Bệnh đái tháo đường là bệnh lý về rối loạn chuyển hoá ngày càng phổ biến trong xã hội. Theo dõi chỉ số đường huyết là vấn đề quan trọng, đóng vai quyết định trong việc quyết định và điều chỉnh liệu trình điều trị. Xét nghiệm đường huyết mao mạch là một kĩ thuật đơn giản nhưng có vai trò quan trọng trong việc theo dõi đường huyết.
1. Chỉ định xét nghiệm đường huyết mao mạch khi nào?
Tùy vào đối tượng và mục đích theo dõi của bác sĩ mà xét nghiệm đường huyết mao mạch được chỉ định với số lần đo khác nhau trong ngày hoặc trong tuần. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được chỉ định phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe và nhu cầu của bệnh nhân.
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường đang được dò liều với các loại thuốc hạ đường huyết đường uống hoặc với insulin, phụ nữ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể được làm xét nghiệm một hoặc nhiều lần trong ngày.
- Đối với bệnh nhân đã có liều dùng ổn định với các thuốc hạ đường huyết thì có thể được làm xét nghiệm từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
- Khi bệnh nhân đái tháo đường cảm thấy có những triệu chứng bất thường như: đột ngột mệt mỏi không lý do, cảm giác đói và run chân tay, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, vã mồ hôi, rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim,...
- Nếu không nằm trong những đối tượng trên thì người tham gia xét nghiệm có thể thực hiện bất kỳ lúc nào theo nhu cầu.
Về chống chỉ định: Hiện nay chưa có bất kỳ chống chỉ định nào khi thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch.
2. Quy trình thực hiện xét nghiệm đường huyết mao mạch
2.1. Chuẩn bị
Để thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, việc chuẩn bị là cực kỳ quan trọng giúp xét nghiệm được thực hiện đúng chỉ định, đúng quy trình và sẽ giúp cho ra kết quả chính xác. Đối với xét nghiệm đường huyết mao mạch, việc chuẩn bị cần được thực hiện ở cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Đối với người bệnh, trước khi làm xét nghiệm, người bệnh cần được chuẩn bị bao gồm:
- Kiểm tra họ tên, số giường, giờ chỉ định xét nghiệm đường máu. Người bệnh sẽ được thông báo về chỉ định của bác sĩ, được hướng dẫn về cách thực hiện xét nghiệm và cách để người bệnh hợp tác.
- Người bệnh được đề nghị rửa sạch và lau khô tay.
- Người bệnh cũng sẽ được đặt ở tư thế ngồi hoặc nằm thích hợp.
Đối với nhân viên y tế:
- Giải thích mục đích của xét nghiệm cho người bệnh cũng như hướng dẫn để bệnh nhân hợp tác.
Chuẩn bị dụng cụ: Để thực hiện xét nghiệm đường huyết mao mạch, cần phải chuẩn bị những dụng cụ bao gồm:
- Máy thử đường máu.
- Que thử đường máu, bút chích máu, kim chích máu.
- Bảng theo dõi đường máu.
- Bông khô, bông tẩm cồn 70 độ.
- Hộp đựng kim chích máu và que thử đã sử dụng.
- Trước khi sử dụng, que thử đường máu cần được kiểm tra hạn dùng, thời gian sử dụng kể từ khi mở hộp và kiểm tra tình trạng và pin của máy thử.
2.2. Tiến hành xét nghiệm
Các bước thực hiện xét nghiệm:
- Bước 1: Điều dưỡng rửa tay, mang khẩu trang và đội mũ.
- Bước 2: Lắp đầu kim vào bút chích máu và chỉnh độ sâu theo độ dày của da người bệnh.
- Bước 3: Lấy que thử ra khỏi hộp và đưa vào máy thử đường máu. Máy sẽ tự khởi động hoặc điều dưỡng cần trực tiếp bật máy.
- Bước 4: Đối chiếu code hiện trên máy với code của que thử có trùng không (chỉnh lại nếu không trùng nhau).
- Bước 5: Điều dưỡng chọn một ngón tay để làm xét nghiệm là một trong bốn ngón, ngón 2, 3, 4, 5 và sát khuẩn ngón tay định lấy máu bằng bông tẩm cồn 70 độ. Vuốt nhẹ từ gốc ngón tay để dồn máu lên đầu ngón tay.
- Bước 6: Đưa bút chích máu vào mép ngoài cạnh đầu ngón và bấm nút để đầu kim tạo một lỗ nhỏ.
- Bước 6: Nặn nhẹ để lấy đủ giọt máu và thấm máu vào giấy thử và cắm vào máy
- Bước 7: Dùng bông khô lau sạch máu trên tay người bệnh.
- Bước 8: Đợi từ 5 - 45 giây để máy hiện kết quả, đọc kết quả và thông báo kết quả cho người bệnh.
- Bước 9: Bỏ que thử và kim đã sử dụng vào hộp đựng rác thải y tế phù hợp.
- Bước 10: Thu dọn dụng cụ, rửa tay.
Một số lỗi có thể mắc phải trong quá trình thực hiện xét nghiệm có thể dẫn đến sai lệch kết quả như:
- Ngón tay bệnh nhân bị ướt do nước hoặc cồn làm loãng và không tạo được giọt máu.
- Code máy không phù hợp với que thử.
- Que thử đường huyết bị ẩm hoặc hết hạn sử dụng.
3. Chỉ số đường máu mao mạch bình thường là gì?
Đối với từng bệnh nhân kết quả xét nghiệm đường máu mao mạch lại có ý nghĩa khác nhau. Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), kết quả đường huyết mao mạch bình thường là:
- Trước khi ăn từ 4.4 - 7.2 mmol/ l.
- Sau ăn 2 giờ: < 10 mmol/ l.
Nếu như kết quả đường máu không nằm trong khoảng bình thường mà quá cao hoặc quá thấp thì cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng xử lý kịp thời.
4. Các biện pháp giúp chỉ số đường huyết mao mạch ổn định
Để chỉ số đường huyết mao mạch nằm trong khoảng bình thường cũng như hạn chế nguy cơ xuất hiện biến chứng tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết trong quá trình điều trị, người bệnh nên áp dụng những biện pháp sau:
4.1. Duy trì chế độ ăn khoa học, lành mạnh
Những thực phẩm nên ăn:
- Các loại thịt nạc, cá, đậu hũ, sữa chua, sữa ít béo, thực phẩm không đường,...
- Thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin như: gạo lứt, rau xanh, rau củ quả, các loại đậu, trái cây ít ngọt,...
- Đối với người bệnh bị tiểu đường, khẩu phần ăn vẫn cần đảm bảo đủ các nhóm chất cơ bản cũng như các loại khoáng chất và vitamin.
Những thực phẩm nên tránh:
- Thực phẩm chứa nhiều đường: bánh kẹo, nước ngọt, chè, kem.
- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: cơm, các loại bánh ngọt, mì gói,...
- Thực phẩm giàu chất béo: phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, da động vật, đồ ăn chiên xào,...
- Thực phẩm chế biến sẵn: thịt nguội, đồ đóng hộp.
- Các đồ uống chứa chất kích thích như: rượu bia, chè đặc, thuốc lá, cà phê,...
4.2. Duy trì cân nặng hợp lý
Người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý trong thời gian suốt thời gian điều trị bệnh. Có thể giảm cân nếu người bệnh có tình trạng thừa cân, béo phì.
4.3. Vận động thường xuyên
Luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn: lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Người bệnh nếu thường xuyên luyện tập thể thao cũng sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý là không được luyện tập quá sức sẽ làm cơ thể mỏi mệt và tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp. Việc theo dõi sát đường huyết bệnh nhân có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Xét nghiệm đường huyết mao mạch là xét nghiệm hay được chỉ định ở bệnh nhân đái tháo đường để theo dõi chỉ số đường huyết cũng như sự đáp ứng điều trị của người bệnh. Mặc dù là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện nhưng cả người bệnh và nhân viên y tế cần phải được chuẩn bị đầy đủ và thực hiện đúng quy trình để cho ra được kết quả chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.