Sùi mào gà ở nam giới nếu để tiến triển trong thời gian dài thì có thể gây ung thư vòm họng, ung thư hậu môn, ung thư dương vật,... Sử dụng tích cực các thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nam giới theo đúng chỉ định của bác sĩ là biện pháp giúp kiểm soát, tiêu trừ bệnh hiệu quả.
1. Sơ lược về bệnh sùi mào gà ở nam giới
Sùi mào gà là bệnh xã hội phổ biến hiện nay. Nam giới bị sùi mào gà do virus Human Papillomavirus (HPV). Đây là loại virus xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hậu môn, niêm mạc da,... rồi gây bệnh. Virus HPV cũng có thể tấn công người bệnh qua vết thương hở, dịch tiết, mủ, máu,... Việc sử dụng chung đồ cá nhân với người khác có virus HPV như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng,... cũng dễ bị lây nhiễm bệnh sùi mào gà.
Ở nam giới, nếu để bệnh sùi mào gà tiến triển trong thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần thì sẽ gia tăng nguy cơ ung thư dương vật, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn,... Nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, đúng phác đồ thì sùi mào gà có thể để lại rất nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bệnh gây những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và khả năng sinh sản của bệnh nhân: Biến dạng dương vật, tắc niệu đạo, tắc nghẽn ống dẫn tinh, vô sinh,...
2. Sử dụng thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nam giới
2.1 Nguyên tắc điều trị bệnh sùi mào gà cho nam giới
Hiện có nhiều cách điều trị bệnh sùi mào gà ở nam giới. Đó là dùng thuốc, điều trị bằng laser hoặc đốt điện,... Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương và những yếu tố khác mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh quyết định phương pháp phù hợp.
Việc điều trị sùi mào gà cần tuân thủ nguyên tắc loại bỏ sang thương và những thương tổn tiền ung thư liên quan tới nhiễm virus HPV. Đồng thời, cần kiểm soát nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục để tránh làm bệnh chuyển biến xấu. Mặt khác, cần điều trị cho cả người sinh hoạt vợ chồng cùng với người bệnh để ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm sùi mào gà.
Nam giới nên đi khám bác sĩ để được điều trị sùi mào gà khi có các dấu hiệu sau:
- Kích ứng, ngứa ngáy bộ phận sinh dục;
- Quan hệ tình dục bị đau;
- Cơ quan sinh dục có tình trạng tiết dịch bất thường, tấy đỏ, có mùi hôi,...
2.2 Thuốc điều trị bệnh sùi mào gà nào đang được sử dụng rộng rãi?
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng sùi mào gà ở nam giới còn nhẹ nên bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc điều trị. Các loại thuốc phát huy tác dụng nhanh và dễ sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc như: Đau nhức cơ thể, ngứa da, đau rát, dị ứng, phát ban,...
Các loại thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị sùi mào gà ở nam giới gồm:
- Imiquimod: Làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lại tác nhân gây bệnh;
- Axit tricloaxetic: Có tác dụng đốt cháy các nốt sùi mào gà, điều trị cho người bệnh có tổn thương dạng sẩn. Bác sĩ sẽ chấm thuốc vào nốt sùi định kỳ hằng tuần trong tối đa 10 tuần. Phương pháp này có thể gây bỏng da, phá hủy các mô xung quanh, gây sẹo,... nên thường được khoanh vùng bằng vaseline hoặc bicarbonate. Kết quả thống kê cho thấy tỷ lệ làm sạch tổn thương lên tới 94%, tỷ lệ tái phát là 36%;
- Sinecatechin: Điều trị hiệu quả các nốt sùi quanh hậu môn hay ngoài vùng kín;
- AHCC: Giúp cải thiện miễn dịch cơ thể và tiêu diệt virus.
Bệnh nhân cũng có thể được điều trị bằng thuốc Podophyllotoxin (podofilox). Đây là loại thuốc có nguồn gốc từ nhựa podophylum, có khả năng gây độc tế bào tại chỗ. Cơ chế của thuốc là làm cho các tế bào bị nhiễm virus HPV ngừng phân chia, khiến mô bị hoại tử và tiêu biến. Thuốc được sử dụng điều trị ngoài da cho những u nhú lành tính chống chỉ định với các tổn thương bên trong như vòm họng, cổ tử cung, niệu đạo, vết thương hở hoặc dùng ở phụ nữ có thai,...
Thuốc Podophyllotoxin gồm 2 chế phẩm có nồng độ là 0,5% (dạng dung dịch) và 0,15% (dạng kem). Bệnh nhân được chỉ định thoa ngoài da 2 lần/ngày, diện tích bôi dưới 10cm2, dùng liên tiếp trong 3 ngày, nghỉ cách quãng 4 ngày. Mỗi đợt điều trị sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 tuần. Thuốc này có thể gây đau rát, kích ứng, trợt da tại chỗ,... Tỷ lệ điều trị thành công ở 2 dạng chế phẩm là từ 36 - 83%.
Ngoài thuốc, các bác sĩ còn chỉ định cho bệnh nhân dùng các phương pháp điều trị sùi mào gà ngoại khoa như: Liệu pháp nitơ lỏng, dao mổ điện, cắt bỏ nốt sùi, laser, ALD-PDT,...
2.3 Lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nam giới
Để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt, nhanh hồi phục và hạn chế nguy cơ tái phát, các chuyên gia nam học khuyên người bệnh nên:
- Đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa trước khi thực hiện điều trị bệnh. Nên tuân thủ đúng hướng dẫn khi tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Đồng thời, cần tái khám đúng lịch trình để đánh giá hiệu quả của việc điều trị, có thể thay đổi phương pháp điều trị khi cần;
- Không được tự ý dùng các loại thuốc điều trị khi chưa được bác sĩ chỉ định, kê đơn;
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Tắm rửa thường xuyên, thay quần áo hằng ngày, không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. Người bệnh nên tránh quan hệ tình dục khi có tổn thương và trong suốt thời gian điều trị;
- Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân nên tập trung vào việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để đẩy lùi virus, ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Người bệnh không nên ăn những thực phẩm cay nóng, chiên rán, đồ dễ gây kích ứng và chất kích thích. Đồng thời, bệnh nhân nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây và các chất đạm lành mạnh trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày;
- Sinh hoạt tình dục an toàn, chung thủy để tránh nguy cơ tái phát sùi mào gà.
Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh sùi mào gà ở nam giới. Tùy theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh sẽ được dùng loại thuốc phù hợp với liều dùng, cách dùng đúng theo hướng dẫn. Bệnh nhân chú ý nên tuân thủ đúng liệu trình điều trị để đảm bảo hiệu quả tốt và giảm nguy cơ tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.