Công thức Teflon nổi tiếng đến mức nhiều người đã gọi các loại chảo, nồi chống dính là Teflon. Thực tế không phải tất cả thành phần chống dính trong dụng cụ nấu ăn đều là Teflon. Mặc dù xuất hiện từ rất lâu nhưng Teflon vẫn gây ra những lo ngại tiềm ẩn đối với sức khỏe. Một câu hỏi liên tục được đặt ra là liệu dụng cụ nấu ăn không dính có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?
1. Teflon là gì?
Teflon là tên của một loại hóa chất tổng hợp được gọi là polytetrafluoroethylene (PTFE). Teflon được sử dụng như một lớp chống dính trên bề mặt nhiều loại sản phẩm vì nó không thấm nước và giúp giảm ma sát.
Teflon được sử dụng từ những năm 1940 và xuất hiện trong nhiều vật dụng, từ bóng đèn nhiệt cho đến đồ bảo vệ vải. Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng vào công nghiệp, ô tô và dược phẩm. Trên thực tế chúng ta đang sử dụng rất nhiều sản phẩm phủ Teflon trong gia đình. Tuy nhiên, công dụng quen thuộc nhất của Teflon có lẽ là lớp chống dính phủ trên bề mặt nồi và chảo, giúp việc nấu nướng và vệ sinh dụng cụ dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Thành phần chống dính trong dụng cụ nấu ăn có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?
Mối quan tâm về dụng cụ nấu ăn như nồi chống dính và nguy cơ gây ung thư hoàn toàn không liên quan đến Teflon. Nguy cơ này liên quan đến axit perfluorooctanoic (PFOA) - một hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon.
Mặc dù PFOA đã từng được sử dụng để sản xuất Teflon nhưng kể từ năm 2013 trở đi, tất cả các sản phẩm mang nhãn hiệu Teflon đều không chứa PFOA nữa. Có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa PFOA và ung thư, nhưng mối liên hệ giữa Teflon và ung thư lại hoàn toàn không có căn cứ.
Chúng ta cần hiểu tại sao PFOA lại được quan tâm và tại sao nó không còn được sử dụng để sản xuất Teflon. Trong quá trình sản xuất lớp chống dính Teflon, PFOA có thể gây ô nhiễm vào đất, nước, không khí và thời gian nó tồn tại trong môi trường và cơ thể con người là rất dài.
Các nghiên cứu thường liên quan đến nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với PFOA và cho ra các kết quả khác nhau. Bên cạnh đó, tiếp xúc với các chất polyfluoroalkyl-PFAS (một nhóm lớn bao gồm cả PFOA) có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư sau:
- Ung thư bàng quang;
- Ung thư thận;
- Ung thư buồng trứng;
- Ung thư tuyến tiền liệt;
- Ung thư tinh hoàn.
3. Chảo hoặc nồi chống dính có gây các vấn đề sức khỏe khác không?
Người tiêu dùng tiếp xúc lâu với khói sản sinh từ các dụng cụ có tráng lớp chống dính có thể xuất hiện các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, ớn lạnh và sốt. Điều này thường liên quan đến việc các dụng cụ như nồi chống dính được sử dụng ở đến nhiệt độ quá cao trong nhiều giờ.
Thực tế, tình trạng này là lành tính và các triệu chứng có xu hướng biến mất trong vòng 12 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với khói. Tuy nhiên, các triệu chứng trên có thể nghiêm trọng đối với những người đã mắc bệnh tim mạch hoặc hô hấp từ trước.
Một số nghiên cứu khác cho thấy chất PFAS (không được sử dụng chế tạo Teflon từ năm 2013) có thể liên quan đến:
- Tăng mức cholesterol máu;
- Giảm hiệu quả vắc xin ở trẻ em;
- Thay đổi men gan;
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp hoặc tiền sản giật ở phụ nữ đang mang thai;
- Nhẹ cân ở trẻ sơ sinh;
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, không có nguy cơ sức khỏe nào khác được chứng minh khi sử dụng dụng cụ nấu nướng được phủ lớp chống dính Teflon.
4. Lớp chống dính Teflon và những rủi ro đối với loài chim
Mặc dù dụng cụ nấu nướng Teflon an toàn cho con người nhưng điều tương tự không xảy ra đối với loài chim. Ở nhiệt độ khoảng 280 độ C, các bề mặt phủ lớp chống dính Teflon bắt đầu thải ra các sản phẩm hóa học có thể dẫn đến nhiễm độc PTFE ở chim. Những con chim hít phải khói có thể gặp vấn đề về hô hấp, co giật và tử vong.
Vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng nấu ăn bằng chảo hoặc nồi chống dính Teflon ở nhiệt độ cao hãy để chim thú cưng tránh xa bếp khi nấu ăn.
5. Dụng cụ bằng chất liệu khác có gây ung thư không?
5.1. Dụng cụ bằng nhôm
Thực phẩm sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhôm khi nấu nướng. Nhôm là kim loại có trong không khí, nước, đất và nhiều loại sản phẩm tiêu dùng khác. Khi chế biến thức ăn từ các dụng cụ làm từ nhôm, một số cặn nhôm có thể dính vào thực phẩm, nhưng nhôm anot hóa sẽ giúp hạn chế điều này.
Tuy nhiên, dụng cụ nấu ăn bằng nhôm được coi là an toàn và không có liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư. Một tác động khác là vai trò của nhôm trong sự phát triển bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định.
5.2. Dụng cụ bằng gang thép
Khi nấu ăn bằng các dụng cụ làm từ gang, một số ít sắt sẽ ngấm vào thức ăn. Tất nhiên, sắt vẫn là nguyên tố cần thiết trong chế độ ăn uống của con người. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy sắt huyết thanh cao có thể là một yếu tố nguy cơ của tất cả các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư vú.
Ngoài ra, một phân tích tổng hợp năm 2014 cũng cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ sắt cao và ung thư, mặc dù cần có thêm nghiên cứu để xác nhận vấn đề này. Do đó, người tiêu dùng có thể cần xem xét lại việc nấu ăn bằng dụng cụ làm từ gang, đặc biệt với người có hàm lượng sắt trong cơ thể quá cao.
Ngược lại, kết quả của một đánh giá hệ thống năm 2003 chỉ ra rằng dụng cụ làm bằng gang có thể là một biện pháp can thiệp đầy hứa hẹn cho những người bị thiếu sắt.
5.3. Dụng cụ bằng đồng
Một lượng nhỏ đồng rất tốt cho sức khỏe, nhưng một lượng lớn có thể gây độc. Theo đó, bạn không nên sử dụng dụng cụ bằng đồng không được tráng men để nấu ăn, vì lớp tráng bề mặt có thể ngăn đồng rửa trôi vào thức ăn.
5.4. Dụng cụ bằng thép không gỉ
Dường như không có bất kỳ rủi ro sức khỏe nào khi nấu ăn bằng dụng cụ thép không gỉ. Nhưng một bài báo xuất bản vào năm 2013 lưu ý rằng niken và crom có thể ngấm vào nước sốt cà chua. Lượng kim loại trôi vào thức ăn sẽ phụ thuộc vào loại thép không gỉ, thời gian nấu, cách sử dụng và gia vị chế biến món ăn.
Một số người cơ địa nhạy cảm với niken hoặc crom cần xem xét để chọn một dụng cụ nấu ăn từ vật liệu khác thay vì thép không gỉ.
6. Mẹo sử dụng dụng cụ nấu ăn Teflon an toàn
Bạn có thể tham khảo một số mẹo sử dụng dụng cụ nấu ăn Teflon an toàn như sau:
- Thay thế dụng cụ nấu Teflon bị hỏng hoặc bị mòn;
- Làm nóng trước với lửa nhỏ đến trung bình;
- Đừng để chảo hoặc nồi chống dính không có thức ăn trên bếp đang nóng;
- Mặc dù lớp chống dính Teflon có thể an toàn ở nhiệt độ lên đến 260°C nhưng tốt nhất người dùng nên nấu ở nhiệt độ từ thấp đến trung bình;
- Khi sử dụng nhiệt độ quá cao, hãy bật quạt thông gió hoặc mở cửa sổ;
- Tránh các đồ dùng bằng kim loại cứng có thể làm xước lớp chống dính của chảo Teflon;
- Không sử dụng vật liệu tẩy rửa có tính ăn mòn;
- Dù sử dụng chảo, nồi chống dính hay bất kì dụng cụ nấu nướng nào khác, người dùng hãy luôn tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để sử dụng một cách an toàn nhất;
- Nếu sử dụng dụng cụ Teflon được sản xuất trước năm 2013 và lo lắng về sức khỏe, chúng ta hãy thử thay thế các bằng dụng cụ nấu ăn Teflon mới hơn hoặc các loại nồi chảo được làm bằng thép không gỉ hoặc nhôm;
Tóm lại, teflon là của một loại hóa chất tổng hợp được sử dụng để phủ lên các dụng cụ nấu nướng. Có những lo ngại rằng hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, những hóa chất đó đã không được sử dụng trong các sản phẩm của Teflon kể từ năm 2013. Teflon ngày nay được xem là dụng cụ nấu ăn an toàn, không có bằng chứng cho thấy Teflon làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com