Viêm gan E, khác với các loại viêm gan khác, thường không dẫn đến biến chứng lâu dài hay tổn thương gan vĩnh viễn. Tuy nhiên, bệnh lại rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm người cao tuổi và người mắc bệnh nền. Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn uống lành mạnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Vũ Tấn Phúc, bác sĩ Nội tiêu hóa tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. Bệnh viêm gan E là gì?
Viêm gan E là một căn bệnh khiến gan sưng to do virus viêm gan E (HEV) gây ra. Ước tính mỗi năm có khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới nhiễm virus, trong đó 3,3 triệu ca tiến triển thành bệnh viêm gan E.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan E là nguyên nhân gây ra khoảng 44.000 ca tử vong trong năm 2015, chiếm 3,3% tổng số ca tử vong do viêm gan virus. Bệnh viêm gan E được ghi nhận trên toàn cầu, tuy nhiên, khu vực Đông và Nam Á là nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh nhất.
Viêm gan E là một bệnh gan do siêu vi viêm gan E (HEV) gây ra. Virus có ít nhất 4 kiểu gen khác nhau, được đánh số từ 1 đến 4.
- Kiểu gen 1 và 2: Chỉ xuất hiện ở người.
- Kiểu gen 3 và 4: Thường được tìm thấy ở một số loài động vật như lợn, lợn rừng và hươu. Tuy virus không gây bệnh cho động vật, nhưng có thể lây nhiễm sang người.
Bệnh viêm gan E thường xuất hiện ở các nước thu nhập thấp và trung bình do các quốc gia này còn nhiều hạn chế về dịch vụ nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bệnh xuất hiện cả theo dạng bùng phát và rải rác, với các trường hợp rải rác cũng có thể liên quan đến ô nhiễm nguồn nước, tuy ở mức độ nhỏ hơn.
Tại những nơi có hệ thống vệ sinh và cung cấp nước đạt chuẩn, nguy cơ mắc bệnh viêm gan E thấp hơn. Hầu hết các ca bệnh ở đây do virus chủng 3 gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Nguyên nhân chính là do con người tiêu thụ thịt động vật chưa được nấu chín, đặc biệt là gan lợn, chứ không liên quan đến ô nhiễm nước hay thực phẩm khác.
Hiện nay, Trung Quốc đã nghiên cứu và phê duyệt sử dụng vắc-xin phòng ngừa viêm gan E, tuy nhiên loại vắc-xin này vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại các quốc gia khác.
2. Virus viêm gan E lây qua đường nào?
Virus viêm gan E lây lan chủ yếu qua việc tiêu thụ nước bị ô nhiễm bởi phân của người bệnh. Bắt nguồn từ phân của người bệnh, virus xâm nhập cơ thể qua đường ruột khi chúng ta uống nước bẩn. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những khu vực thiếu nước sạch và thói quen rửa tay không kỹ.
Ngoài ra, một số đường lây truyền khác cũng đã được ghi nhận, tuy nhiên số ca mắc bệnh từ những nguyên nhân này chiếm tỷ lệ ít hơn. Các con đường lây truyền này bao gồm:
- Ăn thực phẩm chưa nấu chín từ động vật bị nhiễm bệnh: Thịt lợn, thịt hươu.
- Truyền sản phẩm máu bị nhiễm bệnh.
- Lây truyền từ mẹ sang con.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus không cần điều trị và sẽ tự khỏi trong vòng 2 đến 6 tuần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể tiến triển nặng thành suy gan cấp tính và gây tử vong.
3. Triệu chứng bệnh
Sau khi tiếp xúc với virus viêm gan E (HEV), cơ thể người sẽ trải qua thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 10 tuần, trung bình khoảng từ 5 đến 6 tuần. Người bệnh bắt đầu bài tiết virus từ vài ngày trước khi có triệu chứng cho đến 3-4 tuần sau khi phát bệnh.
Tại những nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao, người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 15 đến 40 có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng bệnh. Mặc dù trẻ em cũng có thể bị lây nhiễm, nhưng thường không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ.
Những biểu hiện thường gặp của bệnh:
- Giai đoạn đầu của bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn, nôn, một số người khác thì bị đau bụng, ngứa, phát ban, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt, gan to ra… Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày.
- Một số ít trường hợp viêm gan E cấp tính có thể diễn biến nặng thành suy gan cấp tính và tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao. Nhóm có nguy cơ bị viêm gan tối cấp cao nhất là phụ nữ mang thai và nhóm đang nhiễm virus. Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ dễ bị suy gan cấp tính, sẩy thai và tử vong do bệnh. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20-25% cho những trường hợp mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Viêm gan E mạn tính chỉ xảy ra ở những người bị ức chế hệ miễn dịch, đặc biệt là bệnh nhân ghép tạng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Những người này dễ bị nhiễm virus kiểu gen 3 hoặc 4 hơn.
4. Chẩn đoán bệnh
Do triệu chứng của viêm gan E cấp khá giống các bệnh viêm gan do virus khác, việc chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng là không đủ. Hiện nay, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa vào việc xét nghiệm tìm kiếm các kháng thể IgG và IgM đặc hiệu với virus viêm gan E trong máu bệnh nhân.
Ngoài xét nghiệm kháng thể, phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) cũng được sử dụng để chẩn đoán nhiễm virus viêm gan E. Kỹ thuật này giúp phát hiện trực tiếp RNA (HEV-RNA) của virus viêm gan E trong máu hoặc phân của người bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm HEV-RNA hiện chỉ được thực hiện tại các cơ sở xét nghiệm chuyên ngành.
5. Điều trị và phòng ngừa
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm phân. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 4 đến 6 tuần.
Mặc dù không phải là một trong những loại thuốc được quy định để điều trị viêm gan E nhưng ribavirin liều thấp dùng trong 3 tháng đã cho thấy hiệu quả trong việc loại bỏ virus HEV khỏi máu ở 2/3 trường hợp viêm gan E mạn tính. Một số phương pháp điều trị khác có thể sử dụng peginterferon hoặc kết hợp peginterferon với ribavirin.
Áp dụng các biện pháp sau đây sẽ giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng khó chịu:
- Nghỉ ngơi.
- Bổ sung thực phẩm tốt cho cơ thể.
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế rượu bia.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc như acetaminophen, vì thuốc có thể gây hại cho gan.
Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi tại bệnh viện. Nếu bệnh diễn biến nặng, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể được cân nhắc.
Mặc dù hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa virus viêm gan E, mọi người hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn chín uống sôi.
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm và sau khi thay tã cho em bé.
- Tránh uống nước lã, nước đá chưa qua xử lý vệ sinh.
- Hạn chế ăn những món chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt hươu, sò sống.
Tỷ lệ mắc bệnh gan mật tại Việt Nam đang ở mức báo động do thói quen sử dụng rượu bia, tiêu thụ thực phẩm độc hại ngày càng phổ biến.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp các gói sàng lọc gan - mật tiêu chuẩn, toàn diện và nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám và điều trị các bệnh lý Gan - Mật - Tụy. Các gói sàng lọc này giúp đánh giá chức năng gan mật qua xét nghiệm, cận lâm sàng, đồng thời xác định nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: wedmd.com & who.int