Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Có lẽ bạn đã nghe nói rằng, tất cả những điều mà trẻ sơ sinh làm chỉ bao gồm: ăn, ị, khóc và ngủ. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế không như vậy. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được một số thông tin về cách chăm sóc trẻ cũng như những dấu hiệu của trẻ sơ sinh.
1. Cách nuôi dưỡng trẻ sơ sinh
Vì dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, trẻ chỉ cần ăn một lượng nhỏ được chia làm nhiều lần - khoảng 30 ml đến 90ml mỗi lần. Một số người sẽ chia nhỏ thành 2-3 lượng nhỏ mỗi giờ, một số người khác sẽ để trẻ đói hơn, giãn cách thời gian cho trẻ bú.
Trong khi một số trẻ sẽ thông báo cơn đói của mình bằng tiếng khóc thì những đứa trẻ khác lại có những biểu hiện như: mút tay, bặm môi hoặc bé mím môi và quay đầu về phía vú hoặc bình sữa.
Trong vài ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh thường giảm khoảng 7% trọng lượng cơ thể. Mặc dù điều này là bình thường, tuy nhiên bạn có thể cho bé ăn thường xuyên hơn hoặc lâu hơn nhằm mục đích đưa bé trở lại cân nặng như lúc sinh.
Trẻ sơ sinh rất hay buồn ngủ, vì vậy bạn có thể cần đánh thức em bé dậy để bú và khuyến khích trẻ một cách nhẹ nhàng để trẻ tỉnh táo trong khi ăn. Hãy thử cởi quần áo của bé, xoa đầu hoặc lưng hay nói chuyện với bé. Mục tiêu là để em bé của bạn trở lại cân nặng khi sinh trong lần kiểm tra tới.
2. Vỗ ợ hơi cho trẻ
Một số trẻ sơ sinh cần được vỗ ợ hơi thường xuyên, trong khi một số trẻ khác có thể tự ợ hơi. Nếu trẻ quấy khóc hoặc khó chịu sau khi bú, bạn nên vỗ ợ hơi cho trẻ.
Bạn cũng có thể vỗ ợ hơi cho bé khi bạn chuyển vú cho bé bú, cứ sau 60 ml đến 90ml hoặc cứ sau 10 đến 15 phút cho bé ăn, cũng có thể sau khi bé đã ăn xong. Sau một hoặc hai ngày cho ăn, bạn sẽ tìm thấy thời gian hợp lý dành cho trẻ.
Không cần thiết phải đập vào lưng của bé hay những cái vỗ nhẹ. Có một số tư thế vỗ ợ hơi mà bạn có thể thử, chẳng hạn như giữ em bé tựa đầu vào vai bạn, ngồi thẳng trên đùi bạn, các ngón tay của bạn đỡ ngực và cằm trẻ hoặc đặt bụng trẻ xuống đùi bạn.
Không nên hoảng hốt khi trẻ nấc cụt hoặc trớ. Nấc cụt là hiện tượng bình thường đối với trẻ sơ sinh và không gây khó chịu cho trẻ. Tương tự như vậy, trẻ trớ ra trong và sau khi ăn dù chỉ ăn với một lượng nhỏ thì cũng được coi là hiện tượng bình thường.
3. Khi trẻ sơ sinh đi tiểu và đi ị
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể thay ít nhất 5 tã ướt mỗi ngày. Trẻ được nuôi bằng sữa công thức có thể cần nhiều hơn thế ( khoảng 10 tã mỗi ngày).
Trẻ bú sữa mẹ thường đi ị nhiều hơn trẻ bú sữa công thức vì sữa công thức thường mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Nhưng tần suất của những trẻ bú sữa mẹ lại có sự khác nhau. Trẻ bú sữa công thức thường đi ị vài lần một ngày.
Theo dõi lịch đi tiểu và màu phân của trẻ vì bác sĩ sẽ hỏi về nước tiểu và nhu động ruột của trẻ khi theo dõi cho trẻ.
Các nhu động ruột đầu tiên của trẻ được gọi là phân su, thường xảy ra trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi sinh. Phân su có màu đen và có độ đặc gần như hắc ín, trông qua cũng giống như của người trưởng thành. Phân của trẻ bú sữa mẹ có thể có màu xanh lục, nâu nhạt hoặc màu vàng... Phân của trẻ được nuôi bằng sữa công thức thường có màu nhợt và có sự thay đổi màu sắc. Nếu có chất nhầy màu trắng hoặc vệt đỏ trong phân của trẻ, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám (vết đỏ có thể là có máu trong phân của trẻ).
Độ đặc của phân bình thường cũng dao động từ rất mềm đến chảy nước. Với những em bé bú sữa mẹ sẽ có phân lỏng hơn. Điều này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với tình trạng tiêu chảy. Về cơ bản, rất khó khăn để theo dõi sự thay đổi của trẻ. Vì vậy, khi nghi ngờ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trẻ sơ sinh chỉ có ăn, ị, ngủ và khóc nhưng mỗi trẻ lại có những đặc điểm khác nhau. Khái niệm về sự bình thường cũng có phạm vi rất lớn. Vì vậy, điều quan trọng nhất đó là bạn cần theo dõi những sự thay đổi đột ngột ở trẻ, và liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra.
4. Trẻ sơ sinh khóc
Tần suất, mức độ và thời gian trẻ sơ sinh khóc sẽ thay đổi theo thời gian.
Trong vài ngày đầu tiên, nhiều trẻ sơ sinh rất ít khóc và ngủ nhiều. Nhưng đến hai tuần tuổi, thông thường một đứa trẻ sơ sinh sẽ khóc khoảng hai giờ mỗi ngày. Tần suất khóc thường tăng cho đến khoảng sáu đến tám tuần tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần.
Theo thời gian, sẽ dễ dàng để bạn nhận ra lý do tại sao trẻ sơ sinh lại khóc. Tại thời điểm này, một số lý do phổ biến khiến trẻ khóc, bao gồm tã bẩn, đói, quá no, không thoải mái. Nếu không, một lý do khác cho sự quấy khóc sớm có thể là quá kích thích. Một số trẻ sơ sinh trở nên quấy khóc khi chúng hoạt động quá nhiều.
Tuy nhiên, sẽ có lúc bé khóc không rõ nguyên nhân và bạn sẽ cần tìm ra giải pháp để làm dịu trẻ. Nếu không thể nhanh chóng tìm ra lý do chính xác khiến trẻ khóc khiến bạn cảm thấy bất lực, hãy cố gắng bớt chỉ trích bản thân. Đây là vấn đề không chỉ của riêng bạn mà của phần lớn tất cả các bà mẹ.
5. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường có nhiều giấc ngủ ngắn vì chúng nhanh đói. Tuy nhiên, tất cả các giấc ngủ ngắn cộng lại, thường trẻ sẽ ngủ khoảng 16 đến 20 tiếng mỗi ngày.
Trẻ sơ sinh có thể ngủ ở bất cứ đâu, chẳng hạn như trên ghế xe hơi, nôi hoặc trong vòng tay bạn. Nhiều trẻ sơ sinh thích sự vừa vặn của ghế ngồi ô tô hoặc xe đẩy em bé vì chúng khá vừa vặn, giống như khi trẻ còn trong bụng mẹ.
Đó là lý do tại sao rất nhiều trẻ sơ sinh thích được quấn tã. Trẻ sẽ ngủ sâu hơn khi được bao bọc chặt tương tự môi trường mà bé đã quen và giữ cho trẻ ít bị giật mình.
Cho dù bé ngủ ở đâu hay khi nào, hãy luôn đặt bé nằm ngửa và tránh xa tất cả chăn ra, cũng như gối, mền và đồ chơi để giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Ngoài ra, không bao giờ để bé đang ngủ trên ghế dài hoặc giường một mình vì nguy cơ lăn hoặc ngã luôn luôn xuất hiện, ngay cả khi bé chưa tự bò.
Khi bé đã ngủ, đừng ngạc nhiên nếu bạn nghe thấy bé phát ra những âm thanh lạ. Nếu nó có vẻ giống như em bé của bạn bị cảm lạnh, thì đây cũng được coi là hiện tượng bình thường, bạn không nên quá lo lắng. Vì lúc này trẻ chưa thể tự làm sạch đường mũi của mình, bạn có thể sử dụng dụng cụ để làm sạch mũi trẻ, điều này có thể giúp trẻ dễ thở, dễ ngủ, thậm chí là dễ tiêu hóa hơn.
6. Khi trẻ sơ sinh thở bất thường
Một hiện tượng khác thường gặp ở trẻ sơ sinh chính là tình trạng thở nhanh, dừng lại vài giây rồi bắt đầu thở trở lại. Đây là dấu hiệu bình thường, tuy nhiên bạn không nên quá chủ quan.
Nếu gặp bất cứ biểu hiện bất thường nào sau đây, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ:
- Trẻ cáu gắt, khó chịu;
- Trẻ bị ngạt mũi;
- Co thắt ngực;
- Hít thở liên tục và nhanh;
- Tiếng khò khè từ ngực của trẻ (không phải từ mũi hoặc cổ họng);
- Hơi thở nặng nề;
- Dừng lại 10 đến 15 giây giữa các nhịp thở.
7. Tắm cho trẻ sơ sinh
Trẻ cần được tắm sạch sẽ trong những ngày đầu tiên sau sinh. Khi trẻ vẫn còn cuống rốn, bạn nên làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc tắm cho trẻ, hầu hết các bệnh viện đều khuyên không nên để cuống rốn của trẻ bị ướt. Tắm bọt biển là đủ để giữ cho trẻ được sạch sẽ trong một hoặc hai tuần đầu tiên. Thực tế, tắm quá nhiều sẽ khiến da của trẻ bị khô.
Sử dụng khăn ấm, ẩm hoặc khăn lau không mùi để lau nhẹ quanh cổ trẻ và các khu vực khác mà sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước có thể tích tụ, vệ sinh cả bộ phận sinh dục cho trẻ. Bạn cần chú ý đến những vết đỏ hoặc dấu hiệu kích ứng khi dùng tã cho trẻ.
Đừng ngạc nhiên nếu làn da trẻ sơ sinh của bạn không giống như làn da hoàn hảo mà bạn từng nghĩ đến. Nhiều trẻ sơ sinh sẽ xảy ra các kích ứng da nhỏ, chẳng hạn như phát ban ở trẻ sơ sinh, bong tróc hoặc khô, đây là những biểu hiện bình thường bởi trẻ chỉ mới nổi lên sau khi tắm 9 tháng trong nước ối. Bạn thậm chí có thể phát hiện ra một số tóc rụng ở vai và lưng của trẻ, bởi sau hai đến ba tuần đầu tiên sau sinh, tóc trẻ sẽ bị rụng.
8. Quần áo trẻ sơ sinh
Để giúp trẻ thoải mái, nhiều bậc cha mẹ thường lựa chọn việc kết hợp áo phông và đổ ngủ có tất cộng thêm một chiếc khăn quấn hoặc túi ngủ trong thời tiết lạnh hay vào ban đêm.
Nếu trẻ sơ sinh của bạn không thích có quần áo kéo qua đầu hoặc cuống rốn trẻ nhạy cảm, trang phục một mảnh kiểu kimono sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Để giữ ấm cơ thể trẻ, hầu hết các bệnh viện đều cho trẻ sơ sinh đội mũ khi trở về nhà, nhưng đó là trong trường hợp thời tiết khá lạnh, việc đội mũ cho trẻ sơ sinh là không bắt buộc. Bạn nên sử dụng thêm một chiếc chăn nhẹ hoặc mũ mỏng để dễ dàng tháo ra khi không cần thiết.
9. Đồ dùng cho trẻ sơ sinh
Khi mang thai, chắc hẳn bạn đã sắm được rất nhiều đồ dùng trẻ em. Hiện tại, có thể bạn chưa cần sử dụng quá nhiều. Bạn cần chuẩn bị phòng ngủ cho trẻ cũng như chiếc ghế ô tô cho trẻ cần được lắp đúng cách để đưa bé về nhà. Ngoài ra, một số vật dụng khác như thảm đồ chơi, đồ chơi cho trẻ và các thiết bị trẻ em khác cũng là những sự lựa chọn đem lại nhiều hữu ích, tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên thì chúng thực sự chưa cần thiết. Nhu cầu của trẻ sơ sinh vào thời điểm này vẫn còn rất đơn giản.
10. Trầm cảm sau sinh
Sự xuất hiện của trẻ chính mang đến rất nhiều sự thay đổi trong cuộc sống của bạn. Bạn không nên mong đợi quá nhiều về việc có thể thích nghi ngay với những sự thay đổi này. Trên thực tế, phải mất từ vài ngày, thậm chí vài tháng bạn mới dần dần thích ứng được. Hãy thả lỏng cơ thể và suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực.
Lượng hormone trong cơ thể bạn đang có sự thay đổi lớn sau khi bạn sinh con và tình trạng thiếu ngủ trầm trọng gây ra. Bạn đang dần thay đổi để thích nghi với giai đoạn mới của cuộc sống. Bạn có thể cười, khóc, thất vọng, phấn khích và xuất hiện vô số cảm xúc chỉ trong vòng vài giờ, hoặc vài phút. Bạn nhận ra rằng việc chăm sóc trẻ sơ sinh chiếm một lượng lớn thời gian của bạn, khiến bạn khó có thể thực hiện những nhu cầu cơ bản của bản thân. Có tới 70 đến 80% những người mới làm mẹ mắc hội chứng Baby Blue sau khi sinh con. Thường những triệu chứng của Baby Blues xuất hiện mạnh mẽ trong 4 đến 5 ngày sau sinh và giảm dần trong vòng hai tuần. Tuy nhiên, tất cả các bà mẹ cần có sự hiểu biết về hội chứng này cũng như các dấu hiệu trầm cảm sau sinh (PPD). So với Baby Blues, PPD diễn biến trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn. PPD ảnh hưởng đến 1 trong 10 phụ nữ sau sinh - và cả những người mới làm cha. Điều trị rất quan trọng đối với cả bạn và em bé, vì vậy nếu bạn có các triệu chứng PPD, hãy nói chuyện với bạn đời hoặc người thân của bạn để được hỗ trợ và tham khảo ý kiến của bác sĩ về các triệu chứng mà bạn gặp phải.
Để tránh tình trạng trầm cảm sau sinh, bạn cần tự biết cách chăm sóc bản thân, tranh thủ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè hoặc thuê người giúp bạn xử lý công việc và một số việc vặt. Trong khi bé ngủ, hãy sử dụng thời gian này để chợp mắt, tắm rửa, hoặc đơn giản là dành vài phút để xem tạp chí. Những điều này sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng để tiếp tục việc chăm sóc trẻ.
11. Sự thay đổi của cơ thể bạn
Cơ thể của bạn cũng đang trải qua những thay đổi lớn về thể chất. Khoảng 72 giờ sau khi sinh, sữa sẽ về. Đây là sữa non, giàu kháng thể. Bạn sẽ biết thời điểm sữa về vì ngực của bạn trở nên đầy đặn, săn chắc và căng cứng. Đây là thời điểm mà tình trạng căng tức xảy ra. Mặc dù nhiều người cho rằng việc cho con bú diễn ra một cách rất tự nhiên, tuy nhiên không có gì lạ nếu gặp một vài khó khăn khi cho con bú. Bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của y tá tại bệnh viện hoặc nhân viên tư vấn. Trong vài ngày đầu tiên, bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn.
Cho con bú có thể làm cho núm vú của bạn thực sự rất đau. Hãy thử các vị trí khác nhau để ngăn ngừa tình trạng đau và nứt. Rửa ngực bằng nước, thoa kem lanolin nguyên chất sau khi cho con bú (không cần phải loại bỏ kem trước khi cho con bú), sử dụng sữa mẹ vắt ra làm kem dưỡng ẩm núm vú. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trong những tuần đầu sau sinh, bé có thể gặp phải một số vấn đề khác như: vàng da, trào ngược, nôn, trớ.... Nếu tình trạng này kéo dài, không có sự cải thiện, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở uy tín để khám sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com