Đừng chiều nếu trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ

Trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ, cứ đặt xuống là trẻ khóc là vấn đề hay gặp và rất nan giải của rất nhiều bậc cha mẹ. Việc này phần nhiều xuất phát từ việc nuôi dạy trẻ không đúng cách. Vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh bắt bế khi ngủ?

1. Giấc ngủ của trẻ sơ diễn ra như thế nào?

Để xử lý tình trạng trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ, chúng ta cần hiểu về giấc ngủ sinh lý của bé ở giai đoạn này.

Từ lúc mới sinh đến dưới 1 tháng tuổi (hay còn gọi là trẻ sơ sinh) là giai đoạn trẻ dành thời gian cả ngày cho giấc ngủ. Thời gian bé thức chỉ là khi bú mẹ (trẻ thường bú khoảng 2 đến 3 giờ/lần).

Lý do trẻ cần bú nhiều lần trong ngày như vậy là vì diện tích dạ dày trẻ sơ sinh còn nhỏ nên rất mau đói. Đồng thời, giai đoạn này bé vẫn chưa phân biệt thời gian ngày và đêm nên sẽ có những bé ngủ nhiều ban ngày và ban đêm lại thức nhiều hơn. Bình thường, thời gian ngủ ban ngày của trẻ là khoảng 8 đến 9 tiếng và khoảng 8 tiếng vào buổi đêm.

Đến giai đoạn lớn hơn (khoảng 3 tháng tuổi hoặc khi trẻ được khoảng 6kg cân nặng), các con dần dần có thói quen ngủ suốt đêm (từ 6 đến 8 tiếng) và không thức giấc nhiều như trước đó. Cha mẹ có thể không cần đánh thức con dậy để cho bú như trước nhưng lưu ý không nên để con ngủ quá 3 tiếng mà không bú, tránh việc trẻ đói bụng.

Một số trường hợp đặc biệt hơn như sinh non tháng, trẻ nhẹ cân hoặc mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản... có thể phải cho bú thường xuyên hơn, khoảng 2 đến 2 tiếng rưỡi một lần đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể.

Các giai đoạn khi tỉnh giấc của trẻ sơ sinh rất khác nhau. Nhiều bé sau khi thức giấc vẫn nằm yên và mở mắt. Tiếp sau đó bé bắt đầu có những cử động tay chân và tỏ ra tỉnh táo hơn. Thông thường giai đoạn cuối cùng là bé òa khóc. Do đó, thời điểm tốt nhất cho con bú là trước khi bước sang giai đoạn òa khóc. Khóc là cách bé biểu hiện cho mẹ là mình đói bụng. Một số bé có các dấu hiệu khác như tìm vú hay đưa tay vào miệng. Nếu để con òa khóc mà chưa cho bú, bé có thể tỏ ra hơi khó chịu và không chịu bú nữa. Lúc này mẹ nên có những cử chỉ để làm dịu con ôm bé sát vào người hoặc quấn bé trong một cái khăn.

2. Tại sao trẻ sơ sinh đòi bế khi ngủ?

Bước sang giai đoạn từ 6 đến 8 tuần tuổi, cha mẹ đã có thể dạy con cách tự ngủ. Tốt nhất là mẹ hãy đặt bé xuống giường ngủ khi nhận thấy các dấu hiệu buồn ngủ nhưng bắt buộc trẻ vẫn còn thức. Cách dạy bé từ 6 đến đến 8 tuần đầu sau sinh cực kỳ quan trọng.

Một số mẹ có thói quen cho con nằm võng hay nôi, thích bế con khi ngủ vô tình tạo ra thói quen không tốt. Khi đó, tình trạng trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ hoặc đòi nằm võng đu đưa gây nên nhiều phiền toái cho cha mẹ.


Một số trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ khi bước sang giai đoạn mới
Một số trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ khi bước sang giai đoạn mới

Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên tạo cho con những thói quen không tốt như bế, đung đưa hay cho ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ. Thay vào đó, cha mẹ nên tạo ra một số thói quen khác như hát ru, cho nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông hay gãi nhẹ đầu... Nhưng cần phải lưu ý là trẻ sẽ quen với thói quen đó và cha mẹ cần phải thực hiện thì con mới ngủ. Do đó, cha mẹ nên lựa chọn thói quen vừa phù hợp với con vừa khả thi thực hiện đối với mình.

Nếu vẫn sốt ruột mong cho con ngủ tốt nhưng vẫn muốn hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh đòi bế khi ngủ, cha mẹ có thể bế con cho đến khi thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống giường chứ tuyệt đối không để bé ngủ trên tay mình. Nhiều mẹ vì thương con mà để con ngủ trên tay đã tạo ra phản xạ không tốt, cứ đặt xuống là trẻ khóc và đòi mẹ bế mới chịu ngủ.

Trẻ sơ sinh tương tự một tờ giấy trắng, cha mẹ muốn con ngủ ngoan ngoãn thì không nên bỏ qua thời điểm có thể dạy bé thói quen ngủ đúng cách. Giấc ngủ của trẻ vừa quan trọng trong sự phát triển toàn diện của bản thân vừa quan trọng với sức khỏe của mẹ.

Nhiều mẹ có con quấy đêm nhiều, không chịu ngủ rơi vào trạng thái thiếu ngủ. Từ đó, người mẹ không đủ sức khỏe, tinh thần để chăm sóc con toàn diện được. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng áp dụng những phương pháp dỗ bé ngủ thích hợp, tránh hiện tượng trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con.

3. Một số lưu ý trong việc dạy bé tự ngủ

3.1. Hạn chế đu đưa trẻ khi ngủ

Nhiều trẻ sơ sinh đòi bế khi ngủ hoặc phải đu đưa liên tục mới chịu ngủ là do thói quen sai lầm của cha mẹ. Trong đó việc cho con nằm nôi lắc hoặc nằm võng đu đưa liên tục rất hay gặp. Cha mẹ cần lưu ý có thể đu đưa nhẹ lúc con vừa thiu thiu ngủ và ngừng ngay hành đồng này khi con đã ngủ yên, không tạo ra thói quen khiến con đòi đu đưa võng liên tục mới chịu ngủ.

3.2. Không tập cho con nằm võng

Thói quen cho con nằm võng khi ngủ rất hay gặp tại Việt Nam. Trẻ sơ sinh không hề biết võng là gì nếu cha mẹ không đặt bé vào đó. Điều này tạo ra thói quen nghiện võng, có võng mới chịu ngủ và rất khó từ bỏ. Đến giai đoạn lớn hơn khi con biết lật, biết bò thì việc nằm võng gây nên vấn đề nguy hiểm khác là khi bé thức dậy mà không có người lớn bên cạnh, rất dễ té hoặc gặp tai nạn. Do đó, để đảm bảo những gì tốt nhất, cha mẹ nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định cho trẻ nằm võng.


Cha mẹ nên khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ và thích nằm võng ngủ
Cha mẹ nên khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh thích bế khi ngủ và thích nằm võng ngủ

3.3. Thiết lập thời khóa biểu

Cha mẹ nên thiết lập một thời gian biểu cho các hoạt động trong ngày của bé. Trong đó quy định giờ nào cho trẻ bú, giờ nào tắm, giờ nào ngủ và cố gắng thực hiện chúng một cách chính xác để tạo thói quen hằng ngày cho con. Trước khi đi ngủ, cha mẹ có thể lau người bé bằng nước ấm, massage, cho nghe nhạc êm dịu hay hát ru cho con để giúp giấc ngủ thoải mái hơn.

Mỗi ngày, cha mẹ hay duy trì các "thủ tục” này theo đúng trình tự và thời gian biểu để tạo một phản xạ có lợi cho bé.

3.4. Tạo môi trường ngủ phù hợp

Giấc ngủ của con sẽ không ngon nếu phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh. Cha mẹ nên tạo và duy trì nhiệt độ phòng của trẻ sơ sinh trong khoảng 28 đến 29 độ C. Đồng thời, phòng ngủ cần thông thoáng khí nhưng không được để gió lùa quá nhiều. Bên cạnh đó, tuyệt đối không được để quạt thổi trực tiếp vào người hoặc để con nằm ngay luồng gió của máy lạnh.

Bên cạnh phòng ngủ, đặc biệt là khi có sử dụng máy lạnh, cha mẹ nên cho con mặc áo liền quần, mang vớ giữ ấm chăn, hạn chế đắp nhiều chăn mền gây nóng nực. Ngoài ra cha mẹ phải cố gắng giữ tã luôn khô ráo để con ngủ ngon giấc nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe