Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý phổ biến, được chia thành ba mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai. Vậy gan nhiễm mỡ khi mang thai có nguy hiểm không?
1. Đặc điểm của phụ nữ mang thai dễ mắc gan nhiễm mỡ?
Những người lần đầu mang thai, mang đa thai hoặc thai phụ có chỉ số BMI dưới 20 là những đối tượng dễ bị gan nhiễm mỡ trong thai kỳ nhất. Gan nhiễm mỡ khi mang thai thường xảy ra khoảng từ tuần 32 - 38 của thai kỳ.
2. Gan nhiễm mỡ khi mang thai có nguy hiểm không?
Bệnh gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ và vừa thường có chức năng gan bình thường, không có triệu chứng điển hình và không xảy ra biến chứng. Khi đó, phụ nữ mắc gan nhiễm mỡ khi mang thai sẽ rất ít bị ảnh hưởng đến thai kỳ.
Tuy nhiên, sản phụ sau sinh cần phải điều tiết những thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực, chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện ra các bất thường và có biện pháp xử lý, đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.
Với trường hợp gan nhiễm mỡ mức độ nặng hay gan nhiễm mỡ cấp tính lại là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe. Bệnh thường xuất hiện ở những bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ, hậu quả xấu nhất có thể dẫn đến tử vong.
3. Gan nhiễm mỡ cấp ở thai kỳ
Gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai là bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính ở bà bầu là 1/7000 - 11000 trường hợp. Bệnh thường xảy ra ở thai phụ sinh con lần đầu, phụ nữ mang đa thai, sản phụ có chỉ số BMI dưới 20 và đặc biệt hay gặp nhất là ở người mang thai trẻ tuổi.
Tỷ lệ tử vong của gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai khá cao, tử vong ở mẹ chiếm khoảng 18% do nhiều biến chứng xảy ra và tỉ lệ tử vong ở thai vào khoảng 47%. Bệnh còn được gọi là chứng teo gan vàng cấp tính trong sản khoa.
Nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ hiện vẫn chưa rõ. Người mẹ đã từng có một hoặc nhiều lần bị bệnh này sẽ gây ra sự thiếu hụt men xúc tác trong quá trình oxy hóa ti lạp thể của acid béo ở trẻ, khiến trẻ bị hạ đường huyết, hôn mê, nồng độ men gan bất thường hoặc đột tử ở trẻ không tìm ra nguyên nhân.
XEM THÊM: Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì?
4. Biểu hiện gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai
Thai phụ mới mắc bệnh gan nhiễm mỡ thường có các triệu chứng như: mệt mỏi, buồn nôn/nôn, đau đầu, đau vùng thượng vị, chán ăn. Các triệu chứng có thể tiến triển đến vàng da, bụng báng thoáng qua và có thể có biểu hiện suy gan. Thai phụ uống nhiều nước (2 - 3 lít nước) là một triệu chứng sớm của bệnh đái tháo nhạt thoáng qua, trường hợp nặng sẽ có biểu hiện tiền sản giật.
Bệnh có thể diễn biến riêng lẻ hoặc đi kèm tiền sản giật, sản giật. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì 90% bà bầu và 60% thai nhi sẽ được cứu sống.
5. Biến chứng gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai
Biến chứng của gan nhiễm mỡ cấp ở thai phụ có thể xảy ra:
- Suy gan;
- Bệnh não gan;
- Rối loạn đông máu;
- Hạ đường huyết;
- Nhiễm trùng;
- Suy thận nhẹ;
- Xuất huyết nội;
- Xuất huyết tiêu hóa;
- Viêm tụy;
- Băng huyết;
- Thai chết lưu;
- Tử vong mẹ.
XEM THÊM: Điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu: Thay đổi lối sống, chế độ ăn
6. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai
Gan nhiễm mỡ cấp tính thường khó phát hiện khi thăm khám gan do bệnh thường xảy ra vào giai đoạn thai đã lớn, vì vậy cần phải nhờ đến các xét nghiệm và các dấu hiệu để chẩn đoán như:
- Huyết áp tăng nhẹ
- Thai phụ thường xuyên khát nước
- Suy thận nhẹ hơn so với nhiễm độc thai
- Men gan tăng vừa phải (phân biệt với viêm gan do siêu vi hay độc tố)
- Chỉ số Bilirubin tăng nhẹ (phân biệt với viêm gan do siêu vi hay độc tố)
- Thực hiện siêu âm để loại trừ nguyên nhân khác như: u gan, nhồi máu gan, các bệnh lý đường mật...
7. Điều trị gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai
Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính ở thai phụ chưa có thuốc đặc trị, do đó khi mang thai sản phụ cần thường xuyên thăm khám, siêu âm thai định kỳ theo quy định.
Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp các bác sĩ phát hiện triệu chứng bệnh sớm và có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu để muộn khiến bệnh trở nặng sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
8. Thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt
- Dinh dưỡng đối với bà bầu bị gan nhiễm mỡ nói là vô cùng quan trọng. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh hoặc biến chứng, thai phụ cần tăng cường chất xơ từ rau củ quả, hạn chế mỡ động vật, bổ sung chất béo thực vật, không sử dụng chất kích... Tuy nhiên cần lưu ý là thai phụ không nên kiêng khem quá mức, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
- Mẹ bầu nên từ bỏ các thói quen sinh hoạt thất thường, thức khuya, bỏ bữa cơm, lười vận động... vì đây là những yếu tố nguy cơ gây bệnh gan nhiễm mỡ.
- Thai phụ cần đi ngủ sớm, hạn chế căng thẳng thần kinh, ăn uống đúng, thường xuyên vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu, hạn chế tích lũy mỡ thừa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.