Bệnh sùi mào gà ở miệng do virus HPV lây qua đường tình dục, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, do thời gian ủ bệnh kéo dài và các triệu chứng ban đầu khá giống với nhiệt miệng, nhiều người không nhận ra mình đã mắc bệnh này để có thể điều trị kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh sùi mào gà ở miệng là gì, vì sao mắc bệnh?
Bệnh sùi mào gà, còn được gọi là mụn cóc sinh dục, là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus HPV gây ra. Đặc điểm nổi bật của bệnh là sự xuất hiện của các u nhú và nốt sần trên cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, các tổn thương này cũng có thể xuất hiện ở lưỡi và khoang miệng, khi đó được gọi là sùi mào gà ở miệng.
Sùi mào gà ở miệng cũng do virus HPV gây ra, chủ yếu lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng mà không áp dụng biện pháp an toàn. Ngoài ra, thói quen dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân với người mắc bệnh cũng có thể lây truyền virus nếu tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở.
2. Sùi mào gà ở môi, miệng có biểu hiện gì?
Thời gian ủ bệnh sùi mào gà ở miệng tương đối dài, tương tự như sùi mào gà nói chung, kéo dài từ 2 - 9 tháng. Vì vậy, người mắc thường không nhận biết được mình nhiễm bệnh cho đến khi các triệu chứng xuất hiện.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các mảng trắng xuất hiện trên lưỡi và họng, gây đau rát và khó chịu khi nuốt. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với nhiệt miệng hoặc viêm họng, nên bệnh dễ bị bỏ qua.
Ngoài các mảng trắng, trên lưỡi còn xuất hiện những nốt mụn nhỏ li ti màu trắng hoặc hồng, sau đó lớn dần và trông giống như mào gà. Khi các triệu chứng sùi mào gà ở miệng xuất hiện rõ ràng, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy trong miệng và lưỡi, khó khăn khi nuốt kể cả nuốt nước bọt hay thức ăn. Điều này dẫn đến sụt cân do không thể ăn uống bình thường.
Khi các u nhú phát triển, lưỡi sẽ bị sưng và tê, khoang miệng xuất hiện phát ban và mẩn đỏ. Người bệnh có thể cảm thấy đau ở xương hàm và amidan. Các nốt mụn thịt, mụn cóc trong miệng thường bị nhầm với nhiệt miệng, nên khi đi khám, bệnh thường đã tiến triển nặng.
3. Phân biệt nhiệt miệng với bệnh sùi mào gà ở miệng
Cần phân biệt giữa nhiệt miệng và sùi mào gà ở môi, miệng để có thể điều trị kịp thời. Nhiệt miệng thường xuất hiện với những vết loét viền đỏ, gây sưng đau, đặc biệt khi ăn uống hoặc chạm vào. Bệnh nhiệt miệng thường tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày, nhất là khi người bệnh uống nhiều nước, ăn rau xanh hoặc các thực phẩm giải nhiệt. Một số trường hợp có thể tái phát do cơ địa nóng nhưng bệnh thường nhanh khỏi.
Đối với sùi mào gà ở miệng, nếu nhầm lẫn với nhiệt miệng, việc dùng thuốc chữa nhiệt miệng sẽ không có hiệu quả. Các nốt sần của sùi mào gà thường có màu trắng hồng, nhỏ li ti, khi chạm vào có dịch rỉ ra, gây đau khi nuốt và sưng tê ở lưỡi và miệng.
Do đó, nếu có nghi ngờ mắc sùi mào gà ở miệng, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
4. Bệnh sùi mào gà ở miệng ảnh hưởng ra sao?
Sùi mào gà ở môi và miệng nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Một số biến chứng và nguy cơ có thể gặp phải bao gồm:
- Nhiễm trùng khoang miệng gây khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp và sinh hoạt.
- Nếu sùi mào gà ở miệng do virus HPV tuýp 16, 18, nguy cơ ung thư vòm họng sẽ tăng cao.
- Lây truyền bệnh cho gia đình và người xung quanh.
- Nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác ở nam giới cao hơn, đặc biệt là các bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu,...
- Sùi mào gà ở miệng làm mất thẩm mỹ, gây mùi hôi khó chịu khi nói, ảnh hưởng tâm lý và giao tiếp hàng ngày.
- Gây ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân và gia đình, làm giảm chất lượng đời sống tình dục.
5. Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở miệng, mọi người cần thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Tiêm vắc xin để ngăn ngừa virus HPV.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Xét nghiệm STI thường xuyên.
- Tránh quan hệ bằng miệng.
- Tự kiểm tra miệng mỗi tháng một lần để xem có xuất hiện dấu hiệu của sùi mào gà hay không.
- Tuân thủ khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Sùi mào gà ở miệng cần được phát hiện sớm và phân biệt với nhiệt miệng để tránh gây biến chứng cho sức khỏe. Việc điều trị kịp thời cũng giúp giảm nguy cơ ung thư vòm họng nếu mắc sùi mào gà ở môi và miệng. Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ giúp phát hiện sớm sùi mào gà cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, từ đó có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.