Tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối là hai rối loạn liên quan tới những hành vi bất thường và thường gặp ở trẻ. Mặc dù đây là hai rối loạn hoàn toàn khác nhau nhưng chúng lại có một số liên hệ nhất định.
Tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối đều có một số biểu hiện tương tự nhau, đôi khi là cùng một người mắc cả hai bệnh cùng lúc. Để có thể hiểu hơn về mối liên hệ về rối loạn thách thức chống đối và tăng động giảm chú ý, hãy cùng tìm hiểu thông qua định nghĩa, triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị của cả hai bệnh.
1. Thế nào là tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối?
Hành vi quá mức ở thời thơ ấu có thể xảy ra ở trẻ và điều đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là trẻ đang bị rối loạn hành vi. Đó là một sự phát triển bình thường trong một giai đoạn ngắn nào đó của trẻ.
Tuy nhiên, một số trẻ có kiểu hành vi gây rối, hành vi này xảy ra một cách không kiểm soát được và thường kéo dài trong một thời gian. Từ đó, dẫn tới việc trẻ được chẩn đoán các rối loạn hành vi. Một trong những rối loạn hành vi hay gặp nhất ở trẻ đó là rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn thách thức chống đối (ODD).
Trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) rất dễ bị phân tâm, sống vô tổ chức và chúng có thể gặp khó khăn khi phải ngồi yên, tập chung vào một việc nhất định nào đó. Bệnh tăng động giảm chú ý một rối loạn phát triển thần kinh. Điều này xảy ra chủ yếu ở trẻ nhưng đôi khi cũng thấy ở người trưởng thành.
Trẻ em bị rối loạn thách thức chống đối (ODD) thường được mô tả là trẻ hay tức giận, thách thức với những người khác hoặc ghi hận..
2. Các triệu chứng của tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối là gì?
Khi ADHD và ODD xảy ra cùng nhau, một đứa trẻ sẽ có các triệu chứng của cả hai rối loạn hành vi này và các triệu chứng của cả hai rối loạn phải xuất hiện trong ít nhất 6 tháng để có thể thực hiện được việc chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, những trẻ mắc từng chứng bệnh khác nhau thì sẽ thể hiện rõ các triệu chứng của bệnh đó hơn.
Triệu chứng tăng động giảm chú ý gồm có:
- Trẻ thường không có khả năng chú ý ở trường, ở nhà, nơi vui chơi...
- Trẻ khó tập trung hơn.
- Trẻ khó nghe và làm theo chỉ dẫn, không có tổ chức.
- Thường xuyên quên hay lấy nhầm đồ.
- Trẻ dễ dàng bị phân tâm bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài.
- Quên việc làm bài tập hoặc việc nhà hàng ngày.
- Trẻ tăng động luôn thấy bồn chồn không ngừng, nói quá nhiều, trẻ có thể thốt ra câu trả lời không phù hợp với hoàn cảnh khi ở nhà hay ở trường. Đôi khi trẻ cũng có thể bộc phát sự tức giận khi quá buồn chán hay bị cấm đoán hay đang chịu sự hình phạt của người lớn.
- Trẻ hay phá rối có thể làm gián đoạn cuộc trò chuyện của những người xung quanh.
Các triệu chứng của bệnh rối loạn thách thức chống đối:
- Trẻ rất dễ bị mất bình tĩnh hoặc dễ cảm thấy bực mình.
- Thường tức giận và bất bình với sự việc nhỏ.
- Có thể thể hiện sự thù địch đối với những nhân vật có thẩm quyền, ví dụ như ở lớp là lớp trưởng.
- Từ chối tuân thủ theo các yêu cầu
- Cố ý có hành vi làm phiền người khác.
- Đổ lỗi cho những người khác về những sai lầm của họ và nhất quyết không chịu xin lỗi họ.
Các triệu chứng của hai tình trạng này thường khác nhau, nhưng nó có thể bao gồm các kiểu hành vi dẫn đến tự làm hại bản thân. Những đứa trẻ này có thể tiếp cận với các tương tác xã hội, với sự hung hăng, tăng động và vô tổ chức hơn.
3. Nguyên nhân gây ra tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối
Nguyên nhân chính xác của cả hai tình trạng này vẫn chưa được biết. Nhưng người ta cho rằng, di truyền và những ảnh hưởng từ môi trường có thể đóng một vai trò nào đó gây ra bệnh.
- Yếu tố di truyền: một đứa trẻ có thể phát triển cả hai tình trạng này nếu tăng động giảm chú ý xuất hiện trong gia đình chúng.
- Đối với các yếu tố môi trường: Việc trẻ tiếp xúc với chì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ADHD. Một đứa trẻ cũng có thể có nguy cơ mắc rối loạn thách thức chống đối nếu có tiền sử bị người trong gia đình kỷ luật hà khắc, lạm dụng hoặc không được quan tâm ở nhà.
4. Tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối được chẩn đoán như thế nào?
Khi chẩn đoán tình trạng của hai vấn đề này, người ta vẫn chưa có xét nghiệm cận lâm sàng đặc hiệu để có thể chẩn đoán chính xác.
Việc chẩn đoán dựa vào khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các nguyên nhân cấp tính khác và đánh giá tâm lý để loại trừ các rối loạn hành vi khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc khuyết tật học tập.
Để hỗ trợ cho việc chẩn đoán, các bác sĩ có thể khai thác thêm tiền sử bệnh tật cá nhân và gia đình của trẻ, cũng như hỏi giáo viên, người giữ trẻ hoặc những người khác mà trẻ thường xuyên tiếp xúc.
Lưu ý, những đứa trẻ này không cần phải biểu hiện tất cả các triệu chứng của tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối mới được chẩn đoán cho cả hai tình trạng này. Ngoài ra, để chẩn đoán tình trạng bệnh thì còn phải đủ thời gian xuất hiện các dấu hiệu bất thường, thường là kéo dài trên 6 tháng và triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả những nơi trẻ có mặt như ở trường, ở nhà, nơi vui chơi...
Xem ngay: Tăng động giảm chú ý (ADHD) khác gì hội chứng Tourette's?
5. Những phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối
Nếu không được điều trị, cả hai tình trạng này có thể gây ra lòng tự trọng thấp và làm tăng nguy cơ trầm cảm. Điều này khiến trẻ có nguy cơ lạm dụng chất kích thích như rượu hoặc ma túy, có hành vi chống đối với xã hội và thậm chí tự tử. Ngoài ra, bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng tới công việc trong tương lai và trẻ có nguy cơ bị thất nghiệp cao.
Nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu của tăng động giảm chú ý, rối loạn thách thức chống đối hoặc cả hai. Để họ đưa ra chẩn đoán và các biện pháp điều trị phù hợp nhất với trẻ.
Điều trị tăng động giảm chú ý, bao gồm:
- Dùng thuốc điều trị ADHD: Thuốc này hoạt động bằng cách cân bằng các chất hóa học bên trong não. Những loại thuốc này thường có tác dụng nhanh, nhưng có thể cần mất thời gian để tìm ra liều lượng phù hợp cho từng trẻ, cần bắt đầu từ liều thấp và tăng dần nếu cần để tìm được liều thấp nhất có hiệu quả. Một số chất kích thích trong điều trị chứng này có thể dẫn đến tử vong liên quan đến tim ở trẻ em bị dị tật tim. Bác sĩ thường yêu cầu thực hiện điện tâm đồ trước khi kê đơn các loại thuốc này.
- Một số loại thuốc khác như tăng cường nhận thức, thuốc hạ huyết áp và thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng để điều trị tăng động giảm chú ý.
- Kết hợp với liệu pháp hành vi, liệu pháp gia đình và trẻ có thể cần đào tạo kỹ năng xã hội.
Điều trị rối loạn thách thức chống đối:
- Hiện tại không có loại thuốc nào có thể được dùng để điều trị chứng bệnh này. Trừ khi trẻ có các biểu hiện khác có thể dùng thuốc để kiểm soát hoặc rối loạn khác kết hợp.
- Điều trị thường bao gồm liệu pháp cá nhân và gia đình. Liệu pháp gia đình có thể giúp cải thiện giao tiếp và tương tác giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra, trẻ cũng có thể cần được đào tạo về nhận thức để giải quyết vấn đề. Việc đào tạo này giúp họ sửa chữa các kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi bạo lực, thô lỗ. Một số trẻ em cũng được đào tạo kỹ năng xã hội để học được cách tương tác thích hợp với bạn bè cùng trang lứa.
6. Mối liên hệ giữa rối loạn thách thức chống đối và tăng động giảm chú ý
Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề về cả hai tình trạng bệnh, chúng ta có thể đưa ra một số mối liên hệ giữa hai tình trạng này.
Rối loạn thách thức chống đối liên quan đến hành động của một đứa trẻ và cách chúng tương tác với gia đình, bạn bè và giáo viên của chúng. Còn tăng động giảm chú ý là rối loạn sự phát triển về thần kinh.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hai vấn đề này đó là có một số triệu chứng trong vấn đề rối loạn thách thức chống đối cũng có thể liên quan đến sự bốc đồng quá mức trong bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD). Trên thực tế, người ta nhận thấy rằng, có khoảng 40% trẻ em được chẩn đoán tăng động giảm chú ý cũng có tình trạng rối loạn thách thức chống đối. Mặc dù, không phải tất cả trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thách thức chống đối đều có tăng động giảm chú ý, nhưng chúng có thể được chẩn đoán cùng lúc với tỉ lệ cao.
Đôi khi, những đặc điểm về biểu hiện của trẻ có thể khiến bạn dễ nhầm lẫn:
- Một đứa trẻ chỉ bị tăng động giảm chú ý nó có thể tăng động quá mức hoặc quá phấn khích khi chơi với các bạn cùng lớp. Điều này đôi khi có thể dẫn đến những hành vi thô bạo và gây tổn hại không mong muốn cho người khác. Trẻ cũng có thể nổi cơn thịnh nộ, dù đây không phải là một triệu chứng điển hình của chứng rối loạn này. Những cơn giận dữ này có thể là một cơn bốc đồng bộc phát do thất vọng hoặc buồn chán quá mức, nên nó có biểu hiện tương tự với rối loạn thách thức chống đối.
- Nếu như một đứa trẻ mắc chứng rối loạn thách thức chống đối, chúng không chỉ gặp vấn đề về kiểm soát xung động cá nhân mà còn có tâm trạng tức giận hoặc cáu kỉnh dẫn đến hành vi gây gổ về thể chất. Những đứa trẻ này có thể nổi cơn thịnh nộ do không kiểm soát được tính khí của mình. Chúng có thể cố làm phiền người khác và đổ lỗi cho người khác về những sai lầm của chúng. Ngoài việc quá phấn khích và làm tổn thương một bạn khác khi đang chơi, các em có thể có hành động đả kích và đổ lỗi cho bạn khác. Như vậy, biểu hiện này cũng dễ nhầm với việc trẻ tăng động một cách thái quá.
Điểm liên hệ tiếp theo đó là hai vấn đề này chưa thực sự rõ nguyên nhân. Việc chẩn đoán hoàn toàn dựa vào khám xét lâm sàng là chủ yếu. Tuy nhiên, việc điều trị tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối này có điểm khác biệt, cho nên khi xuất hiện biểu hiện nào đó trẻ cần được chẩn đoán rõ ràng trẻ mắc bệnh ADHD hay ODD hoặc mắc cả hai. Từ đó có thể đưa ra biện pháp điều trị một cách hiệu quả. Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là các đặc điểm rối loạn thách thức chống đối và tăng động giảm chú ý cũng có thể xảy ra với các rối khác, cho nên việc điều trị là tổng thể.
Việc phát hiện sớm và trẻ được can thiệp điều trị sớm là rất quan trọng khi trẻ có các triệu chứng ADHD hoặc ODD. Điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và điều chỉnh cuộc sống của trẻ một cách tích cực hơn. Lưu ý ngay cả khi liệu pháp điều trị có hiệu quả, một số trẻ vẫn cần được điều trị liên tục để kiểm soát những tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .healthline.com