Đứt bán phần dây chằng chéo trước là gì và cách xử lý

Đứt bán phần dây chằng chéo trước là một tình trạng rất dễ gặp với những người chơi các môn thể thao tốc độ cao và có nhiều sự va chạm, tranh chấp với nhau. Nếu nghiêm trọng có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để xử lý.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Hoàng Xuân Hùng, chuyên ngành Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Nha Trang.

1. Đứt dây chằng chéo - Nỗi khổ của các vận động viên

Khớp gối của con người có được sự ổn định là nhờ vào dây chằng chéo trước và sau. Chúng tạo thành hình chữ X tại khớp gối, giữ vai trò kiểm soát chuyển động của khớp hướng trước sau và góp phần vào độ vững của khớp gối. Khi có một chuyển động hoặc va chạm đột ngột, phần dây chằng chéo này rất dễ bị tổn thương, đứt gãy.

Chấn thương dây chằng chéo vốn không quá xa lạ với những vận động viên thể thao, đặc biệt là các bộ môn có mức độ va chạm, cạnh tranh gay gắt như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục,...


Đứt dây chằng chéo trước rất hay gặp với các vận động viên thể thao.
Đứt dây chằng chéo trước rất hay gặp với các vận động viên thể thao.

Trong đó, đứt bán phần dây chằng chéo trước là một tình trạng rất hay gặp phải, xảy ra khi dây chằng chéo phía trước bị kéo căng dẫn tới rách một phần hoặc hoàn toàn. Lý do thường là vì trong thi đấu, các cầu thủ hay có những pha đổi hướng bất ngờ, dừng đột ngột hoặc va chạm tác động mạnh trực tiếp vào đầu gối.

Việc đứt dây chằng chéo không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể khiến cho người bị thương không còn cơ hội quay trở lại thi đấu. Do đó, cần phải có những biện pháp điều trị sớm, thậm chí là phải tiến hành phẫu thuật trong một số trường hợp nhất định.

2. Những dấu hiệu nhận biết đứt bán phần dây chằng chéo trước

Một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của tình trạng đứt dây chằng chéo, dù là một phần hay toàn bộ, là người bị thương sẽ cảm thấy cơn đau tột độ ở phần đầu gối. Đi kèm với đó còn là những triệu chứng phổ biến như:

  • Khụy gối khi đổi hướng đột ngột hoặc chơi thể thao.
  • Nơi bị chấn thương sưng đau nhanh chóng.
  • Xuất hiện vết bầm tím xung quanh vùng bị thương.
  • Đi lại khó khăn, chức năng nâng đỡ đỡ trọng lượng cơ thể bị hạn chế.
  • Khớp gối có cảm giác lỏng lẻo.
  • Teo cơ đùi.
  • Tràn dịch, tràn máu khớp gối.

Hầu hết các trường hợp bị đứt một phần dây chằng chéo trước đều có thể phục hồi hoàn toàn, với thời gian phục hồi tùy vào tình trạng chấn thương. Tuy vậy nếu điều trị muộn hoặc quá trình điều trị không thuận lợi, có thể dẫn tới một số biến chứng như:

  • Viêm khớp gối hoặc thoái hóa khớp.
  • Khớp gối mất ổn định, giảm khả năng vận động.
  • Bị đau đầu gối mạn tính.
  • Teo cơ vùng đùi

3. Những rủi ro có thể gặp khi bị đứt một phần dây chằng chéo trước

Đã có những nghiên cứu chỉ ra, có đến 50% trường hợp đứt một phần dây chằng chéo trước có nhiều khả năng dẫn tới đứt hoàn toàn. Đây là nguyên nhân gây nên tổn thương sụn chêm và sụn khớp thứ phát. Ngoài ra, một nỗi lo thường trực của những người bị đứt dây chằng chéo là cơ hội để quay trở lại thi đấu như bình thường.

Theo một nghiên cứu vào năm 1997, chỉ có khoảng 30% người bị đứt một phần dây chằng chéo trước là có thể tiếp tục thi đấu trở lại sau 5 năm điều trị. Tuy vậy, đến năm 1989, một nghiên cứu khác cho thấy có khoảng 44% bệnh nhân có thể quay lại thi đấu sau khoảng 18 tháng.


Một số trường hợp đứt bán phần dây chằng chéo trước cũng có thể tiếp tục thi đấu sau khi điều trị.
Một số trường hợp đứt bán phần dây chằng chéo trước cũng có thể tiếp tục thi đấu sau khi điều trị.

4. Điều trị tình trạng đứt một phần dây chằng chéo trước như thế nào?

Việc điều trị đứt bán phần dây chằng chéo trước sẽ tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Đối với những trường hợp chấn thương nhẹ hoặc không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, người bị thương có thể được tham gia vào một số môn thể thao nhẹ để duy trì sự dẻo dai của đầu gối. Tuy nhiên, những trường hợp chấn thương nghiêm trọng hơn sẽ cần đến phẫu thuật nối dây chằng.

Thông thường, người bị thương khi cần phải phẫu thuật sẽ được khuyến khích thực hiện ca mổ trong khoảng thời gian 21 ngày đến 2 tháng kể từ khi bị đứt một phần dây chằng chéo trước. Việc chẩn đoán lâm sàng tình trạng đứt một phần dây chằng chéo trước đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn cao và quan sát hình ảnh từ phim cộng hưởng từ.

Việc phẫu thuật cũng phải được thực hiện bởi những bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao để xác định chính xác bó dây chằng trước bị tổn thương, bảo tồn được bó cơ nguyên vẹn và tái tạo vị trí bó tổn thương sao cho đúng. Sau khi phẫu thuật, cần có một chế độ tập luyện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để đẩy nhanh quá trình hồi phục.


Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.

5. Làm sao để phòng ngừa nguy cơ đứt dây chằng chéo?

Vì chấn thương đứt bán phần dây chằng chéo trước đa số liên quan đến các chuyển động đột ngột trong thi đấu thể thao hoặc sinh hoạt hàng ngày, việc phòng ngừa thường được khuyến khích như sau:

  • Hạn chế các động tác nhảy cao.
  • Không dừng đột ngột khi đang chạy nhanh hoặc bất ngờ đổi hướng.
  • Tiếp đất đúng tư thế (gập đầu gối ngay khi tiếp đất).
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện để tăng độ dẻo dai và linh hoạt cho khớp gối.
  • Tập thể dục mỗi ngày.
  • Tránh tác động lực trực tiếp vào đầu gối.
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Chấn thương trong thi đấu thể thao là điều không ai mong muốn, nhưng bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt là những chấn thương liên quan đến chân với đầu gối. Do đó điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường thể lực và rèn luyện cơ bắp chắc khỏe để hạn chế tối đa nguy cơ bị những tình trạng như đứt dây chằng chéo. Bên cạnh đó cũng nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định để biết cách xử lý khi bị thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe