Bị dạ dày có nên ăn dứa không? Ăn dứa có tốt cho dạ dày không? Ăn dứa có hại dạ dày không?... là những câu hỏi được nhiều người quan tâm bởi dứa là một loại trái cây thơm, ngon, bổ, rẻ mà lại còn rất phổ biến ở Việt Nam.
1. Công dụng từ quả dứa
Dứa là một loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, trong đó vitamin C là dồi dào nhất. Dứa có vị ngon ngọt, dễ ăn và có thể dùng để giải khát vào những ngày hè nóng nực.
Trong dứa có chứa chất bromelain (là một nhóm các enzym) có tác dụng giúp phân hủy protein có trong cơ thể. Lượng calo bên trong dứa ngang bằng với các loại trái cây khác, nhưng đặc biệt nhiều dinh dưỡng.
Nhờ lượng vitamin và khoáng chất dồi dào nên khi bổ sung dứa sẽ giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta, nhất là vị giác được kích thích nhạy bén hơn. Đồng thời, khi ăn dứa một cách hợp lý thì cơ thể sẽ xuất hiện nhiều biểu hiện tốt như: Tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, chống oxy hóa, chống lão hóa da, bảo vệ tim mạch, làm dịu cơn ho, giảm nguy cơ bị loãng xương, bảo vệ não bộ,...
2. Ăn dứa có hại dạ dày không?
Dù trái dứa chứa nhiều vitamin và khoáng chất có ích cho sức khỏe, nhưng có thể bạn đã từng nghe người khác khuyên rằng đừng nên ăn dứa vì dứa chua và có tính axit nên dễ khiến dạ dày bị ảnh hưởng. Cũng chính vì suy nghĩ này mà nhiều người băn khoăn không biết ăn dứa có hại dạ dày không? Hay ăn dứa có tốt cho dạ dày không?
Nhìn chung dứa là một loại trái cây lành tính và an toàn với cơ thể chúng ta. Bổ sung các chất dinh dưỡng từ dứa không chỉ nạp đầy năng lượng cho cơ thể, mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực với sức khỏe. Tuy nhiên giống như các loại thực phẩm khác, nếu dùng quá nhiều dứa sẽ có nguy cơ gây ra những triệu chứng xấu cho dạ dày và các cơ quan lân cận, chẳng hạn như: Bụng cảm thấy khó chịu, các cơn đau xuất hiện ở dạ dày, ợ nóng, gây cảm giác nôn nao,... Nguyên nhân của tình trạng này là do các axit hữu cơ và một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein khiến thành dạ dày bị mỏng đi và dễ xảy ra viêm loét.
Trả lời cho câu hỏi ăn dứa có đau dạ dày không, các bác sĩ khuyên người có tiền sử bị đau dạ dày cũng không nên ăn dứa. Trong cơ thể bệnh nhân mắc bệnh này, những lớp chất nhầy bên trong dạ dày - có tác dụng bảo vệ thành niêm mạc khỏi axit và dịch vị - phân bố không đều, có chỗ mỏng, chỗ dày. Khi lớp nhầy niêm mạc bị thiếu hụt trầm trọng, các axit hữu và enzym từ dứa có cơ hội tấn công vào thành dạ dày khiến các vết loét bị ăn mòn rộng hơn.
Ngoài ra, dứa cũng là loại quả chứa nhiều chất xơ nên những người bị các bệnh lý liên quan hệ tiêu hóa không dùng nhiều để tránh xảy ra nhiều vấn đề khó chịu như: Khó tiêu hóa, táo bón,...
Như vậy, việc ăn dứa là rất an toàn cho cơ thể nếu bổ sung với lượng vừa phải. Ngược lại, khi ăn quá nhiều dứa trong một ngày sẽ dễ gây ra phản ứng ngược gây hại cho cơ thể. Cùng với đó, những người có bệnh lý liên quan đến dạ dày cũng không ăn dứa vì dễ khiến các vết thương ở dạ dày trầm trọng hơn.
3. Những lưu ý khi ăn dứa
- Nguy cơ bị dị ứng: Một vài phản ứng xấu có thể xảy ra khi ăn dứa bao gồm kích ứng (đau hoặc bỏng) trong miệng vì dứa có tính axit và hàm lượng bromelain cao; hội chứng dị ứng miệng (ngứa hoặc sưng). Ngoài ra còn có trường hợp hiếm gặp khi ăn dứa bị sốc phản vệ, với triệu chứng ban đầu là thở khò khè hoặc không thở được.
- Tương tác với thuốc: Việc chú ý đến loại thuốc mà bạn đang sử dụng trước khi ăn dứa cũng rất thiết để tránh tương tác với các chất có trong dứa. Ví dụ, chất bromelain trong dứa có thể khiến tác dụng của thuốc chống trầm cảm và chống co giật bị thay đổi.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn dứa: Theo nghiên cứu trên thế giới thì chất bromelain bên trong dứa có thể khiến tử cung bị mềm, kích thích co bóp. Nếu phụ nữ mang thai 3 tháng đầu ăn quá nhiều dứa xanh sẽ dễ bị sảy thai. Ngoài ra, ăn nhiều dứa cũng là nguyên nhân gây nên tiêu chảy, khá nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai.
Dứa tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều thì vẫn tiềm ẩn rủi ro gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho dạ dày. Các chuyên gia khuyến cáo những người có tiền sử bị những bệnh lý liên quan đến dạ dày cũng không ăn quá nhiều dứa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.