh cảnh này được gọi là viêm phổi hít (là viêm phổi do hít thức ăn, dịch acid của dạ dày).
1. Những trường hợp sau đây coi như bệnh nhân có dạ dày đầy
Bệnh nhân vừa mới ăn hoặc uống xong
- Bệnh nhân bị tắc ruột
- Bệnh nhân hẹp môn vị
- Người bệnh thoát vị cơ hoành
- Bệnh nhân bị liệt ruột sau mổ
- Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối
- Bệnh nhân bị đa chấn thương
- Người mắc bệnh tiểu đường hoặc béo phì
- Sử dụng thuốc Morphin tổng hợp
- Viêm phúc mạc
- Sốc vì nhiều nguyên nhân
- Tâm trạng lo lắng
2. Các giai đoạn có nguy cơ viêm phổi hít
Giai đoạn dẫn mê: Thời gian sau khi bệnh nhân mất ý thức đến trước khi bệnh nhân được đặt nội khí quản, bơm bóng (cuff) ống nội khí quản. Giai đoạn này nếu chúng ta bóp bóng thông khí qua mask sẽ làm tăng áp lực trong dạ dày, rất dễ gây trào ngược, dịch dạ dày sẽ vào đường hô hấp của người bệnh gây viêm phổi hít.
Giai đoạn rút ống nội khí quản: giai đoạn chúng ta xả bóng ống nội khí quản để rút ống nội khí quản, nếu bệnh nhân chưa tỉnh hoàn toàn (bệnh nhân có phản xạ tỉnh, cử động, co gồng gây áp lực trong ổ bụng và trong dạ dày tăng, sẽ gây trào ngược, dịch dạ dày sẽ vào đường hô hấp gây viêm phổi hít).
Giai đoạn ở phòng hồi tỉnh: bệnh nhân có thể bị tái mê hoặc tái giãn cơ, các cơ tâm vị mở, thức ăn trào ngược vào đường hô hấp, gây viêm phổi hít.
3. Các biện pháp dự phòng viêm phổi hít
3.1. Thuốc đối kháng các thụ cảm thể H2
+ Cimetidine 200 mg hay Ranitidine 300 mg tiêm tĩnh mạch thời gian bắt đầu tác dụng 45-60 phút; kéo dài 10 giờ.
3.2. Thuốc trung hòa Acide dạ dày (Antacid)
+ Có thể kết hợp cimetidine 400 mg và thuốc kháng acide; thời gian bắt đầu tác dụng nhanh hơn.
4. Các bước tiến hành gây mê bệnh nhân có dạ dày đầy
4.1. Bước 1: Chuẩn bị
- Đánh giá toàn trạng bệnh nhân và tiên lượng đặt nội khí quản khó không
- Đảm bảo đường truyền tĩnh mạch thật tốt
- Bệnh nhân nằm tư thế đầu cao Trendelenbourg
- Đặt sonde dạ dày và hút dịch dạ dày thật sạch
- Kiểm tra máy hút hoạt động tốt và sẵn sàng bên cạnh bệnh nhân
- Thở oxy 100% qua mask 8-10L/p tối thiểu 3 phút trước khởi mê (hoặc 4 nhịp hít thở sâu trong trường hợp tối khẩn cấp)
4.2. Bước 2: Khởi mê
- Propofol: 2-3mg/kg, tiêm tĩnh mạch
- Etomidate: 0.2-0.5mg/kg, tiêm tĩnh mạch
- Ketamin: 2-3mg/kg tiêm tĩnh mạch
- Thủ thuật Sellick: Dùng ngón cái và ngón trỏ đè lên sụn nhẫn với một áp lực khoảng 30 CmH2O, ngay khi bệnh nhân mất tri giác và ấn liên tục đến khi đặt được nội khí quản, bơm cuff. Đặc biệt trong thời gian này không được bóp bóng giúp thở.
- Succcinylcholine: 1 mg/kg 30-60 giây khi run cơ đến chân, tiến hành đặt nội khí quản (là thuốc giãn cơ thích hợp nhất). Hoặc Rocuronium: 1mg/kg chờ 60-90 giây tiến hành đặt ống NKQ (dùng cho bệnh nhân chống chỉ định với Succcinylcholine)
- Trường hợp đặt nội khí quản khó: Có thể đặt nội khí quản với ống nội soi mềm, phải chuẩn bị máy nội soi trước (xem bài đặt nội khí quản khó).
- Nghe phổi thông khí rõ đều hai bên
- Cố định ống nội khí quản
- Nối ống nội khí quản với hệ thống máy gây mê
4.3. Bước 3: Duy trì mê
Giống như gây mê cho các loại phẫu thuật khác.
4.4. Bước 4: Hồi tỉnh
- Hút sạch chất tiết trong nội khí quản.
- Hút dịch dạ dày một lần nữa và lưu sonde dạ dày.
- Cho bệnh nhân thở oxy qua nội khí quản.
- Rút nội khí quản khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có phản xạ đường thở, thuốc giãn cơ hết tác dụng và đạt tiêu chuẩn rút nội khí quản.
- 2 giờ sau khi rút nội khí quản có thể chuyển bệnh nhân về khoa nếu bệnh nhân không có dấu hiệu suy hô hấp.
4.5. Một số điều cần lưu ý
- Nên rút nội khí quản khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
- Hút dạ dày trước, trong và sau mổ, đảm bảo làm trống dạ dày sau mổ.
- Sử dụng thuốc kháng tiết dịch vị và antacid trước mổ là cần thiết.
- 2 giờ sau khi rút nội khí quản, bệnh nhân có thể được chuyển khoa nếu:
+ Dấu hiệu sinh tồn ổn
+ Có phản xạ nuốt
+ Có phản xạ ho tự khạc đàm
+ Nâng đầu lên và giữ được 5 giây
+ Không có biểu hiện khó thở
+ SpO2 > 94% với khí trời
+ Không có dấu hiệu bất thường trên Xquang phổi
4.6. Các tiêu chuẩn về hô hấp
- Nghe phổi không có tiếng bất thường.
- Tần số hô hấp 12 - 20 lần/ phút.
- Thông khí phút (Vm) > 100 ml/kg.
- PaCO2 > 60 mmHg (với FiO2= 0,4).
- pH từ 7,35-7,45.
- Dung tích sống 10 - 15 ml/kg.
- Áp lực hô hấp > 25 cmH2O.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.