Dùng thuốc điều trị bệnh hắc võng mạc

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch là bệnh lý về mắt được biểu hiện bằng một vùng bong thanh dịch của lớp võng mạc thần kinh do dịch dò từ vùng mao mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc. Sử dụng thuốc điều trị bệnh hắc võng mạc có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.

1. Bệnh hắc võng mạc trung tâm thành dịch là bệnh gì?

Bệnh hắc võng mạc hay còn được gọi với tên khác là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch là bệnh lý về mắt. Bệnh lý này thường xảy ra khi xuất hiện thanh dịch của võng mạc nhận cảm thần kinh bị bong ra. Nguyên nhân là do có dịch rò rỉ từ mạng mạch qua biểu mô sắc tố võng mạc.

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thường gây ra tình trạng giảm thị lực tạm thời ở một bên mắt, bệnh thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 50. Một số trường hợp thị lực suy giảm không có khả năng phục hồi hoàn toàn dù cho bong thanh dịch võng mạc đã khỏi hoàn toàn.

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể được chia ra làm 2 loại với biểu hiện lâm sàng khác nhau cụ thể như sau:

  • Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thể cổ điển gây ra bởi một hoặc nhiều rò rỉ cô lập rời rạc ở mức độ biểu mô sắc tố võng mạc. Bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc với các rối loạn chức năng biểu mô sắc tố lan tỏa như là bệnh biểu mô sắc tố võng mạc lan tỏa.
  • Bệnh hắc võng mạc mạc trung tâm thanh dịch thể mạn tính, biểu mô sắc tố võng mạc mất bù và đặc trưng bởi sự tách rời võng mạc nhận cảm thần kinh nằm trên vùng teo biểu mô sắc tố võng mạc cùng với lốm đốm sắc tố. Các bác sĩ chuyên khoa Mắt có thể quan sát một hay một số điểm rò rỉ nhỏ trên hình ảnh chụp mạch máu huỳnh quang.

2. Dấu hiệu lâm sàng của bệnh hắc võng mạc

Bệnh hắc võng mạc thường xảy ra ở những người tuổi từ 20 trở lên với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới và ít gặp ở người trẻ và người già. Bệnh lý này thường gặp ở một mắt, có tính chất tái phát lại nhiều lần.

Triệu chứng chủ quan

  • Hình ảnh nhìn mờ, thị lực thường giảm còn 5/10 tới 6/10 nếu bệnh đã tái phát nhiều lần, thị lực có thể giảm chỉ còn 1/10 đến 2/10.
  • Hình ảnh các đồ vật xung quanh thấy biến dạng, cong, méo mó; nhìn vật phần nhiều xa, nhỏ.
  • Nhìn màu sắc thấy thay đổi nhất là màu nhạt, màu sáng kèm theo đau đầu và đau nhức mắt.

Triệu chứng khách quan

  • Khám đáy mắt phát hiện thấy hoàng điểm sẫm màu, giảm hoặc bị mất ánh sáng trung tâm.
  • Khám bằng sinh hiển vi bác sĩ điều trị sẽ thấy thời gian đầu võng mạc chia làm hai phần: phần bên trong có mạch máu trong suốt lồi về phía buồng dịch kính và phần bên ngoài là lớp biểu mô sắc tố và ở giữa là dịch đọng dưới võng mạc
  • Chất lắng cặn thường xuất hiện sau thời gian từ 3 đến 4 tuần.
  • Việc chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch chủ yếu dựa vào hình ảnh chụp mạch huỳnh quang. Đây là một khám nghiệm cơ bản. Hình ảnh huỳnh quang được thể hiện bởi sự xuất hiện một chấm rò rỉ từ mao mạch hắc mạc qua màng Bruch và qua lớp biểu mô sắc tố vào khoang bong. Có nhiều hình thái rò huỳnh quang bao gồm hình chấm, hình lông chim và hình dù.

3. Phương pháp điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

3.1. Nguyên tắc chung bệnh

  • Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch do chưa làm rõ được cơ chế gây ra tình trạng rối loạn vận mạch, mao mạch, hắc mạc và biểu mô sắc tố, do đó phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và nâng đỡ để bệnh rút ngắn thời gian bị bệnh.
  • Bệnh thường tự có khả năng tự khỏi sau thời gian 1 đến 6 tháng mà không cần can thiệp điều trị.
  • Bệnh không có nguồn gốc viêm nên bác sĩ thường không chỉ định sử dụng thuốc chống viêm đường toàn thân.
  • Chỉ định điều trị bằng laser được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

3.2. Điều trị bệnh cụ thể

Điều trị nội khoa: Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch với các trường hợp mới lần đầu tiên bị bệnh và chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi tình trạng bệnh hằng tháng.

Điều trị laser:

  • Chỉ định điều trị laser đặt ra nếu điểm dò nằm cách xa hoàng điểm trên 300 micron và người bệnh cần phục hồi thị lực nhanh hoặc các trường hợp bong võng mạc thanh dịch kéo dài trong thời gian từ 4 tháng trở lên hoặc tái phát trên mắt đã bị giảm thị lực nguyên nhân do đã mắc bệnh lý này từ trước đó. Phương pháp điều trị bằng laser không làm tăng kết quả thị lực cuối cùng
  • Sử dụng nốt laser có đường kính 100 micron, thời gian kéo dài từ 0,1 - 0,2s, năng lượng cung cấp vừa đủ để nốt bắn có màu xám nhạt và thường chỉ bắn trung bình từ 1 đến 5 nốt cho mỗi điểm dò.
  • Sử dụng quang đông – laser để đốt chỗ rò rỉ cách hoàng điểm hai đường kính gai thị.
  • Sử dụng laser trong điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch cho kết quả tốt, bệnh ít tái phát. Tuy nhiên Laser võng mạc có đi kèm với nhiều biến chứng. Vậy nên, bác sĩ thường cân nhắc chỉ định này và thường áp dụng cho bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.

4. Các thuốc điều trị hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

Các thuốc thường được chỉ định trong điều trị hắc võng mạc trung tâm thanh dịch cụ thể như sau:

  • Thuốc giúp thanh dịch dưới võng mạc rút nhanh hơn là Acetazolamid viên 250mg ngày uống 1 đến 2 viên (uống chia 2 lần) trong thời gian là 2 tuần.
  • Thuốc kali viên 600mg ngày uống 1 viên/ lần/ ngày trong thời gian là 2 tuần.
  • Thuốc tăng cường sự vững bền thành mạch bao gồm acid ascorbic (vitamin C) viên 100mg ngày uống 05 viên/ lần/ ngày trong thời gian kéo dài 10 ngày.
  • Vitamin giúp phục hồi chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc bao gồm nicotinamid (vitamin PP) viên 50mg ngày uống 1 viên/ lần, này uống 2 lần trong thời gian 2 tuần.
  • Thuốc giãn mạch, tăng cường tuần hoàn là ginkgo biloba viên 40mg ngày uống 3 viên chia làm 3 lần trong thời gian 2 tuần.

5. Những chú ý trong điều trị bệnh hắc võng mạc thanh dịch

Để quá trình điều trị bệnh hắc võng mạc thanh dịch đạt hiệu quả cao thì có một vài lưu ý cần thực hiện, cụ thể như sau:

  • Bạn nên có chế độ ăn uống hàng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh những món ăn không tốt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tránh sử dụng hay nhìn nhiều vào màn hình điện thoại, máy tính.
  • Tăng cường tập thể dục thể thao để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể.
  • Khi thấy xuất hiện thêm các triệu chứng bệnh bạn cần đến khám ở bệnh viện mắt gần nhất để bác sĩ khám và kiểm tra tình trạng bệnh.
  • Chú ý thời gian nghỉ ngơi, tránh những yếu tố bất lợi như: rượu, thuốc lá, căng thẳng thần kinh, mất ngủ...

Tóm lại là hầu hết mọi người bị bệnh có thể lấy lại thị lực tốt ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, thị lực có thể không được tốt như trước khi bệnh xuất hiện. Điều quan trọng là phải được bác sĩ chuyên khoa Mắt theo dõi và khám thường xuyên, kỹ lưỡng kể từ khi tích tụ dịch lâu dài có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực vĩnh viễn.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về cách dùng thuốc điều trị bệnh hắc võng mạc. Nếu việc sử dụng thuốc không mang đến hiệu quả thì người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe