Đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy,... sự “ghé thăm” của các triệu chứng này xảy ra do trẻ bị đường ruột yếu khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Đường ruột yếu ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng ở trẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân tác động lớn nhất đến chứng biếng ăn cũng như làm trẻ chậm lớn. Vậy làm sao để có thể khắc phục cũng như bảo vệ đường ruột của trẻ một cách tốt nhất?
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Phạm Lan Hương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Các dấu hiệu cho thấy đường ruột trẻ bị yếu
Bố mẹ hoàn toàn có thể nhận biết đường ruột ở trẻ không khỏe mạnh khi trẻ có các dấu hiệu:
- Trẻ bị tiêu chảy: đi ngoài ra nước trên 3 lần một ngày. Khi tiêu chảy nhiều hay kéo dài trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải,..
- Táo bón xảy ra khi trẻ đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần hoặc đi đại tiện khó khăn, phân khô, cứng, đau khi đi tiêu và đôi khi xuất hiện máu.
- Trẻ bị nôn trớ nhiều lần.
- Biếng ăn, bỏ bữa cũng do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả gây nên, làm trẻ mất cảm giác ngon miệng.
- Triệu chứng khác như: đi ngoài phân sống, trẻ bị đầy bụng khó tiêu, chướng bụng, ợ hơi liên tục,...
2. Nguyên nhân dẫn đến đường ruột của trẻ bị yếu
Một vài nguyên nhân dẫn đến đường ruột của trẻ bị yếu có thể kể đến như:
- Hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, sức đề kháng ở trẻ còn non nớt
- Trẻ bị viêm đường ruột do sử dụng kháng sinh lâu dài dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột
- Chế độ dinh dưỡng không đa dạng, không hợp lý gây thiếu các vi chất quan trọng theo khuyến nghị của từng độ tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ dễ bị mắc bệnh lý về đường tiêu hóa.
- Trẻ ăn dặm sớm nhưng hệ tiêu hoá của trẻ chưa thể hấp thu các loại thức ăn rắn ngoài sữa.
- Vệ sinh kém, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rửa sạch tay cho trẻ. Trẻ bị nhiễm bẩn từ đồ chơi, quần áo...
Khi xảy ra các vấn đề liên quan đến đường ruột yếu, hay hệ tiêu hoá ở trẻ bị rối loạn, lời khuyên dành cho bố mẹ là:
- Nếu trẻ đang trong giai đoạn ăn dặm, nên cho bé ăn theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, làm quen dần với từng loại thực phẩm, tăng cường chất xơ từ các loại rau củ quả.
- Bổ sung thêm nước và chất điện giải cho trẻ nếu bị tiêu chảy nhiều.
- Kết hợp massage bụng, vận động cũng là cách xử lý khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Bên cạnh đó, bố mẹ nên bổ sung lợi khuẩn và các vi chất cần thiết cho cơ thể giúp giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa và ngăn chặn sự thiếu hụt dinh dưỡng.
Đường ruột yếu ở trẻ em có thể gây rối loạn tiêu hóa và thường liên quan đến dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm. Vì thế, cha mẹ cần chú ý để thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.