Tinh dầu tràm trà được dùng bằng đường bôi ngoài ở nồng độ thấp trong điều trị mụn trứng cá, chấy rận, gàu, côn trùng cắn, Herpes, nhiễm trùng da hoặc vi khuẩn...Cùng tìm hiểu các tác dụng và cơ chế điều trị mụn trứng cá của tinh dầu tràm trà qua bài viết dưới đây.
1. Đặc điểm của dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà là chất lỏng màu vàng nhạt hoặc không màu, được chiết xuất từ lá của cây trà (Melaleuca Alternifolia), loại cây mọc ở vùng đầm lầy ven biển nước Úc.
Tinh dầu tràm trà có mùi thơm đặc trưng, mùi thơm này khiến người dùng cảm thấy dễ chịu, thư giãn. Các tác dụng của loại thuốc này như tinh dầu tràm trà trị mụn, chấy rận, gàu, côn trùng cắn... là do có chứa nhiều thành phần hóa học gồm 28 – 30 hợp chất khác nhau, trong đó chủ yếu là các thành phần chính sau:
- Terpinen – 4 – ol (46,6%): Hoạt chất này là một trong những nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc điều trị nấm, thuốc sát khuẩn đặc hiệu dưới dạng hít hoặc thuốc bôi;
- Cineol (1,8 – 2,4%): Hoạt chất có mùi thơm mát, hơi cay được sử dụng trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm và trong sản xuất các sản phẩm xua đuổi côn trùng. Đây còn là chất phụ gia cho thuốc lá;
- Terpinenene (10 – 25%), Terpinene (18,6 – 23,65%).
2. Dùng dầu tràm trà có trị mụn được không?
“Dùng dầu tràm trà có trị mụn được không?”. Theo đó, các hoạt chất trong tinh dầu tràm trà có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nấm, gây bệnh và giảm phản ứng dị ứng da. Chính vì vậy, dầu tràm trà là một trong những “loại thuốc” sử dụng để điều trị mụn.
Công dụng cụ thể của dầu tràm trà:
- Nấm móng;
- Tinh dầu tràm trà trị mụn trứng cá;
- Điều trị ghẻ, chấy;
- Điều trị giun gai;
- Côn trùng cắn, vết trầy xước, vết cứt, nhiễm khuẩn âm đạo, Herpes tái phát;
- Đau họng, nhiễm trùng mũi và miệng;
- Nhiễm khuẩn tai (viêm tai ngoài và viêm tai giữa);
- Tắc nghẽn phế quản, ho và viêm phổi.
3. Ứng dụng của tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm làm đẹp nói riêng và nhiều lĩnh vực công nghiệp nói chung:
- Trị mụn: Tinh dầu tràm trà chấm mụn là một trong những công dụng quan trọng của hoạt chất này trong ngành công nghiệp làm đẹp. Một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tinh dầu tràm trà có tác dụng làm giảm mụn trứng cá nhanh hơn gấp 3 lần;
- Nước rửa tay: Tác dụng sát khuẩn của tinh dầu tràm trà giúp cho hoạt chất này được áp dụng trong các sản phẩm nước rửa tay;
- Khử mùi vùng da dưới cánh tay: Ngoài tác dụng sát khuẩn, tinh dầu tràm trà còn có công dụng khử mùi. Đặc điểm này giúp cho vùng da dưới cánh tay trở nên thoáng mát và sạch sẽ hơn;
- Khử trùng: Nếu bạn bị côn trùng cắn, đứt tay thì có dùng hỗn hợp tinh dầu tràm trà và tinh dầu dừa để bôi lên vùng da cần điều trị, giúp làm dịu vết thương và kháng khuẩn;
- Đẩy nhanh quá trình hồi phục: Tác dụng diệt khuẩn của tinh dầu tràm trà giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương;
- Cải thiện tình trạng cho móng: Nếu bạn rơi vào tình trạng nấm móng tay, nấm móng chân thì có thể sử dụng tinh dầu tràm;
- Nước súc miệng: Tinh dầu tràm giúp cho hơi thở được thơm mát, phòng chống được sâu răng. Cách sử dụng rất đơn giản, pha loãng tinh dầu và súc miệng trong khoảng 30 giây. Phương pháp này nên được thực hiện thường xuyên để đem lại hiệu quả cao;
- Làm dịu vùng da bị viêm: Kết hợp tinh dầu tràm trà và dầu oliu đem lại hỗn hợp trị viêm da. Hỗn hợp tạo thành có thể bôi lên vùng da bị côn trùng cắn, vùng da bị mẩn đỏ hoặc bị thương;
- Trị gàu: Theo một nghiên cứu, sử dụng dầu gội có chứa tinh dầu tràm trà sau 4 tuần giúp giảm 40% tình trạng gàu.
4. Cách dùng tinh dầu tràm trà
Đối với người trưởng thành:
- Tinh dầu tràm trà trị mụn trứng cá: Bôi tinh dầu tràm trà 5% có tác dụng tương đường Benzoyl Peroxide 5% trong điều trị mụn trứng cá. Ngoài da, tinh dầu tràm trà ít gây kích ứng cho da mặt hơn khi dùng Benzoyl Peroxide;
- Điều trị nấm móng chân: Bôi dung dịch tinh dầu tràm trà 100% lên vùng da chân bị nấm 2 lần mỗi ngày trong thời gian 6 tháng. Dung dịch bôi có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn móng chân do nấm. Tác dụng của tinh dầu tràm trà tương tự như dung dịch Clotrimazole 1% hai lần mỗi ngày. Tuy nhiên ở nồng độ thấp hơn, dung dịch tinh dầu tràm trà dường như không có tác dụng;
- Điều trị nấm da chân: Bôi kem chứa 10% tinh dầu tràm trà cho tác dụng điều trị ngang với Tolnaftate 1% trong cải thiện triệu chứng bệnh nấm da chân. Tuy nhiên kem bôi chứa 10% tinh dầu tràm trà dường như không có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn.
Đối với trẻ em:
- Điều trị nhiễm trùng mắt: Rửa mí mắt trẻ bằng dung dịch dầu tràm trà 50% hoặc massage mí mắt với thuốc mỡ chứa 5% cây trà, thời gian điều trị khoảng 4 – 6 tuần;
- Điều trị bệnh nhiễm trùng da: Thoa vùng da bị nhiễm trùng bằng tinh dầu tràm trà hòa thêm 0,004 ml Iot 2 lần/ngày, thời gian điều trị khoảng 30 ngày cho đến khi vết thương lành lại;
- Điều trị mụn cóc do virus: Thoa dung dịch dầu tràm trà lên mụn cóc 1 lần/ngày trong 12 ngày.
5. Một số lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm trà
- Không dùng tinh dầu tràm trà bằng đường uống vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng gồm không thể đi lại, lú lẫn, phát ban, chóng mặt, hôn mê...;
- Tinh dầu tràm trà an toàn ở hầu hết các đối tượng khi bôi lên da. Tuy nhiên, tinh dầu cũng có thể gây kích ứng da ở một số trường hợp. Ở người bệnh bị mụn trứng cá, đôi khi tinh dầu tràm trà có thể gây ngứa, khô da, mẩn đỏ và bỏng rát.
Tinh dầu tràm trà có nhiều công dụng và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hy vọng những thông tin trình bày trên bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về công dụng, các lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm trà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.