Gai xương gót có phải là nguyên nhân gây ra viêm cân gan chân?

Bệnh viêm cân gan chân là một chứng bệnh rất phổ biến. Ở Hoa Kỳ mỗi năm có gần 2 triệu người bị bệnh viêm cân gan chân. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ hơn. Vậy gai xương gót có phải là nguyên nhân gây ra viêm cân gan chân hay không?

1.Viêm cân gan chân là gì?

Cân gan chân là một dải rộng mô liên kết rất chắc chắn chạy dọc theo lòng bàn chân, đi từ xương gót phía sau đến các ngón chân phía trước. Đây là một lá cân dày, chắc, màu trắng, gồm các sợi collagen duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Cân gan bàn chân sẽ căng duỗi ra theo mỗi bước đi, giúp chống đỡ vòm bàn chân, chịu lực nhún khi chạy nhảy, đi lại và bảo vệ gan bàn chân khỏi các chấn thương. Cân gan chân có 3 phần: phần trong, phần trung tâm và phần ngoài. Trong đó, phần trung tâm dày và rộng nhất, chạy giữa hai phần kia mỏng hơn và không lồi bằng.

Viêm cân gan chân là hiện tượng viêm xảy ra ở dải cân này và là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau vùng gót chân. Nguyên nhân là do khi chúng ta đi, đứng, chạy, nhảy mạnh gây ra một lực vượt quá sức chịu đựng của cân gan chân, dẫn đến tổn thương tổ chức này. Theo phản ứng của cơ thể, khi bị tổn thương sẽ xuất hiện phản ứng viêm, gây đau, xơ cứng vùng cân gan chân.

2.Ai dễ mắc viêm cân bàn chân?


Người béo phì dễ mắc viêm cân bàn chân hơn người không bị béo phì
Người béo phì dễ mắc viêm cân bàn chân hơn người không bị béo phì

  • Những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu
  • Người có thói quen ngồi chồm hổm
  • Người đi chân đất, đi dép đế quá cứng
  • Người thường xuyên mang giày và miếng lót giày không thích hợp
  • Người béo phì hay quá cân
  • Người tập thể dục quá mức, các vận động viên
  • Dị tật bàn chân: vòm gan bàn chân quá cao, có hiện tượng co rút cơ cẳng chân...

3.Triệu chứng của bệnh viêm cân gan chân

Triệu chứng đặc biệt của bệnh lý này là có một vùng bị đau nhói, nằm ở mặt dưới xương gót, nơi cân gan chân bám vào xương gót, làm cho người bệnh gặp khó khăn khi đi lại bằng chân trần trên nền cứng.

Bệnh có đặc điểm là đau nhiều về sáng sớm và có xu hướng giảm nhẹ trong ngày. Nguyên nhân gây đau nhiều về sáng khi ngủ dậy được giải thích là do bàn chân suốt đêm luôn ở tư thế gấp về phía gan chân, khiến cân gan chân ngắn lại.

Trong những bước đi đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng, cân sẽ căng duỗi ra đột ngột gây đau. Khi cân bắt đầu bớt căng duỗi thì mức độ đau cũng sẽ giảm dầu, tuy nhiên cơn đau có thể quay trở lại sau khi chúng ta vận động, đi lại nhiều và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Khi bác sĩ thăm khám ấn vào mặt dưới gót phía trong thì bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau.

4.Gai xương gót có phải là nguyên nhân gây ra viêm cân gan chân?


Gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân
Gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân thường xuyên trong thời gian dài và chấn thương lặp đi lặp lại tại nơi cân bám vào xương gót sẽ tạo ra gai xương gót. Đây là một mẩu xương nhọn thường mọc ra từ phía dưới xương gót.

Khoảng 70% số người viêm cân gan chân bị gai xương gót (chụp X Quang thường thấy có hình ảnh của gai xương gót). Tuy nhiên theo kết quả chụp X-quang khác lại cho thấy, 50% số người bị gai xương gót không hề có triệu chứng đau của viêm cân gan chân.

Như vậy, gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân mà chỉ là hậu quả của quá trình viêm kéo dài dẫn đến vôi hóa. Gai xương gót có khi gặp ở mặt sau của xương gót, thường đi kèm với chứng viêm gân gót.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ trở thành mãn tính, kéo dài dai dẳng nhiều tháng năm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

5.Điều trị viêm cân gan chân

Các phương pháp điều trị viêm cân gan chân cơ bản (hơn 90% trường hợp viêm cân gan chân sẽ được cải thiện triệu chứng) bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đi đứng, luôn đi giày khi xuống giường ngay cả khi chỉ đi vào nhà vệ sinh, không đi chân trần, không đi giày cao quá 3 phân.
  • Chườm đá tại chỗ đau từ 15 – 20 phút, 3-4 lần/ngày để giảm đau
  • Dùng thuốc giảm đau chống viêm dạng uống hoặc tiêm cortisone tại chỗ
  • Mang nẹp chỉnh hình: Giữ cho cân căng duỗi suốt đêm bằng cách mang nẹp khi ngủ giúp giảm nhẹ hay loại trừ hoàn toàn tình trạng đi lại đau đớn ban ngày.
  • Tập vật lý trị liệu: Nhiệt lạnh 4 lần/ngày, 15-20 phút/lần; siêu âm; điện di ion; điện phân; kích thích điện, sóng xung kích 10-20 phút/lần tùy bệnh nhân.

Tiêm cortisone để điều trị viêm cân gan chân
Tiêm cortisone để điều trị viêm cân gan chân

  • Các phương tiện chỉnh hình hay các miếng lót giày được sử dụng giúp người bệnh khi đi không đè ép lên các gai ở mặt dưới xương gót.
  • Tập chạy với mang giày có đệm mềm ở đế cũng có ích, làm giảm kích thích các mô viêm ở cân gan chân.
  • Tập căng duỗi và xoa bóp gan chân lúc sáng sớm ngủ dậy trước khi bước chân xuống giường.
  • Những người thừa cân, béo phì cần thực hiện giảm cân để giảm áp lực lên bàn chân. Chọn các môn thể thao ít gây áp lực lên bàn chân như: bơi lội, đạp xe thay vì đi bộ hoặc chạy bộ.
  • Các bài tập nhằm kéo duỗi và tăng cường sức mạnh cho cân và dây chằng, tăng sức chống đỡ cho vòm bàn chân và giảm lực tải cho cân và dây chằng. Có 2 chương trình tập
    • Bài tập căng duỗi cân gan chân: Người bệnh ngồi, gác chân đau lên chân còn lại, các ngón tay ôm ngang qua nền các ngón chân, đồng thời kéo các ngón chân về phía cẳng chân đến khi người bệnh cảm thấy căng ở vòm hay căng ở cân gan chân, có thể cảm nhận được sức căng bằng cách sờ nắn thấy căng ở cân gan chân.
    • Bài tập căng duỗi gân gót: Người bệnh đặt miếng lót giày xuống dưới bàn chân đau, để chân đau ra phía sau chân lành, hướng các ngón bàn chân đau về phía gót của bàn chân trước, hai tay vịn vào tường, hạ thấp đầu gối trước, giữ thẳng đầu gối sau và gót dán chặt lên nền nhà.

Khoảng 10% người bệnh có chỉ định phẫu thuật khi mà các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả và khi bệnh đã kéo dài ít nhất trên 6 tháng. Do gai xương gót không phải là nguyên nhân gây bệnh nên thường không có chỉ định mổ lấy bỏ gai này.

Phương pháp phẫu thuật phổ biến, thường được ưu tiên lựa chọn là cắt một bên cân gan chân, giúp loại trừ sức căng và viêm của cân gan chân. Đây là phẫu thuật tương đối đơn giản và ít biến chứng, có thể mổ mở hoặc mổ nội soi. Hiện nay, phẫu thuật nội soi điều trị viêm cân gan chân được lựa chọn số phổ biến, mang lại kết quả giảm đau tốt, ít xâm lấn, hạn chế tối đa biến chứng.

6.Phòng ngừa viêm cân gan chân

Để phòng bệnh viêm cân gan chân bạn cần thay đổi các thói quen để phòng bệnh như sau:

  • Không nên: đi chân đất, đứng lâu, ngồi chồm hổm, đi bộ đường xa.
  • Nên: đi giày dép đế mềm, phẳng, giảm cân nặng ở người thừa cân hoặc béo phì, thường xuyên tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của cân gan chân.

Chúng ta có thể thấy gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân mà chỉ là hậu quả của quá trình viêm kéo dài dẫn đến vôi hóa. Khi phát hiện các bệnh lý cơ xương khớp, người bệnh nên đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa xương khớp để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe