Nhiễm trùng da và mô mềm (Skin and soft tissue infections – SSTIs) rất hay gặp trên lâm sàng do sự tấn công của vi khuẩn gây hại vào lớp da và các tổ chức mô mềm bên dưới. Do đó, với nhiễm trùng da kháng sinh là biện pháp điều trị đặc hiệu nhất. Vậy nhiễm trùng da uống kháng sinh gi?
1. Nhiễm trùng da và mô mềm là gì?
Nếu xét về mặt hình thái biểu hiện bên ngoài, nhiễm trùng da và mô mềm được phân loại thành 2 nhóm chính:
- Nhiễm trùng không mưng mủ, bao gồm: Viêm mô tế bào, viêm cân cơ hoại tử và viêm quầng;
- Nhiễm trùng da có hiện tượng mưng mủ, bao gồm: Nhọt, hậu bối, áp xe.
Bên cạnh đó, SSTIs còn có thể được phân chia dựa trên mức độ bệnh:
- Mức độ nhẹ: Người bệnh không có các triệu chứng toàn thân, đồng thời không có bệnh lý khác đi kèm hoặc nếu có thì vẫn có thể kiểm soát được;
- Mức độ trung bình: Bệnh nhân có biểu hiện toàn thân và không có bệnh lý khác kèm theo hoặc không có triệu chứng toàn thân nhưng trên nền bệnh lý khác không kiểm soát được;
- Mức độ nặng: Người bệnh vừa có các dấu hiệu toàn thân, vừa trên nền bệnh lý khác đi kèm không kiểm soát được.
Các dấu hiệu, triệu chứng toàn thân của người bệnh nhiễm trùng da và mô mềm có thể bao gồm:
- Sốt cao trên 38 độ C hoặc thân nhiệt hạ giới 36 độ C;
- Nhịp tim nhanh trên 90 lần/phút;
- Nhịp thở tăng trên 24 lần/phút;
- Bạch cầu máu trên 12G/l hoặc dưới 4G/l.
2. Người bệnh bị nhiễm trùng da phải làm sao?
Sau khi người bệnh được bác sĩ chẩn đoán xác định là nhiễm trùng da, đồng thời phân loại hình thái và mức độ nặng nhẹ thì sẽ được chỉ định điều trị theo phác đồ như sau:
Đối với nhiễm trùng da và mô mềm không mưng mủ:
- Mức độ nhẹ: Đây là mức độ ít nghiêm trọng nhất và sẽ được bác sĩ chỉ định kháng sinh đường uống. Vậy nhiễm trùng da uống kháng sinh gì? Các loại kháng sinh được chỉ định bao gồm: Penicillin, Cephalosporin, Dicloxacillin và Clindamycin;
- Mức độ trung bình: Mức độ này của nhiễm trùng da kháng sinh cần được sử dụng qua đường tiêm truyền và phải phối hợp 2 loại trong các nhóm kháng sinh sau: Penicillin, Ceftriaxone, Cefazolin hoặc Clindamycin;
- Mức độ nặng: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất của nhiễm trùng da và mô mềm không mưng mủ. Do đó, người bệnh cần được sử dụng Vancomycin kết hợp Piperacillin/Tazobactam. Đồng thời, người bệnh cần được theo dõi, xem xét việc chích rạch và tháo mủ ổ nhiễm trùng.
Đối với nhiễm trùng da và mô mềm có sinh mủ:
- Mức độ nhẹ: Với bệnh lý ở mức độ này, người bệnh có thể không cần sử dụng kháng sinh mà chỉ cần theo dõi sát, đồng thời xem xét chích rạch, tháo mủ ổ nhiễm trùng da;
- Mức độ trung bình: Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh sau khi chích rạch, dẫn lưu mủ ổ nhiễm khuẩn có thể cần nuôi cấy vi trùng, làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp với tác nhân gây bệnh nhất;
- Mức độ nặng: Đây là diễn tiến nặng nhất của nhiễm trùng da, mô mềm sinh mủ. Do đó, người bệnh bắt buộc phải dẫn lưu ổ nhiễm khuẩn, sau đó lấy dịch nuôi cấy vi trùng để làm kháng sinh đồ và lựa chọn loại kháng sinh hiệu quả nhất.
3. Với nhiễm trùng da kháng sinh dùng với liều lượng như thế nào?
Kháng sinh Doxycycline:
- Người lớn: Uống 100mg x 2 lần/ngày;
- Trẻ em: Chống chỉ định cho trẻ dưới 8 tuổi.
Kháng sinh Cefazolin:
- Người lớn: Tiêm tĩnh mạch với liều lượng 1 gram x 3 lần/ngày;
- Trẻ em: Liều 50mg/kg/ngày chia 3 lần.
Kháng sinh Cephalexin:
- Người lớn: Uống 500mg x 2 lần/ngày;
- Trẻ em: 25-50mg/kg/ngày chia 4 lần uống;
Kháng sinh Clindamycin:
- Người lớn: Tiêm mạch 600mg cách mỗi 8 giờ hoặc uống 300-450mg x 4 lần/ngày;
- Trẻ em: 25-40mg/kg/ngày chia 4 lần tiêm hoặc 25-30mg/kg/ngày chia 3 lần uống.
Kháng sinh Vancomycin:
- Người lớn: 30mg/kg/ngày chia 2 lần tiêm tĩnh mạch;
- Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch 4 lần ngày với tổng liều 40mg/kg/ngày.
4. Một số lưu ý khi điều trị nhiễm trùng da
4.1. Viêm mô tế bào
Bên cạnh sử dụng kháng sinh, bác sĩ cần tìm và điều trị các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: béo phì, chàm da, suy tĩnh mạch...
Đồng thời để tăng hiệu quả điều trị người bệnh có thể cần sử dụng kết hợp kháng viêm corticoid trong ở các mức độ từ trung bình đến nặng với liều lượng 40mg/ngày liên tục trong 7 ngày.
4.2. Áp xe tái phát
Đối với trường hợp áp xe đã được điều trị nhưng tái phát lại ngay vị trí cũ, bác sĩ cần tìm các nguyên nhân tại chỗ (như kén tuyến bã, viêm tuyến mồ hôi sinh mủ...). Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được chỉ định chích rạch, dẫn lưu mủ và nuôi cấy vi trùng càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, một phương pháp điều trị cần thiết là rửa vết thương ngày 2 lần bằng dung dịch chlorhexidine và thay đổi các vật dụng cá nhân (quần áo, chăn màn, giầy dép) mỗi ngày.
4.3. Nhiễm trùng vết mổ
Biện pháp điều trị, hỗ trợ hữu hiệu nhất là cắt chỉ, chích rạch và dẫn lưu vết mổ. Việc sử dụng kháng sinh toàn thân thường không được chỉ định thường xuyên. Bác sĩ chỉ cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân nếu có các dấu hiệu sau:
- Ban đỏ, nề cứng kích thước trên 5cm từ mép vết thương;
- Nhiệt độ cơ thể trên 38.5 độ C;
- Mạch nhanh trên 110 lần/phút;
- Số lượng bạch cầu tăng trên 12G/L.
Nhiễm trùng da và mô mềm thường hay gặp trên lâm sàng do sự tấn công của vi khuẩn gây hại vào lớp da và các tổ chức mô mềm bên dưới. Do đó, với nhiễm trùng da kháng sinh là biện pháp điều trị đặc hiệu nhất. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, người bệnh nên đến trung tâm y tế để thăm khám và có chỉ định phù hợp.
Hiện nay, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi đã làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và trở thành tình trạng kháng kháng sinh. Vì thế, bệnh nhân nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn tốt để điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.